Thực hư đập Tam Hiệp liên quan đến động đất Tứ Xuyên khiến 87.000 người thiệt mạng
Khi đập Tam Hiệp xây xong, người Trung Quốc kỳ vọng nó sẽ mang lại những giá trị to lớn nhưng mong đợi đó của họ dường như chưa được đáp ứng khi con đập lớn nhất hành tinh tiếp tục vướng vào nhiều tranh cãi, chẳng hạn như nghi vấn nó liên quan đến trận động đất Tứ Xuyên năm 2008, khiến 87.000 người thiệt mạng.
Đập Tam Hiệp là dự án thủy điện có quy mô lớn nhất hành tinh, chặn sông Dương Tử - một trong những con sông dài và chảy siết nhất trên thế giới. Con đập dài khoảng 2,3km và cao 185m, lớn gấp 5 lần so với đập Hoover của Mỹ. Để xây dựng con đập, người ta phải sử dụng khoảng 27,2 triệu m3 bêtông (chủ yếu cho thành đập), 463.000 tấn thép (đủ xây 63 tháp Eiffel), đào 102,6 triệu m3 đất.
Được xây dựng trong suốt hơn 1 thập kỷ, đến năm 2008 mới cơ bản hoàn thành, đập Tam Hiệp được vận hành để thực hiện 3 mục đích chính là kiểm soát lũ ở Trung Quốc, sản xuất thủy điện và cải thiện giao thông đường thủy trên sông Dương Tử.
Theo Business Insider, con đập đã tạo ra hơn 18.000 MW điện mỗi năm, gấp hơn 8 lần công suất của đập Hoover - công trình thủy điện lớn nhất ở Mỹ và giải quyết khoảng 3% nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Ngoài ra, con đập cũng giúp tăng lượng hàng hóa vận chuyển qua sông Dương Tử gấp ba lần so với trước khi xây dựng đập.
Tuy nhiên, mục đích kiểm soát lũ của con đập vẫn gây ra tranh cãi. Theo Business Insider, số lượng các vụ lở đất và thiên tai khác đã tăng 70% kể từ khi hồ chứa Tam Hiệp đầy vào năm 2010.
Theo Probe International, đập Tam Hiệp sẽ dần mất đi chức năng ngăn chặn lũ lụt do hệ sinh thái rừng trong lưu vực sông bị mất đi, đồng thời là do con đập đã giữ lại khoảng 530 triệu tấn bùn/năm khiến thể tích hồ bị giảm đi đáng kể. Trong bối cảnh mưa lũ ngày càng nghiêm trọng hiện nay, nhiều người dân nghi ngờ lũ lụt là kết quả việc con đập lớn nhất thế giới bí mật xả lũ để giảm áp lực cho cấu trúc đập và cuối cùng dân là người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề.
Lượng nước khổng lồ trong hồ chứa, cùng với sự tăng giảm của mực nước tùy theo mùa, đã khiến bờ hồ cũng như bờ sông không ổn định, dễ sạt lở, sụt lún.
Một số người nghi ngờ rằng đập Tam Hiệp cũng là một yếu tố gây ra trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 tàn khốc, khiến 87.000 người thiệt mạng, mặc dù Bắc Kinh đã phủ nhận điều này. Kỹ sư cao cấp Fan Xiao ở Tứ Xuyên cho biết, ông đã xử lý rất nhiều vấn đề của con đập. Năm 2004, ông đã xử lý vấn đề về lở đất và động đất do hồ chứa. Và vào năm 2016, ông Fan đã viết một bài báo nghi ngờ về khả năng thực sự của đập Tam Hiệp trong việc giảm thiểu lũ lụt.
Bên cạnh đó, một trong những tranh cãi lớn xung quanh đập Tam Hiệp là mức độ thiệt hại mà con đập gây ra cho môi trường. Ước tính rằng 70% lượng nước ngọt của Trung Quốc bị ô nhiễm và con đập có thể làm cho nó tồi tệ hơn rất nhiều. Đập Tam Hiệp nằm bên trên các cơ sở xử lý chất thải cũ và cơ sở khai thác mỏ. Ước tính, hơn 265 tỷ gallon nước thải thô được đổ vào sông Dương Tử hàng năm, hiện tích tụ trong hồ chứa thay vì xả xuống hạ lưu và đổ ra biển.
Khu vực xung quanh đập Tam Hiệp là nơi cư ngụ của 6.400 loài thực vật, 3.400 loài côn trùng, 300 loài cá và hơn 500 loài động vật có xương sống trên cạn. Con đập không chỉ ảnh hưởng đến các loài này mà còn cả môi trường sống của chúng. Con đập quá lớn đến nỗi nó đã tạo ra một vi khí hậu đe dọa hệ sinh thái của khu vực.
1.300 địa điểm khảo cổ cũng đã bị nhấn chìm trong lòng hồ chứa Tam Hiệp khổng lồ. Ngoài ra, các lỗ hổng cấu trúc ngay từ lần đầu tiên được đề xuất xây dựng đã khiến đập Tam Hiệp nhiều lần trở thành chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt là những mối đe dọa đến từ nguy cơ vỡ đập.
Chính phủ cuối cùng đã thừa nhận các vấn đề của con đập vào năm 2011, 5 năm sau khi Tam Hiệp được xây dựng. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc thừa nhận, họ đã nhận thức được một số vấn đề của đập Tam Hiệp ngay cả trước khi việc xây dựng bắt đầu 17 năm trước, nhưng một số vấn đề khác đã phát sinh do những "nhu cầu mới trong tình hình mới khi kinh tế và xã hội phát triển nhanh".
Ông Wang Weiluo, một chuyên gia thủy văn đã mạnh dạn cảnh báo rằng đập Tam Hiệp thật ra không ổn định như người ta tưởng và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Ông Wang cho rằng mối lo lớn nhất chính là những vết nứt và chất lượng bêtông không đảm bảo được phát hiện trong lúc công trình đang xây dựng. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận cảnh báo trên và cho rằng, đập Tam Hiệp vẫn an toàn.