Bộ NNPTNT cho biết, những năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã quan tâm bố trí kinh phí cho các địa phương thực hiện duy tu, tu bổ, xử lý những hư hỏng của đê điều, trong đó có việc sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê bị hư hỏng, xuống cấp.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xe quá tải đi trên đê diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là những đoạn đê qua các khu đô thị, khu tập trung dân cư, khu vực có mỏ vật liệu và bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu, làm hư hỏng nghiêm trọng mặt đê, trong đó có những tuyến đê mới được đầu tư sửa chữa, nâng cấp.
"Vừa rồi, báo chí phản ánh nhiều về tình trạng xe quá tải đi trên đê ở Thanh Hóa, gây hư hỏng mặt đê. Việc này ngày 3/3/2020, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải đi trên đê tả hữu sông Chu, gây hư hỏng mặt đê.
Bộ Công an giao Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và Cục đã có văn bản gửi Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị điều tra, xác minh xử lý vi phạm.
Tuy nhiên, các cấp chính quyền địa phương còn chưa vào cuộc một cách chặt chẽ nên để xảy ra tình trạng và đã gây hư hỏng rất nặng" – ông Phạm Đức Luận chia sẻ.
Được biết, tuyến đê tả, hữu sông Chu đã được tỉnh Thanh Hóa đầu tư 150 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để xử lý cấp bách.
Thế nhưng, vừa nghiệm thu xong tuyến đê này đã bị xe tải "cày nát", nhiều đoạn bị biến dạng hoàn toàn, xuất hiện liên tiếp những vệt lằn, lún, bong tróc, nứt gãy trên mặt đê, có đoạn kéo dài cả vài trăm mét.
Nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng trên là do xe quá tải chở cát của các mỏ cát dọc sông Chu. Bởi, thiết kế mặt đường đê chỉ chịu tải trọng 12 tấn nhưng thường xuyên có xe chở cát có khối lượng từ 15-20m3, tổng trọng lượng khoảng 40 tấn chạy qua.
Tương tự, dự án xử lý đê cấp bách đối với tuyến đê tả sông Cầu nằm trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, Việt Yên (Bắc Giang) có chiều dài 27,6km có tổng vốn đầu tư hơn 145 tỷ đồng vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng.
Tại tuyến đê, nhiều đoạn, phải múc bỏ cả mảng bê tông lên chất thành đống ngay lề đường để thay thế bê tông mới vào. Cùng với đó, không ít đoạn bị bong tróc, vết nứt kéo dài khiến mặt đường gập ghềnh cao thấp.
Để đảm bảo an toàn đê điều, bảo vệ thành quả đầu tư, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra trên các tuyến đê, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đồng thời, bố trí ngân sách địa phương để xử lý, khắc phục những hư hỏng của đê do tình trạng xe quá tải đi trên đê gây ra, đảm bảo an toàn đê điều và giao thông trên đê phục vụ công tác ứng cứu hộ đê trong mùa mưa lũ năm 2020 và các năm tiếp theo.
"Thực hiện Chỉ thị 447/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2011 đến hết năm 2019, đã xảy ra 10.552 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý được 3.221 vụ, còn tồn tại 7.331 vụ. Đây là số vụ vi phạm tồn tại rất lớn, chiếm 70%".
Ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT)