Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Cần nông dân đủ lực, sản phẩm đủ mạnh

Hải Đăng Chủ nhật, ngày 05/07/2020 09:00 AM (GMT+7)
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% trong tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước... Đó là mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ mà Chính phủ vừa phê duyệt.
Bình luận 0

 Dù đó là những con số rất nhỏ, nhưng để đạt được lại không đơn giản.

Vừa qua, tại các địa phương đã có nhiều nông dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trong số đó cũng có mô hình đã thu được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất sản phẩm hữu cơ vẫn đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về vốn và chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Nhiều lợi ích

Đến xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, hỏi anh Nguyễn Mạnh Thắng, ai cũng biết. Anh là người đầu tiên của xã thành công trong việc sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và đang thực hiện chuyển đổi sản xuất chè theo quy trình hữu cơ.

Đưa chúng tôi đi thăm những nương chè xanh mướt, anh Thắng say sưa nói về yếu tố cần thiết trong sản xuất sạch và lợi ích của sản xuất sạch mang lại cho nông dân… Anh Thắng cho biết, từ khi chuyển đổi phương pháp canh tác truyền thống sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị cây chè đã được nâng lên từ 2 - 2,5 lần.

Để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, năm 2015, anh Nguyễn Mạnh Thắng quyết định thành lập HTX chè Ngân Sơn Trung Long. Đến tháng 3/2017, sản phẩm chè xanh của HTX chè Ngân Sơn Trung Long được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Chè xanh Trung Long".

Hiện nay, HTX chè Ngân Sơn Trung Long có 20ha chè, với 40 thành viên, 5,5ha chè sản xuất theo quy trình VietGAP, 3ha chè sản xuất theo quy trình hữu cơ, doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng mỗi năm. HTX đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về dự định trong tương lai, anh Thắng cho hay: HTX chè Ngân Sơn Trung Long đang liên kết với các doanh nghiệp, HTX cung ứng vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm chè cho thành viên và những hộ dân trồng chè tại địa phương.

Là một trong những mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ mới nổi ở Bắc Giang, ngoài áp dụng nhiều giải pháp trong chăn nuôi, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa còn đầu tư cơ sở giết mổ, máy móc sản xuất chuyên sâu, tạo ra các sản phẩm từ thịt lợn chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Tháng 5/2019, HTX đầu tư thêm nhiều máy móc hiện đại trị giá hơn 1 tỷ đồng để phục vụ giết mổ và chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Hiện thịt lợn và các sản phẩm sau chế biến từ thịt lợn của HTX được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội.

Đến nay HTX Bình Minh đã liên kết ổn định với 5 cơ sở chăn nuôi trong và ngoài huyện với tổng số lợn xuất chuồng 12.000 con/năm. Anh Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc HTX Bình Minh cho rằng: "Giữa bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn hiện hữu, bên cạnh việc áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, HTX của tôi cũng đang đặt cám sản xuất theo phương thức riêng. Theo đó, thành phần trong thức ăn chăn nuôi khi sản xuất có thêm một số thảo dược, giúp lợn tăng sức đề kháng. Ngoài ra, tôi còn thiết kế công thức thức ăn chăn nuôi theo phần mềm FeedLIVE để cân đối chỉ số nhu cầu của lợn trong từng giai đoạn, khiến chất lượng thịt thơm ngon hơn, giá bán cao hơn lợn thường".

Chính phủ phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ:  Cần nông dân đủ lực, sản phẩm  đủ mạnh  - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Mạnh Thắng trong vườn chè sản xuất theo hướng hữu cơ ở Sơn Dương, Tuyên Quang. ảnh M.N

Các sản phẩm của HTX hiện nay bao gồm: Thịt lợn sơ chế đóng gói, giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, dăm bông… được người tiêu dùng đánh giá cao. Trung bình cơ sở giết mổ 40 con lợn/ngày. Được biết, trong năm 2019 doanh thu của HTX đạt hơn 20 tỷ đồng. Dù đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng giá trị gia tăng sau chế biến thịt lợn đạt thêm 300 triệu đồng.

Cần gỡ khó nhiều vướng mắc

Cách đây hơn 10 năm, doanh nghiệp của ông Phạm Như Ngũ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) là một trong số ít doanh nghiệp đầu tiên ở địa phương chọn sản xuất nông nghiệp hữu cơ làm căn bản cho sản xuất. Thế nhưng giai đoạn đó hầu như không ai quan tâm đến sản phẩm hữu cơ và sẵn sàng đánh đồng sản phẩm này với những sản phẩm thông thường. Điều này khiến cho doanh nghiệp dù có tiềm lực khởi đầu mạnh như đơn vị của ông cũng chùn bước.

HTX chè Ngân Sơn Trung Long đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích chè hiện có sang sản xuất theo quy trình VietGAP hoặc hữu cơ. Mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm chè sản xuất theo quy trình hữu cơ của HTX sẽ được xuất khẩu đi nước ngoài, thị trường mũi nhọn hướng đến là các nước châu Âu…

Cũng theo ông Ngũ, ngoài sự thiếu hụt về nguồn vốn, hiện việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn thiếu nhiều chất xúc tác khác để ngành có thể hoàn thiện.

Trước mắt, đó là các quy định về diện tích sản xuất tập trung, tách biệt, có vùng đệm, cũng như con giống chất lượng cao, hạ tầng thiếu thốn, các quy định về tiêu chuẩn hữu cơ trong nước chưa tương thích với các quy định tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, ngay cả một trung tâm kiểm định và chứng nhận cũng chưa có để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nông dân hoạt động.

Ngoài ra, các nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vật tư nông nghiệp hữu cơ như phân hữu cơ, nguồn vi sinh hợp chuẩn quốc tế chưa được chú trọng, cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.

Ông Ngũ cho hay: Ngành nông nghiệp hữu cơ trong nước vẫn còn yếu về khâu bảo quản sau thu hoạch, chế biến để đảm bảo nguồn dinh dưỡng sản phẩm ổn định, chưa áp dụng được nhiều công nghệ sinh học vào quá trình sản xuất. Chính vì thế, để giải được bài toán này cần phải có sự vào cuộc quyết liệt cùng với các giải pháp đồng bộ từ nhiều bộ, ngành, các địa phương mới có thể tháo gỡ được.

Về việc Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, ông Phạm Như Ngũ bày tỏ: Làm nông nghiệp hữu cơ khó khăn nhưng khi có sản phẩm bán ra thịt trường bị đánh đồng như sản phẩm bình thường thì người sản xuất sẽ chán nản vô cùng và dễ bỏ cuộc. Chính vì thế, khi Chính phủ và các bộ, ngành cần phải xem xét giải quyết được thực trạng này mới mong thu hút được nhiều nông dân, doanh nghiệp tham gia.

Về đề án mới này, anh Nguyễn Mạnh Thắng tỏ ra rất vui mừng vì sản phẩm chè nằm trong số các sản phẩm được Nhà nước khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ. 

Về việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ, anh Thắng cho rằng: "Bên cạnh việc hỗ trợ, gỡ vướng mắc về vốn, đất đai, Nhà nước cần phải tiến hành đào tạo cơ bản đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, đủ năng lực và kỹ năng ứng dụng công nghệ cao, tạo dựng nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại giúp nông dân tăng thu nhập và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem