Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Cá tra Việt Nam rẻ, giàu dinh dưỡng, sao không ăn?

Minh Ngọc Thứ ba, ngày 09/06/2020 18:45 PM (GMT+7)
Đó là câu hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Xuân Cường đặt ra tại sự kiện kết nối "Sản xuất – Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra" diễn ra tại Hà Nội ngày 9/6.
Bình luận 0

Nối lại chuỗi cung ứng đứt gãy

Ngành hàng cá tra được đánh giá là ngành kinh tế "tỷ đô" của Việt Nam với việc xuất khẩu đi 119 nước trên thế giới. Với sản lượng 1,5 triệu tấn/năm, giá trị đạt 2,3 đến 2.5 tỷ USD.

Kết nối tiêu thụ cá tra sau chuỗi đứt gãy do đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại sự kiện.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã và đang khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của nhiều ngành hàng, trong đó mặt hàng cá tra bị đình trệ. Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng cá tra ước đạt 462.000 tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ 2019.

Sự sụt giảm quá nhanh về thị trường xuất khẩu đã khiến cho các doanh nghiệp gặp khó khăn, một lượng lớn mặt hàng cá tra bị tồn kho, chưa thể xuất khẩu được. 

Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mất đơn hàng, nguy cơ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế. Đặc biệt, là việc ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành cá tra Việt Nam.

Kết nối tiêu thụ cá tra sau chuỗi đứt gãy do đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Các đại biểu thăm quan các gian hàng tại sự kiện Kết nối sản xuất - Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: "Chúng ta đã xây dựng được hệ sinh thái đầy đủ, từ việc tạo ra con giống đến chuỗi chăn nuôi và đã có 150 cơ sở doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Chỉ từ chỗ xuất khẩu đến 10 nước ở châu Á, chỉ đạt 100 triệu USD/năm, đến nay đã xuất khẩu đến 141 quốc gia. Đây là sự cố gắng vượt bậc của người nông dân Đồng bằng sông Cửu Long".

Để khắc phục những khó khăn hiện tại, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và vừa đẩy mạnh xuất khẩu… sự kiện kết nối "Sản xuất – Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra" sẽ là việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra chất lượng cao, cũng như củng cố hình ảnh và phát triển kênh bán hàng mới.

"Điều đáng mừng với ngành hàng cá tra của Việt Nam, ngày 01/11/2019 Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã công nhận chính thức hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá và cá da trơn của Việt Nam tương đương với Hoa Kỳ đã khẳng định uy tín, chất lượng của cá tra Việt Nam trước các thị trường khó tính; giúp việc tiếp cận thị trường và mở rộng thị trường xuất khẩu dễ dàng hơn không chỉ với Hoa Kỳ mà còn các thị trường khác" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Trong khi đó, Việt Nam thủy sản rất nhiều, giá cả phù hợp. "Cá tra Việt Nam rẻ, tại sao không ăn?", Bộ trưởng nói. 

 Do đó, thứ nhất chúng ta cần đưa cá tra ra thị trường miền Bắc, từ đó giảm lượng xuất khẩu và giảm áp lực lên giá cá tra. Thứ hai, cần mở rộng thị trường sản xuất, tung ra thêm nhiều loại sản phẩm thủy sản để người dân có thêm sự lựa chọn.

Doanh nghiệp "bắt tay"  sản xuất – tiêu thụ

Tại sự kiện "Sản xuất – Tiêu thụ nội địa các sản phẩm cá tra", 8 doanh nghiệp đã thực hiện ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Bao gồm: Tập đoàn Masan, Tập đoàn Nam Việt, Công ty IDI,  Big C (Central Group), Công ty Hùng Cá, Tổng công ty HAPRO, Công ty Xuyên Việt và Hiệp hội nông nghiệp Bắc Ninh.

Kết nối tiêu thụ cá tra sau chuỗi đứt gãy do đại dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm.

Đại diện Tập đoàn Masan, bà Phạm Mỹ Linh, Giám đốc chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ (Tập đoàn Massan) chia sẻ: "Với sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm 132 siêu thị VinMart và hơn 2700 cửa hàng tiện ích VinMart+ thuộc VinCommerce – một công ty thành viên của Tập đoàn Masan luôn hướng đến mục tiêu cung cấp hàng hóa thiết yếu ngày càng đa dạng, chất lượng cao để phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng. Trong đó, cá là mặt hàng không thiếu trong chuỗi VinMart/VinMart+".

Theo bà Linh, để có nguồn cung hàng hóa dồi dào, VinCommerce rất cần những nhà cung cấp có nguồn hàng đầy đủ và ổn định, giá cả cạnh tranh, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng.

Kết nối tiêu thụ cá tra sau chuỗi đứt gãy do đại dịch Covid-19 - Ảnh 4.

Đại diện các doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm.

"Để đến được với các nhà cung cấp đó, chúng tôi rất cần sự kết nối, quan tâm, đồng hành của cơ quan nhà nước, đặc biệt là Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn được kết nối nhiều hơn nữa đến các mặt hàng nông sản chất lượng khác, để VinCommerce ngày càng lớn mạnh, đồng hành cùng nông nghiệp Việt Nam, gia tăng giá trị và chất lượng hàng hoá cho người tiêu dùng" – bà Linh nói.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các tháng đầu năm 2020, dịch Covid 19 đã và đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế xã hội và sản xuất kinh doanh của nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng Châu Âu, Hàn Quốc – đây cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 30/3/2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân lớn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem