Kể chuyện ly kỳ về những vị thần khổng lồ ở Thanh Hóa

Thứ tư, ngày 17/06/2020 08:06 AM (GMT+7)
Đến mỗi làng quê, vùng đất, không chỉ có cảnh sắc hữu tình của quê hương xứ Thanh, ta còn bị quyến luyến bởi những câu chuyện kể về những vị thần khổng lồ từ thuở hồng hoang, đất trời hỗn độn: thần Đồng Cổ; thần Độc Cước; ông Bưng; ông Vồm..
Bình luận 0

Trong kho tàng huyền thoại và truyền thuyết nhân loại, không thiếu hình ảnh các vị thần khổng lồ đi vào tâm thức con người với những sự ngưỡng vọng và tôn thờ. 

Với người Việt, cậu bé Gióng nhờ ăn cơm dân làng nuôi để một ngày vươn vai đứng dậy trở thành vị thần khổng lồ đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông gấm vóc...

Và ngay ở xứ Thanh, hình tượng những vị thần khổng lồ dường như cũng là cảm hứng sáng tạo bất tận của người xưa trong những nỗ lực mưu sinh. 

Để rồi khi đến mỗi làng quê, vùng đất, không chỉ có cảnh sắc hữu tình của quê hương xứ Thanh, ta còn bị quyến luyến bởi những câu chuyện kể về những vị thần khổng lồ từ thuở hồng hoang, đất trời hỗn độn: thần Đồng Cổ; thần Độc Cước; ông Bưng; ông Vồm...

Kể chuyện những vị thần khổng lồ ở Thanh Hóa - Ảnh 1.

Đền thờ thần Đồng Cổ ở núi Khả Lao, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Có một điều đặc biệt, mỗi vị thần khổng lồ trong những câu chuyện kể của hậu thế hôm nay đều gắn liền với những vùng đất, chiến công cụ thể. Họ không chung chung mà mang “dáng dấp” của những vùng đất ta đến. 

Thần Đồng Cổ ngự ở núi Khả Lao, thần Độc Cước bên bờ biển dưới chân núi Trường Lệ... cùng với đó là sự lí giải đầy thuyết phục được con người nhắc đến.

Đến hôm nay, người dân ở vùng đất Yên Thọ (Yên Định) vẫn luôn tin rằng, núi Khả Lao bên bến Trường Châu (sông Mã) vẫn là nơi ngự trị của vị thần Đồng Cổ tối linh.

Trở về vùng đất Yên Thọ hôm nay, là những công trình nhà ở hiện đại kiên cố trong bóng dáng làng quê đang từng ngày đổi thay. Duy, một không gian thiêng ở làng cổ Đan Nê, nơi có núi Khả Lao, đền thờ Đồng Cổ thì dường như vẫn vậy: tĩnh lặng và linh thiêng.

Dù chẳng ai biết chính xác, thần Đồng Cổ ngự ở đấy tự bao giờ. Nhưng, chuyện về sự linh ứng của thần thì đã bắt đầu từ thời các Vua Hùng dựng nước. Khi ấy, trên đường xuôi về phương Nam dẹp giặc Hồ Tôn, đêm xuống, đại quân của nhà vua đã dừng nghỉ bên bến Trường Châu. 

Trong giấc ngủ với những trằn trọc lo âu của bậc đế vương, vị thần núi Khả Lao hiện ra với hình dáng khác thường, trên tay có trống đồng, dùi đồng, xin theo Vua Hùng dẹp giặc. Như lời mộng báo, ngay ngày hôm sau những binh khí mà thần mộng báo đã được gấp rút chuẩn bị. 

Để khi trận chiến với giặc đương hồi cam go, bất phân thắng bại thì trên không trung nổi lên tiếng trống đồng, kiếm kích như sức mạnh của những đại quân chinh chiến hùng mạnh kéo về khiến giặc hoảng sợ, không đánh mà lui. 

