Thời tiết bất thuận chưa từng có
Trong hội nghị sơ kết triển khai nhiệm vụ của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp chịu tác động "rủi ro kép".
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng, nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong xuất khẩu. Thứ hai là thời tiết, thiên tai có những diễn biến cực kỳ khó lường.
"Chưa năm nào giữa giao thừa mưa lớn tới 140mm tại thủ đô Hà Nội; mùng 1 Tết thì mưa đá xuất hiện ở 7 tỉnh miền núi phía Bắc khiến 12.000 ngôi nhà bị ảnh hưởng. Chưa bao giờ hạn hán, thiếu nước xảy ra ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam trong vụ đông xuân. Từ đầu năm đến nay, trên cả nước đã xảy ra 186 trận giông, lốc, mưa đá, cho thấy tính bất thuận ghê gớm" – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Trong khi đó, theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận đã xảy ra 16 loại hình thiên tai. Trong đó, có 186 trận dông, lốc, mưa lớn xảy ra ở 43 tỉnh, thành phố. Thiên tai cũng đã làm 47 người chết, 130 người bị thương, ước thiệt hại về kinh tế khoảng 3.400 tỷ đồng.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, trong năm nay sẽ có khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó có 5 - 6 cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền, bão muộn, cường độ lớn, dịch chuyển vào phía Nam là khu vực có cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm phòng chống thiên tai còn hạn chế.
Trong khi đó, mưa lũ đang diễn biến cực kỳ phức tạp tại Trung Quốc, Nhật Bản, Myanmar đang có nguy cơ gây mưa lũ lớn tại Việt Nam trong khi nhiều công trình phòng chống thiên tai như đê điều, hồ đập xuống cấp.
Thực tế đó đòi hỏi công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới phải được nâng lên một bước, sự chủ động trong ứng phó, phòng ngừa phải được đề cao.
Tại hội nghị sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của Tổng cục Phòng chống thiên tai, nhiều ý kiến cho rằng, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế như: Việc triển khai phòng chống thiên tai chưa thực sự bài bản; nguy cơ rủi ro thiên tai còn rất lớn, thiệt hại về người và tài sản còn cao.
Công tác đôn đốc, hướng dẫn việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai, phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai của các bộ, ngành địa phương còn chậm…
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận đã xảy ra 16 loại hình thiên tai. Trong đó, có 186 trận dông, lốc, mưa lớn xảy ra ở 43 tỉnh, thành phố. Thiên tai cũng đã làm 47 người chết, 130 người bị thương, ước thiệt hại về kinh tế khoảng 3.400 tỷ đồng.
Nguồn lực dành cho công tác phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền mặc dù đã được tăng cường song vẫn chưa truyền tải được kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Ứng phó là quyết định
Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Có một thực tế, một số hệ thống công trình phòng chống thiên tai, một số chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kỹ thuật, cơ sở dữ liệu phục vụ cho chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực phòng chống thiên tai còn nhiều bất cập, hoặc còn thiếu và chưa đồng bộ.
Cũng theo ông Sơn, nhiều lĩnh vực trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai chưa được nghiên cứu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, khả năng ứng dụng chưa cao.
Ông Đỗ Văn Thành - Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi đề nghị, cần có nghiên cứu, xem xét và tư vấn đánh giá đầy đủ để làm cơ sở trong quy hoạch phòng, chống thiên tai thời gian tới. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu tham mưu cho Bộ NNPTNT và Chính phủ có chính sách chung để quản lý lĩnh vực khai thác cát.
"Đây là điểm nóng, chúng ta cứ thả kè hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ nhưng vẫn khai thác cát hàng ngày với hàng nghìn, hàng triệu mét khối thì không kè nào đủ được và sạt lở vẫn tiếp diễn" - ông Thành nói.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ, những tháng cuối năm là thời điểm thiên tai xảy ra nhiều nhất vì vậy Tổng cục Phòng chống thiên tai phải theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình thời tiết để tham mưu kịp thời để không để bị động trong ứng phó thiên tai.
Tiếp tục rà soát xây dựng kịch bản ứng phó ngày càng hoàn thiện hơn với những tình huống cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản phòng chống thiên tai.
"Thời điểm hiện nay ứng phó là yếu tố quyết định để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phòng ngừa là tương lai và lâu dài. Khi công tác phòng ngừa tốt thì việc ứng phó sẽ bớt vất vả hơn. Vì vậy, đề nghị tập trung nhiều vào công tác ứng phó. Trong đó, hoàn thiện và bổ sung các kịch bản lũ lớn ở các lưu vực sông, các kịch bản vận hành liên hồ chứa; tăng cường giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ duy tu bảo dưỡng đê..." - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo vệ an toàn hệ thống đê điều góp phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ngoài phong trào xây dựng đê kiểu mẫu đang triển khai ở các địa phương, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác bãi sông đang diễn ra ở các hệ thống sông, kể cả các vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long.