Ngành nông nghiệp quyết "không bàn lùi" gặt đủ 41 tỷ USD xuất khẩu nông sản
Ngành nông nghiệp quyết "không bàn lùi" gặt đủ 41 tỷ USD xuất khẩu nông sản
Khánh Nguyên
Thứ ba, ngày 30/06/2020 08:42 AM (GMT+7)
Quý I/2020, ngành nông nghiệp bị bủa vây bởi rất nhiều khó khăn. Nhờ linh hoạt, chủ động trong điều hành, bước sang quý II, ngành đã lấy lại tốc độ tăng trưởng, giá trị sản xuất tăng 2,19%. Toàn ngành nông nghiệp đang nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu xuất khẩu 41 tỷ USD trong năm nay.
Báo cáo của Bộ NNPTNT, 6 tháng đầu 2020, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nông nghiệp tăng 0,78% (trồng trọt tăng 0,63%, chăn nuôi "thoát âm" và tăng 1,05%), lâm nghiệp tăng 2,16% và thủy sản tăng 2,21%.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những kết quả ấn tượng.
"Đến nay, Việt Nam đã mở cửa các thị trường mới đối với nhiều sản phẩm xuất khẩu, như vải thiều tươi lần đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản; chôm chôm vào Đài Loan; dâu tây và bí ngô vào New Zealand; tôm và cá tra xuất khẩu vào Brazil…
Bộ NNPTNT cũng đã triển khai các đoàn công tác xúc tiến thương mại tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm (Trung Đông, Mỹ), thị trường tiềm năng nhằm kết nối giao thương và thúc đẩy thương mại trước những khó khăn tại thị trường Trung Quốc do dịch bệnh" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Một điểm đáng chú ý trong dòng chảy nông sản 6 tháng đầu năm 2020 là việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước được đẩy mạnh.
Theo đó, Bộ NNPTNT đã phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ kết nối đưa nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ và gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các hệ thống siêu thị, như Big C, AEON, Hapro, Vinmart…
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, ngay sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, ngành thủy sản đã tập trung đẩy mạnh sản xuất, trong đó đặc biệt chú trọng xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở thị trường nội địa.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã trực tiếp chủ trì hai hội nghị nhằm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm cá tra ở thị trường trong nước. Do đó, hoạt động tiêu thụ cá tra có chuyển biến tốt.
"6 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng dương 3% trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp" - ông Luân nói thêm.
Bên cạnh đó, việc xử lý các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật cũng được Bộ NNPTNT quan tâm; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu sữa, thúc đẩy để mặt hàng tổ yến, thạch đen được chính thức xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, linh hoạt chuyển hướng nên 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 18,81 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,94 tỷ USD, giảm 2,7%; thủy sản ước đạt 3,56 tỷ USD, giảm 8,6%; lâm sản chính ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,7%; các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD.
Phấn đấu đạt mục tiêu kép
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, nhiệm vụ từ nay đến hết năm của ngành nông nghiệp là hết sức nặng nề, khó khăn, với yêu cầu đặt ra là các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm lương thực, thực phẩm phải đạt kế hoạch.
Tùy thuộc tình hình thị trường có thể phải sản xuất tăng cao hơn so với kế hoạch để đáp ứng nhu cầu trong nước, đủ sức bình ổn thị trường trước tác động lịch sử của đại dịch Covid-19 và xuất khẩu (cao nhất có thể).
Như vậy, nhiệm vụ của ngành đặt ra phải quyết tâm cao hơn - đồng bộ hơn - sáng tạo hơn để đạt "mục tiêu kép".
Tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 2,5-3%, trong đó: Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 1,55%; sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; giá trị sản xuất chăn nuôi trên 6%; tổng sản lượng thịt hơi các loại trên 5,5 triệu tấn; giá trị sản xuất thủy sản tăng 3,14%; sản lượng thủy sản đạt 8,43 triệu tấn; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 4,53%; sản lượng gỗ khai thác trên 16,9 triệu m3.
Để đạt được mục tiêu đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu phải điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ, cây trồng, đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn.
Đối với ngành chăn nuôi, tiếp tục kiểm soát chặt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để tái nhiễm dịch tả lợn châu Phi.
Đẩy nhanh quy mô tái đàn, khôi phục đàn lợn, ổn định giá thịt lợn trong nước; đề xuất số lượng nhập khẩu thịt lợn phù hợp, bảo đảm lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng; hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn đầu tư khôi phục chăn nuôi lợn.
Đối với thủy sản, tập trung nâng cao chất lượng khai thác. Triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp để tạo bước đột phá trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài nhằm quảng bá sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm sạch, an toàn; phát triển thị trường xuất khẩu; phát triển mạnh các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Theo dõi chặt tình hình thời tiết, nguồn nước, mực nước, xâm nhập mặn, hạn hán ở các địa phương, nhất là vùng ĐBSCL; có phương án tích nước, vận hành công trình phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất...
"Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 khoảng 41 tỷ USD, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm, ví dụ nông sản chính 20 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 11 tỷ USD; thủy sản 9 tỷ USD, quyết không bàn lùi" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.