Những con đập khổng lồ của Trung Quốc
Theo chuyên gia Chellaney, Trung Quốc nằm ở trung tâm bản đồ về nguồn nước của châu Á. Nhờ có được vùng cao nguyên Tây Tạng giàu nguồn nước và vùng Tân Cương rộng lớn, Trung Quốc trở thành thượng nguồn các con sông chảy xuống 18 quốc gia vùng hạ lưu. Không một nước nào trên thế giới là đầu nguồn nước của nhiều quốc gia như thế.
Khi xây dựng đập, hay những cấu trúc khác làm thay đổi dòng nước ở vùng biên giới, Trung Quốc thiết lập những cấu trúc lớn ở thượng nguồn, trang bị cho mình khả năng sử dụng nước như vũ khí. Ví dụ rõ nhất được tác giả nêu lên là sông Mê Công. Mùa hè vừa qua, mực nước của dòng sông dài 4.880km, có giá trị sống còn cho vùng Đông Nam Á này đã xuống mức thấp nhất từ hơn 100 năm qua, cho dù mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng cuối tháng 9.
Sau khi hoàn tất 11 con đập khổng lồ, Trung Quốc lại xây thêm một loạt đập nữa ở thượng nguồn dòng sông Mê Công. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng xây đập trên những con sông xuyên quốc gia khác. Bắc Kinh luôn bị tham vọng xây đập ngày càng lớn, sâu, dài, cao hơn ám ảnh. Trung Quốc đã hoàn tất đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới, công trình được cho là có kiến trúc vĩ đại nhất trong lịch sử, sau Vạn Lý Trường Thành…
Trong kế hoạch xây dựng đập mới, có công trình trên con sông cao nhất thế giới Brahmaputra. Đập dự kiến nằm gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ được canh phòng cẩn mật. Công suất điện sản xuất gần gấp đôi của đập Tam Hiệp, với hồ chứa dài hơn hồ lớn nhất của Bắc Mỹ là Great Lakes. Một số quốc gia Đông Nam Á cũng có đề án xây đập, do công ty Trung Quốc tài trợ và xây dựng, để xuất khẩu điện sang Trung Quốc.
Từ khi Trung Quốc xây một loạt đập lớn trên sông Mê Công, hạn hán trở nên thường xuyên hơn ở các nước hạ lưu, nhưng Bắc Kinh không chấp nhận nguyên nhân đến từ đập của mình. Trong thực tế, Trung Quốc đã tìm cách đóng vai “cứu tinh”, hứa sẽ xả thêm nước từ các con đập xuống cho các quốc gia bị hạn hán. Nhưng đề nghị này chỉ nêu bật tình trạng phụ thuộc hoàn toàn mới của các nước hạ nguồn vào thiện chí của Trung Quốc - một sự phụ thuộc được đặt ra ngày càng sâu sắc khi Trung Quốc xây dựng thêm những con đập khổng lồ trên sông Mê Công.
Với những tai họa về nước ngày càng tồi tệ trên khắp châu Á, lục địa này phải đối mặt với sự lựa chọn rõ ràng - đi theo con đường hiện tại, điều này chỉ có thể dẫn đến suy thoái môi trường nhiều hơn và thậm chí là chiến tranh nước, hoặc thay đổi cơ bản bằng cách bắt đầu con đường hợp tác dựa trên quy tắc.
Con đường thứ hai không chỉ đòi hỏi sự chia sẻ nước và lưu lượng dữ liệu thủy văn miễn phí mà còn đòi hỏi quản lý hiệu quả hơn việc tiêu thụ nước, tăng sử dụng nước tái chế và khử muối, các nỗ lực bảo tồn và thích ứng. Không thể làm được điều này nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc, cho đến nay vẫn từ chối tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với bất kỳ nước láng giềng nào.
Nếu Trung Quốc không từ bỏ cách tiếp cận hiện tại, triển vọng cho một trật tự dựa trên quy tắc ở châu Á có thể bị xóa bỏ vĩnh viễn. Do đó, theo ông Chellaney, việc kéo được Trung Quốc vào cuộc đã trở nên thiết yếu trong việc quản lý nguồn nước vì hòa bình ở châu Á.