Nhọc nhằn vì Covid-19
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2020 đạt 771,7 triệu USD, giảm 15,1% so với tháng 5/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 547,9 triệu USD, giảm 12,9% so với tháng 5/2019.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 6/2020, xuất khẩu lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%, trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,72 tỷ USD, giảm 3%; sản phẩm mây, tre, cói đạt 658 triệu USD, tăng 191,5%.
Ông Nguyễn Quốc Trị cho rằng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 5/2020 giảm mạnh do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều thị trường nhập khẩu chính đã dừng, hoãn các đơn hàng đặt trước và các đơn đặt hàng mới trong trong quý II/2020 hầu như chưa có.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại hầu hết các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quan trọng của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, EU. Nên trong tháng 5/2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới các thị trường này đều giảm, đẩy giá gỗ nguyên liệu xuống mức thấp khiến người dân khai thác cầm chừng, nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến gỗ gặp khó khăn.
6 tháng đầu năm 2020:
Xuất khẩu lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%
--->> Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,72 tỷ USD, giảm 3%
--->> Sản phẩm mây, tre, cói 658 triệu USD, tăng 191,5%
"Hiện nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục sản xuất sau khi dịch Covid-19 tạm lắng ở nhiều nước, nên chúng ta có nhiều cơ hội đạt được mục tiêu như kỳ vọng" - ông Trị nói.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), EU nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ các thị trường ngoài EU trong 3 tháng đầu năm 2020 đạt 442.000 tấn, trị giá 1,2 tỷ euro (tương đương 1,34 tỷ USD), giảm 0,6% về lượng và tăng 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 10,9%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019.
Do tình hình kinh tế suy giảm buộc các nước châu Âu phải từng bước mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh ngay từ những ngày giữa tháng 4/2020 và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.
Nhờ đó triển vọng xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang thị trường EU sẽ khả quan hơn trong quý III/2020 và quý IV/2020.
Đặc biệt, động lực thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ mở rộng cơ hội tại EU, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.
Coi trọng nguồn gốc gỗ hợp pháp
Để đạt mục tiêu xuất khẩu lâm sản và đồ gỗ đạt 11 tỷ USD theo yêu cầu của Bộ NNPTNT, ông Nguyễn Quốc Trị cho biết, ngành sẽ triển khai đồng bộ các chương trình, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng, trong đó tập trung trồng và chăm sóc rừng.
Sử dụng bền vững, hiệu quả diện tích rừng hiện có. Quản lý chặt chẽ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn...
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, việc VPA/FLEGT có hiệu lực là cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA mở ra cơ hội, triển vọng thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam, trong đó có đồ gỗ.
Cùng với đó, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị từng loại rừng, hiệu quả kinh tế rừng trồng theo hướng đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, cây gỗ bản địa và lâm sản ngoài gỗ; nâng mức đảm bảo nguồn cung gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Phát triển mạnh các loại lâm đặc sản có giá trị kinh tế cao, xuất khẩu tốt và là nguồn nguyên liệu quý cho ngành dược (quế, hồi, dược liệu, cánh kiến...).
Đánh giá các mô hình trồng rừng kinh tế thâm canh cao để khuyến khích, hỗ trợ sản xuất giống chất lượng cao đưa vào sản xuất, trồng rừng tập trung quy mô lớn.
Tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lâm sản, truy xuất nguồn gốc.
"Bảo đảm kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp, tránh gian lận thương mại trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Phối hợp ngăn chăn tình trạng gian lận thương mại của một số doanh nghiệp xuất khẩu, kiểm soát chặt gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ bất hợp pháp" - ông Trị nhấn mạnh yêu cầu này.