Clip: Bộ trưởng NN PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác đến thăm quan mô hình nuôi hàu giống và nuôi tôm của Công ty thủy sản Bình Minh (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình).
Cuối tuần vừa qua, đoàn công tác của Bộ NN PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn đã thăm, làm việc với tỉnh Ninh Bình. Đến thăm trang trại nuôi hàu giống và nuôi tôm của công ty thủy sản Bình Minh, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã dành nhiều lời khen ngợi đối với mô hình nuôi trồng thủy sản của đơn vị này.
Trao đổi với PV Báo điện tử DANVIET.VN, ông Lê Ngọc Quyết (Tổng Giám đốc Công ty thủy sản Bình Minh) cho biết, công ty được thành lập từ năm 2017, 2mặt hàng thủy sản được đơn vị nuôi trồng là hàu giống và tôm thịt.
Dẫn đoàn công tác của Bộ NN PTNT đi thăm mô hình, ông Quyết đã giới thiệu rất tỉ mỉ về quy trình nuôi hàu và tôm. Bên cạnh đó, giới thiệu về hệ thống làm sạch nước được đầu tư hiện đại giúp cho hàu và tôm có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất.
Chia sẻ với đoàn công tác, ông Quyết cho biết, các hệ thống kỹ thuật để phục vụ nuôi hàu giống và nuôi tôm thịt được đầu tư trên 20 tỷ đồng. Yếu tổ quan trọng nhất giúp cho hàu và tôm sinh sản, phát triển tốt đó là hệ thống sử lý nước (lọc nước) và hệ thống cung cấp ôxi. Ngoài ra, hệ thống xử lý nuôi tảo cũng là yếu tố quyết định vào việc sinh trưởng của hàu và tôm.
"Bí quyết để giúp cho hàu và tôm hạn chế được dịch bệnh đó là phải xử lý nguồn nước trước khi đưa vào nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, phải xây dựng hệ thống ao chứa để thường xuyên lọc nước, đưa nguồn nước sạch vào các ao nuôi" - ông Quyết chia sẻ.
Theo ông Quyết, đối với hàu không thể để nước trong ao nuôi quá mặn và cũng không được quá ngọt. Như vậy, hàu sẽ không sinh sản được. Người nuôi cần giữ được chất nước ổn định.
"Hiện, rất nhiều trang trại nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Quảng Ninh đã tìm đến đơn vị của chúng tôi để mua hàu giống. Trước đây, người nuôi hàu thường mua con giống từ Trung Quốc, tuy nhiên sau khi hàu được đưa về nuôi thì tỷ lệ sống chỉ đạt 60 - 70%. Đối với hàu giống của công ty thủy sản Bình Minh cung cấp, theo người nuôi đánh giá, tỷ lệ sống thường cao hơn, đạt 80 - 90%, hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt" - ông Quyết chia sẻ với đoàn công tác của Bộ NN PTNT.
Với tổng diện tích 7ha, trong đó nuôi hàu 3,5 ha, nuôi tôm 1,5 ha, còn lại là diện tích các ao, bể xử lý nước. Ông Quyết "khoe" với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, "Mỗi năm đơn vị có lợi nhuận 7 tỷ đồng/năm" từ nuôi hàu giống và nuôi tôm.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Bình, năm 2020, diện tích đạt 14 ha (tăng 2.900 ha so với 2015), trong đó nước ngọt là 10,5 nghìn ha, mặn lợ khoảng 3,5 nghìn ha, còn dự địa để tiếp tục mở rộng; sản lượng ước đạt 60,7 nghìn tấn, giá trị ước đạt 1.694 tỷ đồng.
Đặc biệt, đối với thủy sản mặn lợ đã ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh, siêu thâm canh các đối tượng nuôi có lợi thế, có thị trường: tôm, cua xanh, ngao, cá chẽm…doanh thu 8 – 10 tỷ/ha.
"Tỉnh có chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư nâng cấp hạ tầng nuôi trồng thủy sản vùng ven biển, khai thác, sử dụng có hiệu quả trên 7.000 ha vùng đất ven biển huyện Kim Sơn" – ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đề nghị Tổng Cục thủy sản cùng với Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Bộ NN PTNT) phối hợp chặt chẽ với địa phương để khôi phục, cải tạo lại nguồn giống các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao.