Dân Việt

Bộ Công Thương: Dự kiến tháng 10/2020 sẽ có biểu giá điện mới

Thanh Phong 03/07/2020 14:50 GMT+7
Trước tình trạng hàng triệu hóa đơn tiền điện tháng 5 tăng cao đột biến, nhiều ý kiến cho rằng biểu giá điện bậc thang lỗi thời là “thủ phạm”. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, dự kiến, trong tháng 10/2020, phương án sửa đổi mới biểu giá điện bậc thang sẽ hoàn tất để trình Chính phủ.

Cụ thể, theo đại diện Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, phương án sửa đổi mới biểu giá điện bậc thang sẽ được tập hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của bộ, ngành liên quan. Sau khi hoàn tất công việc trên, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ vào tháng 10/2020.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ lấy ý kiến các chuyên gia, hiệp hội về 5 phương án đã đề ra nhằm cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thay cho phương án 6 bậc thang hiện tại. Trong đó, riêng phương án 5 bậc có 2 kịch bản.

Cụ thể, kịch bản 1, giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang, trong đó giá điện bậc 1 (0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành, bậc 2 từ 101 đến 200 kWh, bậc 3 từ 201 đến 400 kWh, bậc 4 từ 401 đến 700 kWh, bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Kịch bản 2, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi: Gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh. Giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (301 - 400 kWh) của giá điện cũ.

Dự kiến tháng 10/2020 sẽ có biểu giá điện mới - Ảnh 1.

Biểu giá điện 6 bậc thang có phải nguyên nhân gây tình trạng hóa đơn tiền điện tăng "phi mã"?

Cũng theo thông tin từ phía Cục điều tiết Điện lực, với phương án 5 phù hợp cho hàng chục triệu khách hàng sử dụng dưới 250 kWh/tháng. Cụ thể, các hành hàng thuộc nhóm này sẽ được hưởng lợi và trả tiền điện thấp hơn.

Ngoài ra, 1,8 triệu hộ nghèo, chính sách sẽ tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ. Và chỉ khoảng 0,46 triệu khách hàng, chiếm 1,8% tổng số khách hàng sẽ phải trả tiền điện cao hơn nếu sử dụng trên 700 kWh/tháng.

Trước đó, ngày 31/3, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian báo cáo Phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Nguyên nhân của việc lùi thời gian sửa biểu giá điện là do thời điểm dịch bệnh, các bộ ngành cần tập chung ứng phó với dịch Covid-19.

Mới đây, theo số liệu của Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo chỉ số tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,6%-4%. Mức tăng trên có được là do những yếu tố tác động "kìm" được sự tăng đột biến vào những tháng cuối năm.

PGS TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, theo đánh giá tổng quan, CPI cuối năm sẽ chịu tác động tăng của 2 yếu tố: Giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 trên thế giới dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục và tác động giá cả nhiều sản phẩm nông nghiệp tăng.

Về lo ngại tình trạng hóa đơn tiền điện tăng mạnh có thể tác động xấu đến CPI 6 tháng cuối năm, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) nhận định, thông thường hóa đơn tiền điện được phản ánh tăng vào kỳ tính tiền điện tháng 5,6,7 là chủ yếu.

Theo đó, điều này sẽ ảnh hưởng CPI vào 6 tháng cuối năm, tuy nhiên, những chỉ số khác như xăng, dầu, thịt lợn… sẽ không tăng mạnh như 6 tháng cuối năm 2019 nên kỳ vọng CPI sẽ không tăng vọt trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Thủ tướng: Không tăng giá điện, giảm giá nước sạch