Dân Việt

"Đổi mới" ngày khai giảng

Nguyễn Quang Vinh 03/07/2020 08:11 GMT+7
Sự đổi mới của ngành giáo dục đang có vẻ chạy theo các thao tác kỹ thuật. Nhưng quan trọng số 1 là phải biết giữ gìn tình thầy trò, niềm vui từ những tiết giảng, sự nền nếp, " tôn sư trọng đạo". Đấy mới là nền móng của giáo dục. Không có nền móng, khó có một cuộc đổi mới đúng nghĩa của giáo dục.

Bộ Giáo dục - Đào tạo tuyên bố năm học mới sắp tới, không có chuyện dạy trước, học trước, không có chuyện học chán học chê mới khai giảng, mà ngày khai giảng năm nay cũng chính là ngày khai trường để dạy và học.

Tin này làm dư luận đặc biệt quan tâm, là vì, rất và rất nhiều ý kiến cho rằng, tại sao ngày Khai giảng lại không phải là…khai giảng.

"Đổi mới" ngày khai giảng - Ảnh 1.

Lễ khai giảng ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Chà.

Người ta nhớ lại từ mấy mươi năm trước, sau những tháng hè, cô thầy và học sinh đếm từng ngày để tới ngày tựu trường, ngày khai giảng. Cảm xúc của việc thèm được nghe tiếng trống khai trường năm học mới, khao khát nỗi nhớ thầy cô, bè bạn, hồi hộp trong bộ áo quần mới nhất để tới trường khai giảng, những cảm xúc đó rất đời, gieo vào nhiều thế hệ những dấu ấn khó quên, và đó cũng chính là chất gây men cho một năm học mới, lớp mới, bài học mới. 

Không rõ từ khi nào, tính cũng đã nhiều năm rồi, khai giảng đã không còn là khai giảng nữa, nó chỉ là một chỉ dấu hành chính không cảm xúc, vì trước đó cả tháng, trường nào, lớp nào cũng đã cho học sinh tới để dạy và học. Một sự vô lý ai cũng biết mà không thay đổi được, không sửa được, không chuyển động được.

Có lẽ "nhờ" Dịch Covid-19 chăng, " nhờ" nó mà ngành giáo dục buộc phải làm 3 việc: Một là  dạy và học bằng công nghệ; hai là cắt giảm một số nội dung chương trình để bù đắp thời gian nghỉ do dịch; ba là cũng vì thời gian học lấn sang thời gian hè vì thế mới phải khai giảng đúng là khai giảng, đúng là khai trường.

Thế thì tốt quá.

Cơ hội cho toàn ngành thay đổi đây rồi, vì thời gian nghỉ dịch hoá ra như một phép thử tốt, để khẳng định, giảm nội dung dạy và học là hợp lý, dạy công nghệ là hoàn toàn khả thi và hướng cô trò về đúng ngày ý nghĩa và thiêng liêng: Ngày khai giảng.

Sự đổi mới đôi khi không cần chạy theo mới mà  trước hết là biết nhìn lại phía sau, biết chọn lọc, biết cân nhắc, biết nâng niu những gì mà các bậc tiền nhiệm, các năm học trước có những cái tốt cần tìm kiếm lại.

Sự đổi mới của ngành giáo dục đang có vẻ chạy theo các thao tác kỹ thuật: Thay sách giáo khoa, thiết kế phương pháp dạy học, tất nhiên rồi. Nhưng quan trọng số 1 là phải biết giữ gìn, bao bọc, chú trọng vào tình thầy trò, cảm xúc học đường và niềm vui từ những tiết giảng, sự nền nếp, " tôn sư trọng đạo". Đấy mới là nền móng của giáo dục. Không có nền móng, khó có một cuộc đổi mới đúng nghĩa của giáo dục.

Dũng cảm bỏ ngay cái tưởng như mới để trở lại cái tưởng như cũ, như việc khai giảng đúng ngày khai trường như sắp tới chắc chắn sẽ được toàn xã hội hoan nghênh và ủng hộ.