Dân Việt

An Giang: Búng Bình Thiên huyền bí ví như Biển Hồ của miền Tây, nước xanh kỳ lạ, cá tôm vô số

Tỉnh An Giang có nhiều ao hồ thiên nhiên. Riêng ở huyện An Phú có Búng Bình Thiên (nhiều người còn gọi là Biển Hồ của tỉnh). Đây là hồ nước có thắng cảnh thiên nhiên, quanh năm mênh mông nước biếc, lộng gió mây trời. Búng Bình Thiên còn là nơi sinh sản cá tôm của vùng sông Hậu...

 Hẳn là người dân huyện An Phú (tỉnh An Giang) ai ai cũng tự hào về địa điểm Búng Bình Thiên khá độc đáo này. 

Búng Bình Thiên kỳ lạ và hấp dẫn

Điểm nổi bậc ở Búng Bình Thiên là hồ nước trong xanh quanh năm hòa quyện với trời xanh mây trắng, ẩn hiện những mái nhà núp bóng trong những vườn cây sum suê bốn mùa hoa thơm trái ngọt...

Cùng Thánh đường Hồi giáo dân tộc Chăm uy nghi, cổ kính, tạo nên phong cảnh yên ả “sông nước hữu tình” thu hút du khách đến với Búng Bình Thiên.

An Giang: Búng Bình Thiên độc nhất vô nhị ví như Biển Hồ của miền Tây, phong cảnh ngất ngây, cá tôm vô số - Ảnh 1.

Búng Bình Thiên là hồ chứa nước thiên nhiên rộng khoảng 200-300 hecta, nằm trên địa phận 3 xã Nhơn hội, Quốc thái và Khánh bình huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Mặt nước Búng Bình Thiên trong xanh, phẳng lặng cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ cho cả vùng lân cận. Điều độc đáo ở đây là nguồn nước đục ngầu phù sa đổ về sông Bình Di nhưng đến đoạn thông với Búng Bình Thiên thì trở nên trong xanh hẳn. 

Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và cho đến bây giờ chỉ có một cách lý giải thuyết phục nhất rằng điều kỳ lạ này là do địa hình đặc biệt của Búng Bình Thiên và có thể trong hồ tồn tại một loại “tảo” có khả năng tự làm sạch nước. 

Thảm thực vật đặc biệt lơ lững trong hồ này có tác dụng như một túi lọc tất cả cặn phù sa khiến màu nước luôn trong xanh và mặt nước yên ả thanh bình.

An Giang: Búng Bình Thiên độc nhất vô nhị ví như Biển Hồ của miền Tây, phong cảnh ngất ngây, cá tôm vô số - Ảnh 2.

Du khách trãi nghiệm đi tàu, thuyền trên mặt nước mênh mông, trong đến kỳ lạ ở Búng Bình Thiên.

An Giang: Búng Bình Thiên độc nhất vô nhị ví như Biển Hồ của miền Tây, phong cảnh ngất ngây, cá tôm vô số - Ảnh 3.

Khách tham quan và thưởng thức món ăn, đặc sản tại địa phương bên cạnh Búng Bình Thiên thơ mộng....

Ngoài vẻ đẹp hiền hòa, từ lâu Búng Bình Thiên còn là nguồn kinh tế của hàng ngàn hộ dân sinh sống quanh vùng với những sản vật đặc sản vô cùng quen thuộc của người dân miền Tây, như : bông điên điển, bông súng, bông sen cho đến cá linh, cá sặc rằn, cá tra…

Vào mùa nước nổi, Búng Bình Thiên càng nhộn nhịp hơn khi diện tích mặt trong hồ tăng lên, đồng thời, do địa hình bí ẩn lượng nước trong hồ chỉ dâng lên hạ xuống chứ không chảy, đó là điều kiện thuận lợi để thủy sản trong hồ sinh sôi nảy nở tạo nguồn thu nhập dồi dào cho người dân sinh sống nơi đây. 

Đặc biệt hơn nữa bên hồ có làng Chăm xã Nhơn Hội cùng với làng Chăm xã Quốc Thái và Khánh Bình với những xóm nhà Chăm được thiết kế mang tính đặc trưng độc đáo cùng với Thánh đường Hồi giáo uy nghi, cổ kính hòa quyện lời cầu kinh của đồng bào dân tộc làm tăng thêm vẻ đẹp tâm linh huyền bí nơi đây.

An Giang: Búng Bình Thiên độc nhất vô nhị ví như Biển Hồ của miền Tây, phong cảnh ngất ngây, cá tôm vô số - Ảnh 4.

Thánh đường của người Chăm tại xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang.


An Giang: Búng Bình Thiên độc nhất vô nhị ví như Biển Hồ của miền Tây, phong cảnh ngất ngây, cá tôm vô số - Ảnh 5.

Một buổi sinh hoạt tôn giáo của người Chăm tại địa phương...

Người Chăm sinh sống ven Búng Bình Thiên hiền hòa, mến khách, đoàn kết chăm lo sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, giàu mạnh. Tận dụng lợi thế thiên nhiên ban tặng và đánh thức vùng đất vốn hoang sơ ngày nào, hàng năm vào mùa nước nổi, vào dịp Quốc Khánh 2/9 và kỷ niệm ngày Tái lập huyện, Huyện An Phú tổ chức nhộn nhịp các hoạt động lễ hội và Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên...

Hoạt động lễ hội, liên hoan văn hóa mùa nước nổi ở Búng Bình Thiên với các hoạt động văn hóa- thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi như : biễu diễn sân khấu nước, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, đua thuyền, bơi lội, nơm cá, bắt ếch… tạo nên không gian sôi nổi khu vực nơi đây. 

Huyện An Phú (tỉnh An Giang) còn tổ chức các chuyến du lịch điểm đến là Búng Bình Thiên, nhằm giới thiệu khách phương xa những sản phẩm du lịch. Ngày thì du khách chiêm ngưỡng cảnh” sông nước hữu tình”; thưởng thức những món ăn đặc sản, dân dã tuyệt vời, nghe những bài ca vọng cổ mùi mẫn say lòng người.

An Giang: Búng Bình Thiên độc nhất vô nhị ví như Biển Hồ của miền Tây, phong cảnh ngất ngây, cá tôm vô số - Ảnh 6.

Du khách tham gia văn nghệ cùng bà con người Chăm tại Búng Bình Thiên, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Đêm đến, du khách du dương trên thuyền giữa khoảng đồng nước trống êm ả, bên cạnh là những chùm bông điên điển hoa vàng óng ánh, thấp thoáng trên mặt nước là những đám lục bình trôi với làn gió dịu mát êm êm, xa xa có tiếng cá quẩy đuôi đớp mồi…

Tất cả đã làm cho du khách thơi thới cõi lòng về tình đất, tình người, tình quê hương. Búng Bình Thiên được xác định là địa điểm thuộc quy hoạch chung khu du lich phục vụ nhu cầu bảo tồn văn hóa nghỉ ngơi, giải trí cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Tương lai của Búng Bình Thiên

Búng Bình Thiên cũng nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế cửa khẩu Khánh Kình- huyện An Phú của tỉnh An Giang. Để khai thác lợi thế du lịch của Búng Bình Thiên, huyện An Phú đang tích cực mời gọi đầu tư xây dựng để trở thành điểm đến của du khách.

An Giang: Búng Bình Thiên độc nhất vô nhị ví như Biển Hồ của miền Tây, phong cảnh ngất ngây, cá tôm vô số - Ảnh 7.

Du khách tham quan, mua sắm các sản phẩm thủ công của đồng bào Chăm sinh sống quanh Búng Bình Thiên.

Cuối năm 2016, thực hiện Quyết định của UBND tỉnh An giang, UBND huyện An Phú trọng thể tổ chức lễ Công bố quy hoạch xây dựng khu du lịch Búng Bình Thiên với diện tích 706,82 hecta, gồm địa phận 3 xã Nhơn Hội, Khánh Bình và Quốc Thái là “Khu du lịch văn hóa – thể thao, vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng” cho du khách trong và ngoài nước. 

Ngoài ra quy hoạch còn có mục tiêu nhằm bảo tồn và phát triển tài nguyên nước, thảm thực vật, hồ chứa, dự trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; bảo tồn và tái tạo lịch sử, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. 

Theo Quyết định của UBND tỉnh An Giang, kiến trúc không gian và cảnh quan các khu chức năng, gồm: Khu thể thao dưới nước, Câu lạc bộ du thuyền; Đường đua thuyền trên Búng Bình Thiên; Khu vui chơi kết hợp nghỉ dưỡng; Khu Resort, Quảng trường; Khán đài chính, làng văn hóa dân tộc Chăm; Khu thương mại và du lịch; Khu sinh thái nông nghiệp phục vụ du lịch; Khu đất dự trữ tổng hợp phát triển dự án; Các khu vọng cảnh...

Huyện An Phú (tỉnh An Giang) sẽ bám sát quan điểm, định hướng và mục tiêu đã được phê duyệt, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, mời gọi đầu tư xây dựng sớm hoàn thành đề án. Búng Bình Thiên địa điểm du lịch tự hào của huyện An Phú nói riêng, người dân tỉnh An Giang nói chung. An Phú- Búng Bình Thiên đang dang tay chào đón và sẽ vươn cao, vươn xa trong tương lai.