Án oan do bỏ qua nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung"

Vương Hà Thứ bảy, ngày 20/06/2020 14:08 PM (GMT+7)
Trước những tranh luận nảy lửa về vụ án Hồ Duy Hải, nhìn lại hai vụ án oan tày trời của ông Nén, ông Chấn, một trong những nguyên nhân quan trọng là các cán bộ tiến hành tố tụng bỏ qua nguyên tắc tối thiểu "trọng chứng hơn trọng cung".
Bình luận 0

Trong các vụ án oan nổi sóng dư luận những năm qua, người viết chỉ điểm lại hai vụ án của ông Huỳnh Văn Nén và ông Nguyễn Thanh Chấn. Lý do, dù tất các bị cáo trong các vụ án oan từng nhận tội rất nhiều lần, nhưng đây là 2 trong các vụ án chỉ được minh oan khi thủ phạm đích thực bị bắt giữ.

Riêng ông Nén nổi tiếng với biệt danh "người tù xuyên thế kỷ", ngồi biệt giam hơn 17 năm, mang hai tội danh giết người trong hai vụ án. 

Bắt đầu từ chuyện bông phèng bên chén rượu rằng, mình là kẻ giết bà Bông, ông Nén đã bị bắt. Với niềm tin mù quáng đó chính là đối tượng của vụ án, ông Nén bị bức cung, nhục hình nên buộc phải nhận tội giết bà Lê Thị Bông (năm 1998 ở xã Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) để cướp chiếc nhẫn một chỉ vàng.

Không dừng ở đó, cơ quan điều tra dễ dàng buộc ông Nén nhận thêm tội tham gia giết bà Dương Thị Mỹ (vụ án vườn điều) xảy ra 5 năm trước đó. Không chỉ vậy, để phù hợp với hiện trường, trong vụ án vườn điều, ông Nén còn phải khai ra thêm 9 người nữa trong gia đình cùng tham gia. Kết cục, cả hai vụ án này đều là án oan.

Đấy là điển hình cho cái gọi là cảm nhận và "logic" của các cán bộ  tiến hành tố tụng khiến ông Nén phải nhận tội danh kinh hoàng, dù không hề phạm tội.

Án oan do bỏ qua nguyên tắc "trọng chứng hơn trọng cung" - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Văn Nén trong ngày được minh oan, tháng 12/2015. Ảnh: Lê Trường.

Đau xót là, sau bản án tù chung thân vì tội giết người, ông Nén không kêu oan, chấp nhận bản án sơ thẩm. Câu hỏi đặt ra ở đây là, phải chăng ông quá ám ảnh, quá sợ hãi những nhục hình mà không dám kêu oan?

Để có cơ sở đền bù oan sai, ông Nén đã được các cơ quan giám định thương tích tới 63%. Trong đó có các thương tích như rối loạn tâm thần 21%, tổn thương gan và nội tang là 45%, tổn thương 2 mắt lần lượt 5 – 10%....Những điều đó đã nói lên tất cả: Vì đâu ông Nén phải nhận tội tày đình dù mình không hề phạm tội. 

Đáng chú ý, gia đình ông Nén có đơn tố cáo đề nghị xử lý 14 cán bộ có liên quan trong vụ án đến Cơ quan Điều tra VKSND tối cao trong đó có điều tra viên (ĐTV) Cao Văn Hùng -  là người bị ông Nén tố cáo dùng bức cung, nhục hình ghê gớm nhất.

Tuy nhiên, khi có đơn thư tố cáo đích danh kẻ giết bà Bông, thì ĐTV Cao Văn Hùng được đứng ra để xác minh. Đó là điều rất không bình thường: Điều tra những điều ngược hoàn toàn với kết luận của mình,  do ép cung mà có.  Đó cũng chính là lý do khiến cho vụ án oan bị chìm nghỉm thêm thời gian rất lâu mới được minh oan. Đây là sự vô tình hay cố ý của lãnh đạo ở đây để bao che cho những sai phạm của những ĐTV và của chính họ.

Về lời khai, dư luận không thể quên, cả hai ông Nén và ông Chấn có một điểm rất chung: Cùng nhận tội giết người, cùng mô tả đầy đủ các chi tiết hoàn toàn phù hợp với hiện trường, dù thực tế, cả hai ông đều không phạm tội đó.

Về mặt chứng cứ, chỉ riêng dấu chân ở cả hai vụ án này cũng có điểm chung. Trong vụ án ông Nén, dấu chân ở hiện trường nhưng không được ĐTV đem so sánh, đối chiếu!? Nhưng khi vụ án được lật lại mới thấy, dấu chân ở hiện trường khác xa dấu chân của ông Nén. Đâu là lý do các cán bộ tiến hành tố tụng bỏ qua dấu chân, đến nay vẫn là ẩn số.

Cũng là dấu chân, trong vụ án ông Chấn, giữa dấu chân của ông Chấn và hiện trường chỉ gần giống nhau, nhưng cơ quan điều tra vẫn coi đó là bằng chứng.

Điều tệ hại là, tất cả những điều phi lý rất sơ đẳng đó đã qua được mắt của các kiểm sát viên, thẩm phán trực tiếp thụ lý của cả hai vụ án này?

Thực tế, không ít những chứng cứ không thuyết phục, mâu thuẫn trong hai vụ án này, nhưng chỉ riêng chứng cứ dấu chân đã cho thấy, dù là trọng án, nhưng những cán bộ tham gia tiến hành tố tụng đã ẩu đến mức khó hiểu.    

Điều đó cho thấy, hai vụ trọng án này, nguyên tắc tối thiểu "trọng chứng hơn trọng cung" đã không được tuân thủ.

Mặt khác, một trong những nguyên tắc quan trọng là, nếu không có những chứng cứ chắc chắn, những người tiến hành tố tụng phải "suy đoán vô tội", chứ không thể diễn ra theo hướng "suy đoán có tội". Nếu những nguyên tắc này được tuân thủ, có thể lọt tội phạm, nhưng chắc chắn không dẫn đến những án oan kiểu như ông Nén, ông Chấn.

Liệu đó có là bài học đắt giá cho các cơ quan tiến hành tố tụng?

Trong vụ án ông Nén, từ điều tra viên cho đến phó giám đốc phụ trách điều tra và một số kiểm sát viên chỉ bị kiểm điểm trách nhiệm. Với thẩm phán, tháng 1/2017, Chủ tịch nước có quyết định miễn nhiệm thẩm phán trung cấp đối với ông Nguyễn Thanh Tâm, chủ tọa phiên tòa xét xử kết án chung thân ông Nén và sau đó bị Chánh án TAND tỉnh quyết định miễn nhiệm chức vụ phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh

Riêng vụ ông Chấn, từ điều tra viên, kiểm sát viên đến thẩm phán C. - Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm, đã bị Cơ quan điều tra VKSND TC khởi tố và hầu tòa (thẩm phán C. được tạm đình chỉ vì bị ốm nặng).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem