Dân Việt

Tại sao lại xảy ra lũ lụt, ngập úng bất thường ở Hà Giang?

Khánh Nguyên 23/07/2020 20:34 GMT+7
Trận mưa đặc biệt lớn kể từ năm 1961 đến nay khiến nhiều địa phương của tỉnh Hà Giang bị ngập lụt, sạt lở, đã có 5 người thiệt mạng. Hiện, Hà Giang đang nỗ lực triển khai các giải pháp giúp người dân ổn định cuộc sống.

500 tỷ đồng trôi theo mưa lũ

Theo báo cáo của các tỉnh, tính đến ngày 22/7, mưa lớn tại khu vực miền núi phía Bắc đã làm 5 người chết và 3 người bị thương. 

Mưa lũ cũng khiến 3.000 ngôi nhà ở TP.Hà Giang, 6 ngôi làng ở huyện Bắc Mê bị ngập úng và gần 100 ngôi nhà bị lũ cuốn, đất đá vùi lấp… Nhiều tuyến đường liên thôn, xã, liên tỉnh bị ngập nước, có đoạn sâu đến 1,2m. Ước tổng thiệt hại trên 125 tỷ đồng.

Lũ lụt, ngập úng bất thường ở Hà Giang: Hạ tầng yếu kém, không lường trước nguy cơ - Ảnh 1.

Lực lượng phòng cháy chữa cháy tham gia di dời tài sản cho người dân Hà Giang. Ảnh: I.T

Theo báo cáo của các tỉnh, tính đến ngày 22/7, mưa lớn tại khu vực miền núi phía Bắc đã làm 5 người chết và 3 người bị thương. Mưa lũ cũng khiến 3.000 ngôi nhà ở TP.Hà Giang, 6 ngôi làng ở huyện Bắc Mê bị ngập úng và gần 100 ngôi nhà bị lũ cuốn, đất đá vùi lấp, nhiều tuyến đường bị sạt lở, hai nhà máy thủy điện Thuận Hòa và Thái An bị đất, đá vùi lấp hoàn toàn máy móc.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của mưa lớn nên 2 nhà máy thủy điện Thuận Hòa và Thái An bị đất, đá vùi lấp hoàn toàn máy móc, thiệt hại khoảng 370 tỷ đồng.

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự tỉnh Hà Giang, cho biết thiệt hại do thiên tai gây ra rất lớn, vượt khả năng cân đối ngân sách và bố trí kinh phí của tỉnh.

Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lượng mưa phổ biến tại TP.Hà Giang đặc biệt to, lên tới 347mm, đây là lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ qua theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay. 

UBND TP.Hà Giang cảnh báo người dân hạn chế di chuyển (trừ trường hợp cần thiết), để giảm thiểu thiệt hại về người do ngập lụt, di dời tạm thời tài sản đến nơi khô ráo, an toàn.

 Sau khi nước rút, huy động các lực lượng triển khai các biện pháp khắc phục (khơi thông, rửa dọn nhà và đường phố, khu vực dân cư).

Lũ lụt, ngập úng bất thường ở Hà Giang: Hạ tầng yếu kém, không lường trước nguy cơ - Ảnh 3.

Nhà máy thủy điện Thái An bị hư hỏng nghiêm trọng do mưa lũ. Ảnh: K.N

Sở Công Thương chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên sông Miện và sông Lô thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện trên sông Miện, sông Lô. 

Khi xả lũ, thông báo và cảnh báo đến chính quyền và người dân khu vực hạ du các nhà máy để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.

TP.Hà Giang ngập vì sao?

Lý giải nguyên nhân gây mưa to đến rất to, nhiều nơi xảy ra dông mạnh, lốc, sét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, trong đó có mưa lũ Hà Giang, ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết, là do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao đã gây ra mưa rào và dông cho các tỉnh Bắc Bộ.

Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, đợt mưa lớn này đã được Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo sớm, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và ban hành các bản tin dự báo mưa lớn, cảnh báo các hiện tượng mưa dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ… theo đúng quy định.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, nguyên nhân gây ngập úng cho TP. Hà Giang là do mưa lớn kéo dài, hệ thống thoát nước của thành phố đã cũ, xuống cấp, không đáp ứng được mức độ đô thị hóa. 

Do đó, ông Sơn đề nghị các ngành chức năng phối hợp thống kê tình hình thiệt hại, huy động các lực lượng, phương tiện, máy móc nhanh chóng bắt bay vào việc giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại.

Tại sao lại xảy ra lũ lụt, ngập úng bất thường ở Hà Giang? - Ảnh 4.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành công điện khẩn chỉ đạo các huyện, thành phố, xã, phường thông báo cho người dân không đi lại qua sông, suối, khu vực ngập úng hoặc các tuyến đường thường xuyên có sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, cắt cử người canh gác các điểm trọng yếu. 

Đồng thời phối hợp với các chủ hồ thủy điện để có thông tin xả lũ và thực hiện đúng quy định, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho vùng hạ du.

Đối với diện tích lúa, rau màu các loại bị ngập úng chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã rà soát đánh giá cụ thể và hướng dẫn người dân khôi phục lại sản xuất, xác định mức độ thiệt hại để có giải pháp khắc phục phù hợp (đối với cây lúa sử dụng mạ khay ngắn ngày để cung ứng cho các hộ trồng lại đảm bảo đúng khung thời vụ).

Tuyên truyền và động viên cho người dân vùng bị thiệt hại, hạn chế việc di chuyển, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp phòng, tránh kịp thời nếu thiên tai tiếp tục xảy ra, hỗ trợ mì tôm, nước uống, bánh mì cho các lực lượng tham gia cứu hộ .

Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo T.Ư về PCTT, Tổng Cục trưởng

Tổng cục PCTT: Tập trung khắc phục hậu quả, sớm khôi phục sản xuất

Hà Giang là địa phương nằm trong vùng thường xuyên phải gánh chịu những hậu quả trực tiếp từ thiên tai như bão, lũ, nên cần phải làm tốt công tác dự báo tình hình và có sự ưu tiên tập trung nguồn lực để đảm bảo cho công tác phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện…

Trước mắt, tỉnh cần tiếp tục tập trung cho công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai, khôi phục sản xuất, khôi phục giao thông để sớm ổn định cuộc sống cho người dân. Đặc biệt, cần rà soát ngay những điểm có nguy cơ mất an toàn cao để có phương án di dời cho các hộ dân sống xung quanh.

Tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các thông tin dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân; cần sớm có văn bản chính thức với số liệu cụ thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét hỗ trợ; làm tốt công tác ứng trực PCTT...