Lũ lụt lịch sử tại Hà Giang: Trường hợp nào chủ xe ô tô bị ngập nước được đền bù?

Hiếu Đam Thứ tư, ngày 22/07/2020 15:04 PM (GMT+7)
Liên quan đến việc nhiều xe ô tô bị hư hỏng do lũ lụt, nhiều người dân thắc mắc trường hợp xe ô tô bị hư hỏng thiệt hại do mưa lũ có được bảo hiểm đền bù. Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư để rõ hơn vấn đề này.
Bình luận 0

Vừa qua, mưa lũ ở Hà Giang gây ra sạt lở đất làm nhiều người chết và bị thương, bên cạnh đó mưa lũ còn nhấn chìm nhiều ô tô và nhiều tài sản của người dân.

Liên quan đến việc này, nhiều người dân thắc mắc trường hợp xe ô tô bị hư hỏng thiệt hại do mưa lũ có được bảo hiểm đền bù?

Được đền bù

Từ vụ nhiều ô tô bị ngập lụt tại Hà Giang, khi nào ô tô được đền bù? - Ảnh 1.

Hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới của khách hàng quy định rõ việc xe ô tô bị ngập có được đền bù. Ảnh Thanh Niên.

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới của khách hàng, bộ quy tắc bảo hiểm và bồi thường tổn thất kèm theo hợp đồng đã quy định cụ thể từng loại hình bảo hiểm, những trường hợp được bảo hiểm và trường hợp loại trừ bảo hiểm.

Theo đó, xe bị ngập nước do những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên (bao gồm nhưng không giới hạn bão lũ, lụt, sét đánh, giông tố, động đất, sóng thần…) thuộc trường hợp được bảo hiểm tại hợp đồng bảo hiểm vật chất xe cơ giới.

"Người mua cần lưu ý rằng trong quy tắc bảo hiểm và bồi thường tổn thất thường quy định: Hư hỏng động cơ do xe hoạt động trong vùng/đường đang bị ngập nước hoặc do nước lọt vào động cơ gây nên hiện tượng thủy kích là trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm vật chất.

Từ vụ nhiều ô tô bị ngập lụt tại Hà Giang, khi nào ô tô được đền bù? - Ảnh 2.

Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Bảo hiểm xe ô tô ngập nước thủy kích là điều khoản quyền lợi bổ sung khi tham gia bảo hiểm vật chất xe ô tô. Trong hợp đồng bảo hiểm vật chất xe có điều khoản trên thì xe bị thủy kích sẽ có quyền yêu cầu bảo hiểm", luật sư Lực phân tích.

Cũng theo vị luật sư, người dân phải hiểu rõ ràng "thủy kích" là trường hợp xe bị hư hỏng khi đi vào vùng ngập nước, có 2 trường hợp gây ra thủy kích, thứ nhất là xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước, nước vào động cơ khiến đông cơ bị hư hỏng. 

Thứ hai là xe đang nổ máy và chạy vào vùng ngập nước dẫn tới xe bị tắt máy sau đó người lái xe cố tình khởi động xe  làm cho nước vào động cơ khiến động cơ bị hư hỏng.

Do vậy, khi mua bảo hiểm chủ ô tô cần tìm hiểu kỹ điều khoản hợp đồng để xác định phạm vi được bảo hiểm chi trả khi xảy ra thiệt hại.

Trường hợp ngập lụt gây ra cho cả một vùng rộng lớn thuộc tỉnh Hà Giang, xe ô tô có mua bảo hiểm vật chất, bị ngập nước gây ra thiệt hại thuộc trường hợp được bảo hiểm bồi thường thiệt hại.

Từ vụ nhiều ô tô bị ngập lụt tại Hà Giang, khi nào ô tô được đền bù? - Ảnh 3.

Khi mua bảo hiểm, chủ ô tô cần tìm hiểu kỹ điều khoản hợp đồng để xác định phạm vi được bảo hiểm chi trả khi xảy ra thiệt hại. Ảnh IT

"Hiện tượng xe bị ngập nước thường chỉ gây hư hại phần điện của xe, gây tổn thất cho nội thất trong xe và sẽ được bảo hiểm chi trả. Tuy nhiên nếu động cơ của xe bị hỏng do thủy kích mà chủ xe không mua bảo hiểm thủy kích thì nhiều khả năng sẽ bị bảo hiểm từ chối chi trả hoặc có tình trạng tranh chấp trong yêu cầu chi trả bảo hiểm giữa hai bên.

Khách hàng cần xem lại hợp đồng bảo hiểm của mình, thông báo tình trạng thiệt hại theo số điện thoại ghi trong hợp đồng để đơn vị bảo hiểm phối hợp giải quyết bảo hiểm", vị luật sư cho biết.

Lưu ý những điều khoản quy định

Cùng quan điểm, luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, người dân cần hiểu rõ những vấn đề liên quan, bên cạnh hiểu hơn về khái niệm sự kiện bất khả kháng.

Sự kiện bất khả kháng là những biến cố xảy ra khiến hợp đồng dân sự không được thực hiện một cách suôn sẻ, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các thỏa thuận trong hợp đồng.

Từ vụ nhiều ô tô bị ngập lụt tại Hà Giang, khi nào ô tô được đền bù? - Ảnh 4.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn - Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó có những sự cố nằm ngoài khả năng dự đoán, kiểm soát của các bên và xảy ra không phải do lỗi của các bên.

Bộ luật dân sự 2015 quy định về nội dung này tại điều 156: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.”

Theo quy định tại Bộ luật dân sự (BLDS) 2015, khi phát sinh “sự kiện bất khả kháng” sẽ kéo theo nhiều hậu quả phát lý, cụ thể:

Theo khoản 1, điều 156 BLDS 2015 đặt ra quy định sự kiện bất khả kháng liên quan đến phần thời hiệu, theo đó đây là căn cứ xác định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Theo khoản 2, điều 584 BLDS 2015, sự kiện bất khả kháng là một trong những căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

"Ngoài ra, trong lĩnh vực kinh doanh thương mại, Luật Thương mại 2005 cũng có những quy định về sự kiện bất khả kháng. Theo đó, khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra, bên vi phạm hợp đồng phải có sự thông báo ngay cho bên kia về trường hợp miễn trách nhiệm trong một khoảng thời gian thích hợp, nếu không thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại,… (Điều 294, 295 và 296)", luật sư Tuấn cho biết.

Theo vị luật sư, người dân khi sử dụng phương tiện giao thông cần phải mua bao hiểm, điều nay được quy định rõ tại thông tư 22/2016/TT-BTC quy định các loại xe cơ giới: xe ôtô, xe máy… chủ xe khi tham gia giao thông trên đường phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe và người mua được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem