Dân Việt

Thẻ thu phí "thiếu" quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: Vì lợi ích riêng "bỏ quên" chủ quyền đất nước?

Thế Anh 14/07/2020 15:43 GMT+7
Về thẻ thu phí tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, ĐBQH Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề rất lớn, liên quan tới chủ quyền quốc gia, nhà đầu tư không thể vì lợi ích riêng mà bỏ quên đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Thế nhưng, thời gian gần đây những hình ảnh về đất nước Việt Nam thiếu 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thi thoảng lại xuất hiện gây bức xúc trong cộng động. Mới đây nhất là thẻ thu phí tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư) có in hình bản đồ Việt Nam trên mặt thẻ nhưng không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (còn Tập đoàn Đèo Cả cho rằng có in nhưng không rõ nét nên nhiều người không nhìn thấy) đang gây ra nhiều bức xúc.

Cụ thể, Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức thu phí từ ngày 18/02/2020. Trên thẻ thu phí tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có ghi rõ nội dung: Một số dự án trọng điểm Tập đoàn Đèo Cả đã và đang triển khai kèm theo hình bản đồ Việt Nam.

Thẻ thu phí bỏ quên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: Đừng vì lợi ích riêng mà quên đất nước - Ảnh 1.

Thẻ thu phí cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Trên Bản đồ Việt Nam có ghi rõ các địa danh, các tỉnh nơi có dự án của Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai gồm các tỉnh: Cao Bằng (cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh); Lạng Sơn (cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng); Bắc Giang; Huế; Đà Nẵng (hầm đường bộ Đèo Cả); Bình Đình; Phú Yên; Khánh Hoà (mở rộng QL 1A); TP HCM; Tiền Giang (cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận).

Đáng chú ý, thẻ thu phí tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có in bản đồ Việt Nam kèm theo nhiều địa danh, tỉnh thành, nhưng lại không có hoặc in mờ, không rõ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khiến cho dư luận bức xúc.

Giải thích về vấn đề này, trưa 14/7, Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn phát đi thông cáo giải thích rằng: "Thẻ thu phí cấp cho các phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ trên tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn có thể hiện mô tả hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của nước Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình in ấn và qua sử dụng hình ảnh hai quần đảo bị mờ, chưa rõ nét. Về vấn đề này, chúng tôi tiếp thu và đã tiến hành in ấn lại để làm rõ những nội dung hình ảnh trong lần in thẻ mới.

Thẻ thu phí bỏ quên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa: Đừng vì lợi ích riêng mà quên đất nước - Ảnh 2.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư

Cần phải khẳng định rằng, Việt Nam đã xác định chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo này, phù hợp với Luật pháp quốc tế. Đồng thời, Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đầy cần phải lên án mạnh mẽ.

Trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng: "Việc bảo vệ chủ quyền, biên giới, biển đảo của Việt Nam là điều thiêng liêng của Tổ quốc và bất khả xâm phạm. Để bảo vệ được chủ quyền, chúng ta phải thể hiện được chủ quyền của mình trên tất cả các lĩnh vực, điều quan trọng đầu tiên là phải thể hiện được trên chính bản đồ của chúng ta".

"Trong đó, bản đồ phải thể hiện ranh giới chủ quyền từ đất liền, tới vùng trời, vùng biển, hải đảo phải hết sức cụ thể rõ ràng và phải được thể hiện bằng tiếng Việt, hoặc có kèm theo song song tiếng Việt – tiếng Anh để cho người dân Việt Nam và thế giới biết được đó là quần đảo của Việt Nam chứ không phải đảo hoang", ĐBQH Phạm Văn Hoà nêu quan điểm.

Đối với giải thích của Tập đoàn Đèo Cả rằng "có in mô tả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng 2 dấu chấm (nhưng không ghi rõ tên 2 quần đảo), trong quá trình in ấn hình ảnh bị mờ", ĐBQH Phạm Văn Hoà đặt câu hỏi: "Hiện vùng biển Đông rất phức tạp mà trên bản đồ của mình lại không ghi rõ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lỡ nước khác nhận thì sao?".

"Việc không ghi rõ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên bản đồ Việt Nam là vấn đề rất đáng trách của các đơn vị liên quan, trong đó, trách nhiệm lớn là của nhà đầu tư, đơn vị in ấn sản xuất thẻ thu phí... Dù đây là sơ suất hay cố ý thì cũng cần phải lên án mạnh mẽ", ĐBQH Phạm Văn Hoà bức xúc.

ĐBQH Phạm Văn Hoà nhấn mạnh, đây là vấn đề rất lớn, liên quan tới chủ quyền quốc gia, nhà đầu tư không thể vì lợi ích riêng của mình mà bỏ quên việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

"Nhà đầu tư phải giải trình rõ cho nhân dân biết với lý do gì mà các dự án của họ lại ghi rõ tên địa danh còn quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lại bị coi thường dùng (chấm đen) để mô tả mà không ghi rõ tên. Tại sao lại phải in mô tả mờ mờ như vậy?", đại biểu Hoà yêu cầu.

Theo ông Hoà, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là 2 địa danh tại sao lại phải sử dụng hình ảnh mô tả, ai biết đó đâu. 

"Cần phải làm rõ trách nhiệm của những người liên quan có lời xin lỗi tới dân, không thể bao biên bằng cái dấu chấm là Hoàng Sa và Trường Sa được", ông Hoà nhấn mạnh.