Dân Việt

Long An: Sản lượng cá tra tăng đột biến, nghề ương cá bột lụi tàn

Trần Cửu Long 01/07/2020 12:14 GMT+7
Theo Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Long An Nguyễn Văn Chuẩn, 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra nuôi công nghiệp của tỉnh đạt 11.440 tấn, tăng tới gần 34% so với cùng kỳ.

Lý giải việc sản lượng cá tra công nghiệp của tỉnh Long An tăng đột biến, ông Chuẩn cho rằng, ngành nuôi cá tra công nghiệp của tỉnh còn khá mới mẻ nên việc tăng sản lượng nhanh là bình thường.  

"Vài năm nữa, khi việc nuôi cá tra bão hòa thì tăng 1 - 2% thôi đã khó", ông Chuẩn nhận định.

Long An: Sản lượng cá tra nuôi công nghiệp tăng đột biến - Ảnh 1.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Long An khảo sát nuôi cá tra tại Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Tân Hưng, Long An).

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, hiện diện tích nuôi cá tra công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 220ha.

Hầu hết diện tích nuôi cá tra ở Long An do các công ty nuôi trồng thủy sản đầu tư. Trong đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn đang đầu tư diện tích 219ha ở xã Vĩnh Lợi và xã Vĩnh Châu A (Tân Hưng), Công ty Gò Đàng cũng đầu tư diện tích 117,7ha ở xã Thạnh Hưng (Tân Hưng)…

Trong khi nghề nuôi cá tra công nghiệp ngày càng khởi sắc, thì nghề ương cá tra bột tại Long An thời gian gần đây đang dần lụi tàn.

Long An: Sản lượng cá tra nuôi công nghiệp tăng đột biến - Ảnh 2.

Nông dân thu hoạch cá tra.

Cục Thống kê Long An cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh còn hơn 3.000ha ương cá tra bột.

Do tình trạng cung vượt cầu, năm 2019, giá cá tra giống xuống thấp và kéo dài cho đến nay. Giá cá tra giống thấp khiến nông dân ương cá tra bột thua lỗ triền miên. Nhiều hộ hết vốn đầu tư đã "treo ao", hoặc san lấp ao để sản xuất lúa trở lại.

"Việc người dân tự đào ao trên ruộng lúa để ương cá tra bột thời gian qua đã phá vỡ quy hoạch và gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng", ông Chuẩn thông tin.

Nghiêm trọng hơn, theo ông Chuẩn, việc nông dân đắp lại ao để trồng lúa cũng không khả dĩ.

Long An: Sản lượng cá tra nuôi công nghiệp tăng đột biến - Ảnh 3.

Kiểm tra cá tra bột tại ao của anh Trần Văn Kha (Vĩnh Hưng, Long An).

"Theo tôi, việc đắp ao để trồng lúa là biện pháp đối phó, lặp lại cái vòng luẩn quẩn. Cái chính là lúa sẽ không phát triển tốt được vì đất ao đã mất đi lớp phù sa ban đầu. Do đó, khi quyết định chuyển đổi bất cứ cây trồng, vật nuôi gì, bà con cũng cần cân nhắc", ông Chuẩn khẳng định.