Điều đặc biệt, trong những căn buồng đó không hề có di ảnh của những người đã khuất, mà chỉ dành thờ cúng duy nhất một chiếc cung tên. Người Mã Liềng xem căn buồng này là "Buồng thiêng" và để thờ cúng báu vật rất linh thiêng, đó chính là "Ma nộ", hay còn gọi là cung tên...
Căn "Buồng thiêng" và những điều cấm kị
Sau một hồi dẫn chúng tôi dạo quanh bản, bên ấm nước nấu bằng lá rừng còn bốc hơi nóng hổi, thơm phức đãi khách dịp đầu năm phải "ưu ái" lắm, già làng Cao Văn Ngụ ở bản Kè, xã Lâm Hoá (Tuyên Hoá) mới vén tấm rèm lên để chúng tôi quan sát bên trong gian "Buồng thiêng" của gia đình.
Nhưng già Ngụ vẫn ra một điều kiện: "Các chú chỉ được chụp ảnh và quan sát chứ không được bước vào"...
Theo quan sát của chúng tôi, trong những ngôi nhà sàn của người Mã Liềng khi được dựng lên được tuân thủ những điều kiêng kỵ rất chặt chẽ. Không gian sử dụng nhà sàn cũng được quy định "ngầm" một cách rõ ràng giữa các thành viên trong gia đình, rất khó lòng vượt qua tục lệ đó.
Trong từng ngôi nhà sàn luôn có một căn "Buồng thiêng", thường được bố trí ở phía bên trái của cửa chính, ngay cạnh một bếp lửa hầu như không bao giờ tắt.
Trước đây, bếp lửa thường được bố trí ở lối cửa chính, ngày nay được đưa ra phía cửa bếp. Buồng được thưng kín bằng những loại gỗ tốt và chỉ dành một lối vào duy nhất, được che bởi một tấm rèm để ngăn những ánh mắt của người lạ nhìn vào bên trong.
Phía trong “buồng thiêng” luôn có một bàn thờ (còn gọi là “Chà bài”). Trên “Chà bài” đặt một bát hương và "Ma nộ" (người Mã Liềng gọi nộ, người miền xuôi gọi là nỏ, cung tên). Trước mặt của gian "Buồng thiêng" luôn có một cửa sổ (còn gọi là “Ma cửa sổ” - PV), nằm sát cạnh cửa chính ra vào.
Theo quan niệm của người Mã Liềng thì cửa sổ này chính là lối ra, vào của các “Ma thần linh” và “Ma tổ tiên”. Tất cả mọi người không ai được phép ngồi tựa lưng, gác chân lên cửa sổ. Người lạ khi đến chơi cấm tuyệt đối không được bước chân vào nhà từ cửa sổ này. Căn buồng thiêng cũng là một biểu hiện hết sức gia trưởng của người đàn ông Mã Liềng bởi nhiều điều kiêng kỵ. Và đó cũng nhằm mục đích để tôn thờ "Ma nộ" một cách trang nghiêm, linh thiêng...
Để giải đáp sự tò mò của chúng tôi, Cao Văn Dụng, trưởng bản Kè tiết lộ về phong tục của đồng bào mình: "Buồng thiêng" của người Mã Liềng là nơi chỉ có người đàn ông trụ cột trong gia đình và người con trai cả mới được phép bước chân vào. Đối với phụ nữ và người lạ thì tuyệt đối không được bước vào, kể cả con rể trong gia đình.
Ngay cả vợ và con gái trong nhà cũng thi thoảng mới được phép bước vào "Buồng thiêng" khi thực sự có việc cần thiết. Lúc vợ mang thai, người chồng sẽ làm một căn chại (chòi) đẻ gần nhà sàn phục vụ việc sinh nở.
Người Mã Liềng quan niệm rằng, nếu người phụ nữ sinh trong nhà chính và gần “Buồng thiêng” sẽ làm ô uế đến “Ma thần linh”, “Ma tổ tiên”, khi ấy những tai hoạ sẽ giáng xuống mọi người trong gia đình. Khi sinh, người đàn bà mang nhiều vía xấu.
Do đó, khi được sinh ra, ngay lập tức đứa trẻ sẽ được tắm rửa sạch sẽ để đuổi vía xấu ra khỏi cơ thể. Trước khi đưa đứa trẻ vào nhà chính, người Mã Liềng sẽ tổ chức một lễ cúng ở "Buồng thiêng" để báo cho “Ma thần linh” và “Ma tổ tiên” về sự hiện diện của thành viên mới...
