Dân Việt

Gói tín dụng hỗ trợ lãi suất hàng không, tại sao không?

An Vũ 07/07/2020 21:56 GMT+7
Theo các chuyên gia kinh tế, việc dành gói tín dụng hỗ trợ lãi suất cho các ngành hàng không là rất cần thiết. Bởi, đây là những doanh nghiệp đóng góp nhiều cho ngân sách, đặc biệt có sức lan tỏa sâu rộng cho nền kinh tế.

Cần hàng chục nghìn tỷ vốn hoạt động

Hàng không là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất từ dịch bệnh Covid-19. Để khôi phục, các hãng hàng không trong nước đã phục hồi hoàn toàn các đường bay nội địa và tiếp tục mở thêm nhiều đường bay mới.

Trong tháng 6/2020, Vietjet mở thêm 8 đường bay nội địa mới, nâng tổng số đường bay hãng đang khai thác tại Việt Nam lên 53 đường, phủ khắp cả nước.

Trong khi đó, hãng hàng không Bamboo Airways trong tháng 6 đã khai thác khoảng 140 chuyến bay/ngày.

Bên cạnh tăng nhanh chuyến bay, các hãng hàng không ghi nhận hệ số lấp đầy ghế ngày càng được cải thiện. Theo Vietnam Airlines, hệ số lấp đầy ghế của hãng lên tới 85% trong tháng 5 và tháng 6/2020.

Có cần gói tín dụng cho ngành hàng không? - Ảnh 1.

Theo ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, việc phục hồi các đường bay nội địa là tín hiệu tích cực cho ngành hàng không. Tuy nhiên, do còn hạn chế khách quốc tế vào Việt Nam nên tổng thị trường chưa đạt đến 50% lượng khách so với trước khi có dịch vì thị trường quốc tế chiếm khoảng 1/2 trong tổng thị trường hàng không Việt Nam.

Dự báo, tháng 7/2020 sẽ là dịp cao điểm của hàng không nội địa và là cơ hội để duy trì ổn định của ngành hàng không, sẵn sàng mở cửa đón khách quốc tế khi dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát.

Mặc dù, các hãng hàng không đang phục hồi trở lại nhưng vé máy bay bị hạ thấp kỷ lục so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên báo chí, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không cho biết, từ đầu năm đến nay có hãng đã tung ra 7 chương trình khuyến mãi, kích cầu giá vé từ 0 đến vài chục ngàn đồng. Tuy chưa có số liệu đầy đủ nhưng tổng vé khuyến mại của các hãng lên tới gần chục triệu chiếc.

Theo đó, việc kích cầu, khuyến mại sâu chỉ nhằm giải quyết vấn đề trước mắt là trả lương cho lao động, trang trải một phần chi phí và quan trọng là để cùng đóng góp vào nhiệm vụ phục hồi kinh tế của Chính phủ. Hưởng lợi của chương trình kích cầu này là ngành du lịch, khách hàng và nhà nước.

"Bởi tuy mỗi vé hãng chỉ thu 0 hoặc vài chục ngàn nhưng khách vẫn phải trả thuế, phí hàng trăm ngàn đồng cho Nhà nước", ông Nề nói.

Theo ông Nề, để vận hành một hãng hàng không như Vietnam Airlines hay Vietjet, mỗi ngày mỗi hãng phải chi trên 100 tỉ đồng. Ước tính 2 hãng lớn và hãng mới Bamboo đang cần khoảng 25.000 tỷ đồng vốn hoạt động. Do thiếu vốn, các hãng phải vay với lãi suất ngắn hạn để duy trì hoạt động. Còn Vietnam Airlines thì mới đây đã phải tăng chi phí quản lý hệ thống để giảm bớt số lỗ hước khoảng 16.000 tỷ đồng trong năm nay. Hãng này đang hối thúc Chính phủ giải quyết cho hãng vay 12.000/25.000 tỷ đồng để có vốn hoạt động hàng ngày.

Trong khi đó, nguồn thu quan trọng của hàng không là khách quốc tế vẫn chưa có triển vọng khi tình hình dịch trên thế giới vẫn phức tạp, khó lường và chưa biết khi nào Việt Nam mới mở bay quốc tế. Một số giải pháp như khoanh vùng khép kín khách quốc tế ở các khu du lịch Việt Nam để giải quyết khó khăn, tăng kích cầu cho ngành hàng không và du lịch lại chưa được chấp thuận.

Cần thiết gói kích cầu cho ngành hàng không?

Theo TS Trần Du Lịch, ngành hàng không có tác động rất lớn tới nền kinh tế, nhiều hãng hành không Việt trụ được đến thời điểm này dưới tác động của dịch bệnh là thể hiện nỗ lực rất lớn.

Ông Lịch cho rằng, để thúc đẩy hàng không nội địa các doanh nghiệp hàng không, các địa phương, cơ sở lưu trú, du lịch cần kết hợp với nhau.

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, đối với các chính sách về tài khóa như miễn, giảm thuế, phí đã được Chính phủ thông qua cần tiếp tục được thực hiện song phải bảo đảm tính tức thời, đúng tính chất cứu hãng hàng không như cứu bệnh nhân Covi-19.

Cũng theo vị chuyên gia này, việc tạo gói tín dụng ưu đãi riêng cho các hãng hàng không là rất cần thiết.

Theo đó, các ngân hàng nên cho vay với lãi suất ưu đãi, phần còn lại Chính phủ cấp bù lãi suất bằng cách cho sử dụng nguồn dự trữ khá dồi dào của Ngân hàng Nhà nước và cơ chế tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại.

Có cần gói tín dụng cho ngành hàng không? - Ảnh 3.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Ông Long lý giải rằng, các doanh nghiệp hàng không rất có triển vọng phục hồi sau dịch. Hơn nữa, đây hầu hết là các doanh nghiệp lớn có đóng góp nhiều cho ngân sách, đặc biệt có sức lan tỏa sâu trong nền kinh tế.

Vì vậy, việc tạo gói tín dụng ưu đãi riêng không những không làm lãng phí vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ mà còn tích cực đóng góp trở lại cho ngân sách, giải quyết việc làm và khôi phục, phát triển kinh tế.

Cùng ý kiến này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, vai trò của hàng không trong việc khôi phục nền kinh tế rất lớn nên Chính phủ có thể cho phép cấp bù lãi suất cho các hãng hàng không như đang áp dụng đối với ngân hàng chính sách.

Mặt khác, Chính phủ có thể giảm trừ các khoản chi phí lãi vay từ các khoản thu nộp ngân sách rất lớn của các hãng hàng không để thực hiện khoản vay lãi suất 0% nói trên.

"Tất nhiên, các ngân hàng phỉa đánh giá, thẩm định về mức vay, cho vay bao nhiêu phải căn cứ vào phương án vay vốn, tính khả thi của dự án, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp. Mức cho vay phải tương ứng với quy mô, vai trò và đóng góp của từng hãng để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và không cào bằng", ông Ánh nói.

Thời gian qua nhiều Chính phủ đã hỗ trợ gói lớn và kịp thời cho ngành hàng không. Mỹ dành gói 50 tỷ USD cho các hãng hãng không lớn. Pháp và Hà Lan có gói giải cứu trên 10 tỷ USD cho hãng Air France và KLM. Nhật Bản bơm vốn để các ngân hàng thương mại cho vay gói giải cứu trợ khoảng 10 tỷ USD. Singapore hỗ trợ hãng Singapore Airlines triển khai phương án phát hành cổ phiếu/trái phiếu lên đến 13 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng…