Ông Nguyễn Văn Phụng, 54 tuổi, ở xã Thiện Nghiệp nuôi hơn 4.000 con dông trên rẫy đất cát khô cằn cách trung tâm xã chừng 3 km.
Ông dùng tôn ngăn 4.000 m2 đất thành 4 chuồng nuôi vuông vức. Mỗi chuồng hơn 1.000 con cùng lứa tuổi, nhỏ lớn tách biệt, tránh việc dông nhỏ bị cắn khi tranh giành thức ăn.
Hàng ngày, cứ 8h, ông Phụng mang một ôm rau muống, chia làm bốn, ra thả vào giữa mỗi chuồng. Đây cũng là lúc dông từ dưới hang chui lên mặt đất phơi nắng. Khi ăn no, chúng tìm vào bóng mát dưới các lùm cây giữa chuồng nghỉ ngơi hoặc tiếp tục nghịch cát, rượt đuổi nhau dưới ánh mặt trời.
Chuồng nuôi dông được làm đơn giản, chỉ cần dùng những tấm tôn tôn xi măng cũ che chắn xung quanh thành bờ tường rào. Tôn được chôn xuống 40 cm để dông khỏi đào thoát ra bên ngoài. Phía trên được bắn một lớp tôn láng khoảng gang tay để khi con dông bò lên sẽ bị trượt chân xuống trong chuồng.
Ông Phụng cho biết theo nghề nuôi dông hơn chục năm qua. Lúc đầu, ông bắt những con dông tự nhiên sống trên các triền cát ven rừng phòng hộ về thả vào chuồng, dần dần chúng sinh sản làm giống cho đến bây giờ. Từ một chuồng nay đã phát triển thành bốn chuồng, cứ bán gối đầu liên tục.
Dông là giống bò sát có nguồn gốc tự nhiên, tự đào hang sâu 1,5-2 m trong chuồng cát để trú ẩn. Vào mùa gió Bấc (tháng Chạp đến tháng 3 Âm lịch) chúng xuống hang ẩn mình, cơ thể tự điều tiết dinh dưỡng như gấu Bắc cực ngủ đông. Sức đề kháng tốt, nên dông ít bị dịch bệnh, rất dễ nuôi.
Dông con mới nở nuôi đến 24 tháng mới xuất bán được. Lúc này, dông trống dài 40 cm, trọng lượng đạt khoảng 0,5 kg, còn con mái nhẹ một nửa. Mỗi năm ông Phụng xuất bán hơn 100 kg dông trưởng thành. Các nhà hàng ở khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né thường đến thu mua tại chuồng với giá 650.000 – 700.000 đồng một kg.
Theo ông Phụng, nghề này đầu tư chi phí thức ăn và công chăm sóc rất ít, mỗi ngày chỉ cho ăn vài bó rau hoặc một ít cám, nhưng lại cho thu nhập bền vững. "Làm chơi chơi, mà một mình tôi thu nhập gần 70 triệu đồng mỗi năm", ông Phụng nói và cho biết gia đình còn làm thêm nghề ươm dừa giống bán, nên cuộc sống rất nhàn nhã.
Nhiều nông dân khác ở xã Thiện Nghiệp cũng đang theo nghề nuôi loài bò sát mang đặc trưng của vùng gió cát này. Anh Nguyễn Thanh Thắng ở thôn Thiện Sơn hiện có hơn 2.000 con trong vườn sau nhà. Thay vì bỏ hoang, anh đầu tư vài triệu đồng mua tôn cũ rào làm chuồng nuôi dông. "Thả nó sống tự nhiên, sáng cho ăn xíu, rồi mình đi làm chuyện khác, mỗi tháng cũng kiếm thêm được vài triệu đồng", anh Thắng nói.
Dông được người dân Bình Thuận nuôi thương mại từ khoảng năm 2006, khi nhu cầu sử dụng cho du lịch tăng cao. Các xã ven biển ở Phan Thiết ra đến vùng Hòa Thắng (Bắc Bình) cũng đang thịnh nghề chăn nuôi này, vì chi phí đầu tư thấp, ít công sức, nhưng lại có thu nhập khá hơn trồng dưa, hoa màu.
Ông Trần Minh Quân, Chủ tịch Hội nông dân xã Thiện Nghiệp cho biết do phương pháp nuôi hoàn toàn tự nhiên, nên con dông rất thích ứng, dễ sống và sinh trưởng tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương.
Toàn xã có hơn 30 hộ nuôi trên diện tích khoảng 10 ha và đang được nhân rộng. "Chúng tôi xác định đây là mô hình gắn với phát triển du lịch bền vững, mang lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân địa phương", ông Quân cho biết.
Thịt dông được xem là thực phẩm sạch, chế biến được nhiều món, như: nướng mọi, trộn gỏi với rau rừng bản địa, nấu canh lá me, bằm xúc bánh tráng hoặc dông bằm đổ bánh xèo... Hiện , hầu hết các nhà hàng, quán ăn ở Phan Thiết đều có món dông trong thực đơn. Không những người dân địa phương, mà người Sài Gòn và các tỉnh thành khác cũng đã biết đến loài đặc sản này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.