Nhớ ơn Thần phù trợ, sau khi trở về, Vua Hùng đã phong thần là “Đồng Cổ đại vương” và cho lập đền đời đời phụng thờ.Câu chuyện về sự linh ứng của vị thần Đồng Cổ hộ quốc có lẽ được nhắc đến nhiều nhất ở thời Lý.

Gắn với việc thần phù trợ cho thái tử Phật Mã trên đường dẫn binh dẹp giặc Chiêm Thành. Và hình ảnh thần lại hiện ra với những kiếm, kích, trống đồng... cùng lời thỉnh nguyện: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin Thái tử xuống đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc lập chút công nhỏ”. 

Để khi thắng trận trở về, thái tử Phật Mã đã xin rước linh vị thần về kinh đô Thăng Long phụng thờ. Về sau, cùng với việc mộng báo Tam Vương mưu phản, vị thần núi Khả Lao đã được Vua Lý Thánh Tông (tức thái tử Phật Mã) phong làm “Thiên hạ minh chủ, gia tước đại vương”, trở thành vị thần hộ quốc vĩ đại của đất nước kể từ vương triều Lý.

Khác với thần Đồng Cổ, ông Bưng ở vùng đất Hoằng Sơn (huyện Hoằng Hóa) lại được nhắc đến với sức mạnh khổng lồ: Một hòn núi đất ông bê (bưng) lên chỉ bằng hai tay, khi chẳng may rơi xuống, vỡ đôi thành hai ngọn núi nhỏ, giống cái yên ngựa.

 Vì thế mà nhà nho thường gọi là núi Mã Yên (Mã Yên sơn), còn dân gian thì vẫn quen nói đó là núi Bưng... Và đó chính là một trong rất nhiều câu chuyện kể về ông Bưng khổng lồ ở vùng đất Hoằng Hóa thuở khai thiên lập địa, trời đất hỗn mang. 

Ông Bưng được miêu tả với sức mạnh khổng lồ, có thể đào núi, dời non, khơi thông dòng chảy, giúp cho dân làng mưu sinh, lập nghiệp.

Trở về vùng núi đất Băng Sơn hôm nay, ngoài chuyện ông Bưng có tài dời non lấp bể thì còn có một “ông Bưng” bằng da, bằng thịt, có thật trong lịch sử. Và đó chính là danh tướng Lê Phụng Hiểu thời Lý. 

Tự nhỏ, cậu bé Lê Phụng Hiểu đã thể hiện sức mạnh khác thường so với bạn bè cùng trang lứa. Chính vì có sức mạnh khác người mà cậu được Vua Lý Thái Tổ tuyển vào cung và phong là Vũ vệ tướng quân. Chuyện về Vũ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu gắn liền với việc dẹp loạn Tam Vương mưu phản. 

Đó là khi Vua Lý Thái Tổ mất, thái tử Lý Phật Mã được chọn là người kế vị. Tuy nhiên, vua mới vừa lên ngôi chưa được bao lâu thì bị chính những người anh em cùng huyết thống âm mưu lật đổ. Danh tướng Lê Phụng Hiểu đã giúp tân vương dẹp loạn Tam vương thành công, giữ yên giang sơn xã tắc triều Lý. 

Về sau, tài năng đánh trận của Lê Phụng Hiểu còn được lịch sử nhắc đến với những lần giúp vua chinh phạt phương Nam, dẹp giặc Chiêm Thành. Để rồi khi về già, cáo quan về quê, ông không nhận tước phong, vàng bạc vua cho, chỉ có một thỉnh nguyện: Đứng trên đỉnh núi Bưng quê nhà, ném ngọn đao lớn, đao bay đến chỗ nào thì xin vua ban cho khoảng đất ấy làm đất phong thưởng.

Với người bình thường, nếu vận hết sức lực sẽ quăng đao được bao xa? Còn lão tướng Lê Phụng Hiểu khi ấy từng được miêu tả: Phụng Hiểu đứng trên đỉnh ngọn núi Bưng (Băng Sơn), vút cây đao lên trời. Lưỡi đao bay đến tận làng Đa Mi, xa hơn mười dặm, được khoảng hơn một nghìn mẫu ruộng.

