Giống lúa thuần nhiều ưu điểm
Giống lúa DCG72 là giống lúa thuần do dự án JICA-DCGV của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (hợp tác giữa Học viện Nông Nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Kyushu, Nhật Bản) chọn tạo theo phương pháp phả hệ (pedigree) từ quần thể BC2F2 của tổ hợp lai KD18/TSC3//KD18.
Nhóm tác giả nghiên cứu gồm: Phạm Văn Cường, Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Thanh Tùng, Tăng Thị Hạnh thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Giống DCG72 đã được công nhận sản xuất thử theo Quyết định số 64/QĐ-TT-CLT ngày 04/4/2017. Công nhận chính thức theo Quyết định số 5098 QĐ/BNN-TT ngày 31/12/2019.
GS.TS Phạm Văn Cường cho biết, kết quả sản xuất thử tại các địa phương đều rất khả quan, nông dân hài lòng với chất lượng giống lúa này.
Mô hình thử nghiệm DCG72 tại Yên Thành, Nghệ An.
Năm 2019, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Lương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất thử giống lúa ngắn ngày DCG72 tại xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.
Theo đánh giá kết quả thực hiện mô hình, giống lúa DCG72 có thời gian sinh trưởng rất ngắn (khoảng từ 100 ngày trong vụ xuân) ngắn hơn giống Khang Dân 18 là 10-12 ngày. Bên cạnh đó, giống lúa DCG72 có kiểu cây gọn, cứng cây, chống đổ tốt, trỗ tập trung và chống chịu sâu bệnh hại tốt, năng suất dự kiến đạt 55-57 tạ/ha, tương đương với Khang Dân 18. Đặc biệt, DCG72 có chất lượng cơm ngon hơn Khang Dân 18.
Kết quả khảo nghiệm cơ bản cho thấy giống DCG72 có thời gian sinh trưởng thuộc nhóm cực ngắn (vụ Hè Thu 80-85 ngày, vụ Mùa 85-90 ngày, vụ Xuân 105-110 ngày), dạng cây gọn, thấp cây, chiều cao cây 88,4-92,5 cm, chống đổ tốt, kháng bệnh bạc lá, nhiễm nhẹ các loại sâu bệnh chính như đạo ôn, khô vằn và rầy nâu.
Giống DCG72 có năng suất trung bình đạt 54,1 tạ/ha trong vụ Xuân và 49,1 tạ/ha trong vụ Mùa và vụ Hè thu tương đương với giống đối chứng Khang Dân 18 tại các tỉnh phía Bắc, đạt 64,6-68,4 tạ/ha trong vụ Đông Xuân và 61,9 tạ/ha trong vụ Hè Thu, tương đương với giống đối chứng Khang Dân đột biến tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ.
Giống DCG72 có khả năng kháng vừa đối với bệnh bạc lá, nhiễm vừa đối với rầy nâu và đạo ôn.
Được biết, trong hai năm 2018-2019, giống DCG72 được sản xuất thử với tổng diện tích 926,9 ha tại 7 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Giống vẫn duy trì được thời gian sinh trưởng cực ngắn (ngắn hơn giống Khang Dân 18 là 10-12 ngày ở tất cả các thời vụ), năng suất khá cao, ổn định và tương đương với giống Khang dân 18.
Năng suất tích luỹ của DCG72 đạt từ 55,7-75,2 kg/ha/ngày, vượt trội so với Khang dân 18 (47,1-63,9 kg/ha/ngày). Ngoài ra, gạo của DCG72 ít bạc bụng, hàm lượng amylose thấp (21-23 %), cơm mềm và ngon hơn so với Khang Dân 18, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Các ưu điểm vượt trội của giống DCG72 về thời gian sinh trưởng cực ngắn, năng suất tích lũy cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng rộng và cơm ngon nên giống DCG72 là lựa chọn tối ưu cho những vùng khó khăn như vùng chạy lụt tại Bắc Trung bộ (thu hoạch trước 25/8) và vùng hạn hán tại Duyên hải Nam Trung bộ.
Mô hình sản xuất thử DCG72 tại Thanh Chương, Nghê An (vụ hè thu 2019)
Kỷ nguyên giống lúa mới từ sự trợ giúp từ Nhật Bản
Những năm qua, Việt Nam đã phát triển được các giống lúa lai nhờ sự hỗ trợ từ Dự án Hợp tác Kỹ thuật với Nhật Bản về nâng cao năng lực giáo dục, đào tạo và nghiên cứu tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam (1998-2003) trong đó nhiều nhà khoa học đã được đào tạo tại Nhật Bản về chọn tạo giống, sinh lý và kỹ thuật canh tác lúa.
Tiêu biểu như "Dự án phát triển nguồn gen cây trồng cho vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam (Dự án DCGV)" từ tháng 12/2010 đến tháng 11/2015 do GS. Atsushi Yoshimura thuộc Đại học Kyushu làm cố vấn và "Chương trình hợp tác kỹ thuật với Nhật Bản về phát triển nông nghiệp tại tỉnh Nghệ An" do ông Satoshi Yamamoto (JICA Việt Nam) làm cố vấn thực hiện từ tháng 5/2014 đến tháng 4/2019.
Dự án DCGV có mục tiêu phát triển các dòng lúa triển vọng với ba tính trạng mục tiêu ban đầu là: thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu sâu hại và bệnh hại, để có thể gieo trồng muộn nhằm né tránh nhiệt độ thấp trong đầu vụ xuân và đạt được năng suất cao cho người nông dân nghèo ở vùng núi phía Bắc.
Như vậy các mục tiêu này hoàn toàn không liên quan gì đến tỉnh Nghệ An- một tỉnh nằm ở vùng ven biển miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, dự án JICA Việt Nam tại tỉnh Nghệ An đã thử nghiệm cách làm mới và đã biến mục tiêu trên thành điều có thể tại tỉnh này.
Dự án đặc biệt này đã kêu gọi sự giới thiệu, thử nghiệm các kết quả hữu ích của tất cả các dự án nông nghiệp khác đang triển khai của JICA trên toàn quốc cho tỉnh Nghệ An.
Do đó, DCG72, một dòng lúa triển vọng mới do PGS. TS. Nguyễn Văn Hoan cùng cộng sự tạo ra, phát triển trên nền di truyền là giống lúa thuần Khang Dân 18 nhờ kết hợp phương pháp chọn giống bằng công nghệ sinh học phân tử và phương pháp chọn giống truyền thống, đã được giới thiệu, thử nghiệm cho vùng trồng lúa đồng bằng tại tỉnh Nghệ An.
Chính quyền tỉnh Nghệ An ngay lập tức đồng ý và hỗ trợ thử nghiệm sản xuất giống lúa DCG72, nhờ đó giống được phê duyệt là giống công nhận tạm thời cấp quốc gia năm 2017.
Sau đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, cùng với sự hợp tác của Trung tâm giống cây trồng Nghệ An và các công ty sản xuất giống khác đã xây dựng quy trình canh tác và mở rộng diện tích. Kết quả là, DCG72 đã chính thức được công nhận là giống lúa quốc gia mới (Theo Quyết định số 5098/QD-BNN-TT ngày 31/12/2019).