Già làng Hồ Viên, bản Cà Xen, xã Thanh Hoá (Tuyên Hoá) cho biết, trước khi dựng nhà, người Mã Liềng sẽ phải mời Pạ gơ (thầy cúng) đến để thực hiện việc xin “Ma đất”. Làm nhà xong, họ phải mời Pạ gơ làm thêm một lễ cúng nữa thì mới được vào ở. Khi người vợ về nhà chồng sau lễ cưới, họ phải đi vào bằng lối cửa phụ. Lúc có người thân lìa đời, người chết sẽ được mang ra đặt ở cửa chính. Nhưng khi đem chôn thì người chết sẽ được mang ra khỏi nhà bằng lối cửa sổ ma. Nếu cửa sổ quá nhỏ thì buộc phải phá luôn cả vách nhà...
Giải mã bí ẩn của báu vật "Ma nộ"
Trước đây, khi còn gắn chặt với lối sống du canh du cư, những người đàn ông Mã Liềng luôn đeo "Ma nộ" bên mình và xem đây là thứ báu vật linh thiêng nhất.
"Ma nộ" đối với người Mã Liềng còn được xem như là một chiếc bùa hộ mệnh, là biểu hiện của sức mạnh, phương tiện phục vụ đắc lực cho việc mưu sinh, bảo vệ bản thân, cộng đồng, làng bản...
Già làng Cao Văn Ngụ trải lòng tâm sự, từ khi Nhà nước cấm việc săn bắt động vật rừng trái phép, chiếc "Ma nộ" rất hiếm khi được bà con đem ra sử dụng vào việc mưu sinh, hầu như chỉ được đặt cố định ở vị trí “Chà bài” trong "Buồng thiêng" để thờ cúng.
Cho đến nay, bất cứ người đàn ông Mã Liềng nào khi đến tuổi trưởng thành cũng phải tự tay mình làm ra một báu vật "Ma nộ" và giữ nó đến cuối đời. Khi nào dựng nhà mới hoặc chuyển đến nơi ở khác thì phải mời Pạ gơ đến thực hiện các nghi lễ cúng rồi mới được phép đặt "Ma nộ" lên “Chà bài” trong "Buồng thiêng".
Để làm được một "Ma nộ", trước tiên người đàn ông phải vào rừng tìm cho được một cây gỗ tốt, thường thì dân bản chọn cây gỗ táu. Tiếp đó, dây của "Ma nộ" chủ yếu sẽ được lấy từ sợi của cây si chẻ ra rồi phơi khô, sau đó bện chặt lại. Còn với mũi tên thì được làm bằng đông la cún (người miền xuôi thường gọi đây là cây tro hoặc cây cọ rừng).
Khi vít Nộ, phần gỗ sẽ cong lại còn phần dây hầu như không cong, nhưng tạo ra một lực rất mạnh để đẩy mũi tên bay xa. Người Mã Liềng quan niệm, trong đời sống tâm linh, thế giới vũ trụ tồn tại rất nhiều "Ma" (thần linh) như: ma trời, ma núi, ma đá, ma đất, ma rừng, ma suối, ma tổ tiên, ma bếp... "Ma nộ" của người Mã Liềng chính là nơi để các "Ma" nhập vào, kể cả Ma tổ tiên, nên phải được đặt ở vị trí "Buồng thiêng" rất trang nghiêm...
Những ngày cận Tết cổ truyền năm 2018, vừa mới hoàn tất việc mời Pạ gơ đến đặt xong 4 báu vật "Ma nộ" vào những “Chà bài” trong 4 căn "Buồng thiêng" để thờ cúng, ông Cao Văn Dụng, Trưởng bản Kè mừng rơn khoe với chúng tôi: Năm nay dân bản Kè được mùa lúa, ngô, lạc, lại còn được Nhà nước quan tâm xây dựng thêm 17 nhà sàn mới.
Riêng trong gia đình cũng được cấp trên xây mới 4 nhà, gồm nhà của tui, nhà của hai con trai Cao Văn Tâm, Cao Văn Tin cùng con rể Hồ Bun. Rứa là Tết này mấy cha con tui đã có nơi trang trọng để thờ "Ma nộ" rồi. Phải mổ lợn, tăng thêm gà, xôi, rượu, thịt... để đón Tết. Lễ vật trước hết là thờ "Ma nộ", để các "Ma" luôn phù hộ cho chúng tôi được an lành, ấm no, hạnh phúc. Tiếp đó nhằm mời con cháu, dân bản đến cùng chung vui. Hạnh phúc lắm, ơn Đảng, ơn Nhà nước nhiều lắm các chú à!.