Clip: Ngư dân xã Bạch Long, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định thức trắng đêm săn cá khủng.
Chúng tôi cho xe chạy chầm chậm trên con đường đê bao ven biển, biển hôm nay xanh biếc, gió nhẹ nhẹ thổi như những khu du lịch nổi tiếng.
Tới xã Bạch Long chúng tôi không thể rời mắt được xóm vó bè, dưới những tia nắng yếu của hoàng hôn, xóm vó bè đẹp như một bức tranh.
Dưới cái không gian yên tĩnh, xóm Vó Bè bình yên đến lạ thường, chúng tôi bảo nhau không biết bà con trong vùng hôm nay đi đâu, làm gì mà quê nhà trở nên vắng vẻ.
Xóm Vó Bè im lìm đến mức ngỡ như nghe thấy cả tiếng cá mắc lưới đang quẫy nước. Những căn lều chắp vá đóng cửa im ỉm, vó bè cái chìm, cái nổi trải dài hút mắt về phía xa.
Nhưng khoảng 7 giờ tối trở đi, một không gian hoàn toàn khác được thay vào đó, dưới những ánh sáng đèn điện, xóm vó bè không khác gì một thành phố trên sông.
Hòa vào đó là những tiếng cười nói, tiếng kéo vó kêu lẹt kẹt, tiếng cá quẫy trong vó... khiến chúng tôi bỡ ngỡ.
Xóm Vó Bè nằm ở đoạn đầu sông Bạch Long, đoạn ngay giáp với đê biển. Đây là con sông rất quan trọng đối với người dân nơi đây, nó cấp nước mặn cho khắp nông trường và cánh đồng muối Bạch Long và bị ngăn cách với biển bởi cống Thanh Niên.
Mỗi khi mở cống lấy nước, là những đàn cá, tôm, cua ...ngoài biển lại theo dòng nước bơi vào trong sông. Cũng chính vì lý do này mà con sông này quanh năm sẵn hải sản, cũng do vậy mà bao đời nay người dân ở Bạch Long đã biết làm vó để thu lộc biển từ trời cho.
So với các nghề đánh bắt thủy sản, nghề vó khá thư thả bởi ngư dân ngồi trong cái lều nhỏ chờ 10-15 phút là kéo vó.
Ngồi trong lều hưởng gió biển, hứng chí hát nghêu ngao, không dầm mưa, lội nước cực thân như bao người sống nghề hạ bạc.
Biết chúng tôi là người ở xa tới, một cụ ông chừng hơn 70 tuổi nhiệt tình mời chúng tôi lên căn lều tạm bợ, nơi mà ông gắn bó với cái nghề này hơn 20 năm nay.
Người Bạch Long thân thiện, giản dị và mến khách vô cùng. Sau cuộc trò chuyện chúng tôi mới biết ông tên là Lương Hùng Mạnh, dù đã ở cái tuổi 73 nhưng ông vẫn còn rất khỏe mạnh.
Ông Mạnh Bảo, cái nghề này không biết có từ bao giờ nhưng chỉ biết nó đã có từ rất lâu, ngay từ bé ông đã được theo chân bố mẹ đi cắt vó.
Ngày xưa sẵn tôm cá hơn nhưng giá lại rẻ, bây giờ tuy ít nhưng lại được giá nên làm cái nghề này cũng có công.
Tính bình quân ra, mỗi tháng ông kiếm được khoảng 5-6 triệu đồng từ nghề kéo vó, vào mùa có những tháng kiếm được cả chục triệu.
Thu nhập này giúp ông thỏa mái trang trải cho cuộc sống hàng ngày, nhưng có lẽ niềm vui nhất của ông là giữ gìn cái nghề mà cha ông để lại.
"Cái nghề này nhìn thế thôi mà ham lắm, nhiều khi đàn cá vược hàng trăm con ngoài biển vào là ngày hôm đó là cả xóm kéo được cá khủng ngay. Chuyện kéo được những con cá vược nặng hàng chục kg ở đây là quá bình thường, ở đây ai cũng từng kéo được cá khủng, thậm chí nhiều người còn kéo được hàng chục con cá khủng một đêm", ông Mạnh tiết lộ.
Sống trên 20 năm bằng nghề kéo vó cá, bà Ngọc tối nào cũng tranh thủ ra cất vó để kiếm thêm thu nhập. Dưới ánh điện mờ, cứ khoảng 15-20 phút là bà Ngọc lại kéo vó một lần, cứ mỗi lần như vậy bà bắt được đủ các loại cá nhỏ, mẻ nào may mắn bắt được cả tôm ghẹ, thậm chí còn bắt được cá khủng nặng từ vài kg đến hàng chục kg.
Bà Ngọc tâm sự, công việc chính của bà là làm muối nhưng tối về bà lại tranh thủ ra đây kéo vó bắt cá kiếm thêm thu nhập. Nghề này làm giống như đi chơi nhưng lại ăn thật, thu nhập từ công việc này cũng giúp bà trang trải cho cuộc sống.
"Loại cá đắt nhắt mà chúng tôi bắt được có giá vài trăm ngàn đồng/kg, còn loại rẻ nhất trên 30 ngàn đồng/kg. Thu nhập cũng không cao lắm chỉ vài trăm ngàn một ngày, nhưng được cái không tốn tiền đi chợ mua cá, mắm", bà Ngọc chia sẻ.