Sẽ phục hồi vào quý 4?
Nhận định về thị trường BĐS nửa cuối năm 2020, ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường có khả năng đối mặt với 3 kịch bản.
Cụ thể, với kịch bản trung tính thì đến cuối năm thị trường quốc tế, các đối tác quốc tế mới phục hồi và quay trở lại bình thường. Đây là kịch bản dễ xảy ra nhất. Nền kinh tế suy giảm nhưng không lớn. Thị trường BĐS trầm lắng nhưng không đổ vỡ.
Ngoài ra, kịch bản tích cực thì các nền kinh tế phục hồi trong quý 4. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đi vào giai đoạn ổn định, các doanh nghiệp định hình và định vị tại Việt Nam.
Theo đó, nền kinh tế phục hồi hoàn toàn trạng thái trước dịch Covid-19 vào quý 4/2020. Thị trường BĐS chuyển động tích cực trong quý 4 và trước Tết Nguyên đán Tân Sửu (2021).
Cuối cùng, đối với kịch bản tiêu cực, nếu dịch Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không hòa hoãn, các lò lửa chiến tranh bị kích động, kinh tế thế giới không khả quan. Do đó, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ khó khăn, thị trường BĐS sẽ theo đó đóng băng.
Khả năng hiện thực của mỗi kịch bản sẽ phụ thuộc vào các rủi ro có liên quan nhưng ở tầm vĩ mô, trong đó, các yếu tố kinh tế quốc tế và phản ứng chính sách của nhà nước và ứng xử của các chủ thể kinh tế sẽ đóng vai trò quyết định.
Doanh nghiệp lạc quan về thị trường dài hạn
Trước việc thị trường BĐS 6 tháng cuối năm có thể gặp nhiều rủi ro do dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số địa phương, doanh nghiệp địa ốc vẫn lạc quan vì câu chuyện đầu tư và phát triển các dự án BĐS luôn mang tính dài hạn.
Nhu cầu về nhà ở tại các thành phố lớn vẫn rất cao. Vấn đề còn lại là tháo gỡ nút thắt để thị trường phát triển lành mạnh. Các chủ đầu tư trên "đường đua" không thể bỏ cuộc giữa chừng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, nếu Chính phủ hành động quyết liệt và có các giải phải hỗ trợ kịp thời thị trường sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng nề và tâm lý nhà đầu tư sẽ quay trở lại. Nếu thả nổi để dân tình lo lắng hoang mang thì hậu quả khó lường cho cả nền kinh tế chứ không riêng gì BĐS.
Bà Hương còn cho biết thêm, không chỉ Chính phủ mà doanh nghiệp cũng cần xác định kịch bản ứng phó linh hoạt "sống chung" cùng các giai đoạn kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong dài hạn.
Việc phát hiện ca nhiễm mới tại Đà Nẵng mới đây nằm trong kịch bản mình phải đối mặt khi thiết lập trạng thái bình thường mới.
Việc Việt Nam sớm thiết lập trạng thái bình thường mới trong việc kiểm soát dịch Covid-19 đã chứng minh phản ứng nhanh nhạy và hiệu quả của hệ thống phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương. Thêm vào đó là sự hợp tác, tin tưởng của người dân vào Chính phủ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
"Thiệt hại là không thể tránh khỏi nhưng điều quan trọng là có thể duy trì và tồn tại qua đại dịch là việc các doanh nghiệp phải nỗ lực để vượt qua. Trong đó, việc nhìn nhận tích cực và lạc quan sẽ tiếp thêm sức mạnh và niềm tin giúp chúng ta tồn tại và phát triển cho dù dịch bệnh", CEO Đại Phúc Land nhấn mạnh.