Mặc dù ca ngợi cuộc săn tìm sự sống trên Hành tinh Đỏ là "hoàn toàn tuyệt vời" nhưng theo Tiến sĩ Mayor, sứ mệnh sao Hỏa mới nhất của NASA có thể mang vi khuẩn ngoài hành tinh tới Trái đất và điều này có thể phá hủy thế giới.
Vị tiến sĩ 78 tuổi tự tin đến mức cho rằng, tàu thăm dò sao Hỏa Perseverance của NASA sẽ tìm thấy sự sống trên sao Hỏa vào năm 2031 và thậm chí đã cược 50 bảng Anh điều này sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại rằng, vi khuẩn ngoài hành tinh nguy hiểm cũng có thể xâm nhập vào Trái đất thông qua chính con tàu vũ trụ của con người vào năm 2031. Ngoài ra, nếu các phi hành gia mang vi khuẩn ngoài hành tinh trở lại Trái đất để phân tích, những vi khuẩn này cũng có thể thoát ra và giết chết sự sống trên Hành tinh Xanh.
"Có thể rủi ro là rất thấp nhưng hậu quả có thể rất lớn, vì vậy tôi tin rằng bạn phải rất cẩn thận", Tiến sĩ Mayor nói.
Trước đó, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa Perseverance để tiếp tục tìm kiếm sự sống bên ngoài Trái đất vào ngày 30/7.
Perseverance là thiết bị tự hành thứ 5 của NASA kể từ khi Mỹ bắt đầu thám hiểm sao Hỏa. Dự án phóng Perseverance đã tiêu tốn của NASA 2,4 tỉ USD.
Theo Hãng tin Reuters, Perseverance cũng được lập trình để triển khai một trực thăng mini trên sao Hỏa và thử nghiệm các thiết bị phục vụ những nhiệm vụ của NASA do con người thực hiện trong tương lai.
Tàu thăm dò này được phóng lên từ Mũi Canaveral bởi tên lửa Atlas 5 của Công ty United Launch Alliance (ULA), một liên doanh giữa hãng máy bay Boeing và Lockheed Martin.
NASA dự tính Perseverance sẽ đến sao Hỏa vào ngày 18-2-2021 và đáp xuống tại hố trũng Jezero rộng 45km.
Các nhà khoa học cho rằng Jezero từng là một hồ nước cách đây hơn 3,5 tỉ năm và các dấu tích vi sinh cổ đại có thể vẫn còn lưu lại ở đây.
Perseverance có một mũi khoan dùng để thu thập và tập hợp các mẫu lõi từ đá để phục vụ nghiên cứu trong những chuyến thám hiểm sau đó.
Theo NASA, thời gian hoạt động ước tính của tàu thăm dò là 687 ngày Trái đất hoặc hai năm sao Hỏa.