Và phần ruộng ông được nhà vua ban thưởng dân gian vẫn thường gọi là “Thác đao điền” (ruộng ném dao). Chỉ riêng câu chuyện về “Thác đao điền” có lẽ cũng đủ để hậu thế nhớ đến vị tướng oai hùng.

Và khi nhắc đến ông Bưng người khổng lồ, có một người khổng lồ khác cũng đồng thời được nhắc tên, đó chính là ông Vồm (huyện Thiệu Hóa), gắn liền với thắng cảnh Bàn A. 

Chuyện kể về ông Vồm cũng thật khiến người ta không khỏi choáng ngợp: Ông Vồm là một đô vật vô địch, ông cao năm trượng, một vòng tay có thể ôm trọn thân cây cổ thụ trăm tuổi, ông vẫn thường dùng tay không để san núi, đào mương giúp nhân dân. 

Có lần ông Vồm gánh hai trái núi hai bên khiến cho những bước chân đi tới đâu đều làm đất ở đó lún sâu đến đó. Đi được một quãng đến khu vực ngã ba Đầu thì chẳng may chiếc đòn gánh gãy đôi, hai trái núi rơi xuống tạo thành núi Bằng Trình và Đại Khánh vẫn còn đến ngày hôm nay. 

Nghe tiếng ông Bưng có sức mạnh phi thường hiếm có, ông Vồm đã tìm đến thách đấu. Và cuộc so tài giữa những ông khổng lồ đã diễn ra gay cấn trên đất Giàng xưa kia. Tuy nhiên, ông Bưng trong hưng phấn quá tay đã vật chết đối thủ. Hối hận vì hành động của mình, ông Bưng đã chôn ông Vồm xuống ngọn núi lớn ở gần đấy, đồng thời lấy thêm nhiều đất đá để đắp kín ngôi mộ. 

Có lẽ vì vậy mà núi Vồm ngày nay mới to lớn như vậy chăng? Chưa hết, dân gian còn tin rằng, chính ông Bưng đã lấy ngón tay mình vẽ lên vách núi hình tượng ông Vồm để đời sau nhớ đến. 

Ngày nay, ở khu vực núi Vồm vẫn còn đó hệ thống di tích  danh thắng gắn liền tên tuổi ông Vồm: núi Bàn A; chùa Vồm... và ở đó, người dân vẫn thường nhắc đến ông Vồm thần thoại với sự biết ơn.

Nếu để kể hết những vị thần khổng lồ, ông khổng lồ, bà khổng lồ hiện hữu trong tâm thức, đời sống tinh thần của người dân khắp vùng miền xứ Thanh sẽ là không thể. 

Bởi ngoài ông Bưng; ông Vồm; thần Đồng Cổ, có những ông Nưa; ông Cày Sông; ông Lấp Bể; ông Đồng Gánh Núi... Và đương nhiên, gắn với những người khổng lồ luôn có những địa danh cụ thể. 

Là ngọn núi, dòng sông hay đảo nổi... Tất cả đều mang bóng dáng của những vị thần, người khổng lồ tự thuở sơ khai. Được con người hậu thế nhắc nhớ và biết ơn.

Nhưng tại sao hình tượng người khổng lồ lại xuyên suốt và có sức sống mãnh liệt trong tâm thức dân gian như vậy? 

Theo PGS. TS Hỏa Diệu Thúy: “Hình tượng người khổng lồ vừa thể hiện nhận thức về vũ trụ, vừa là mẫu hình lí tưởng, là ước mơ vĩ đại thay quyền tạo hóa của người dân xứ Thanh thời Thượng cổ. Nếu không có lý tưởng ấy, ước mơ ấy, sẽ không có văn hóa trồng trọt Đa Bút, càng không thể có nền văn minh rực rỡ Đông Sơn. Hình tượng người khổng lồ phải chăng cũng là triết lí về lao động và người lao động? Lao động quên mình sẽ tạo ra sức mạnh và sự đổi thay thần kì, vĩ đại...”


Thu Trang (Báo Văn hóa và Đời sống)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem