LTS: Sau các chuyến “nhập vai” làm dân chơi đi và về từ Hà Nội lên huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) để điều tra, thu thập tư liệu, nhóm Phóng viên đã có báo cáo ban đầu gửi Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về ma túy (Bộ Công an).
Các đối tượng công khai chèo kéo khách qua mạng xã hội
Qua một số người trong cuộc, chúng tôi biết đến Khanh (có người gọi là Khánh), họ Vũ, tài khoản trên Facebook là "Khanh Vu". Qua nhiều hoạt động khác người trên mạng xã hội, anh ta đã tập hợp được nhiều người theo dõi và thu hút những người có chung sở thích tham gia tour "hút hít" có một không hai do anh ta tổ chức.
Khanh thường xuyên livestream trên mạng xã hội Facebook với lời lẽ, hình ảnh đong đưa, đôi lúc tục tĩu. Hình ảnh “PR” (quảng bá) cho tour du lịch “42…” của Khanh được dàn dựng khá chuyên nghiệp với “Dong Van Bar Coffee” của Khanh được chỉ dẫn trên Google Map rất chi tiết.
Điều tra về hoạt động nhóm của Khanh, chúng tôi vấp phải chồng chất khó khăn. Thứ nhất là mỗi lần thám thính, nghe ngóng về Khanh thì nhóm phóng viên phải mất ít nhất 3 - 4 ngày đi xe riêng hoặc xe khách (1 – 2 ngày), vượt các cung đường đèo núi ròng rã từ sáng đến tối. Đo trên bản đồ, khoảng 450km từ Hà Nội đi Mèo Vạc rồi đến Bar của Khanh.
Thứ hai, Khanh từng thừa nhận, với nhiều “chiến tích” liên quan đến hút hít, với các lần bị “kiểm tra” liên quan đến ma túy, đến nay Khanh hoạt động cực kì tinh vi. Từ lời ăn tiếng nói đến việc nắm các thông tin luật pháp và cả khả năng lách luật.
Đặc biệt là công tác tổ chức các hoạt động “tour du lịch” có sử dụng cần sa khép kín từ Hà Nội đến Hà Giang, rồi lên Đồng Văn, Mèo Vạc, Khanh luôn đề phòng mọi sự “xâm nhập” của các đối tượng không rõ nguồn gốc.
Vì thế, nếu không được sự giúp đỡ của người trong nhóm đã được Khanh kiểm tra tin tưởng, không có “hồ sơ giả” để lọt vào “hang ổ” của Khanh thì nhóm PV khó lòng tiếp cận được hoạt động của nhóm Khanh.
Theo tìm hiểu của nhóm PV, tour của Khanh bán với giá trung bình 2 triệu đồng/ngày đến 6 triệu đồng. Nếu mua tour thì người chơi cũng phải tham gia "hút hít" để không làm lộ thân phận.
Nhóm PV buộc lòng phải vào vai những tay chơi chính hiệu, am hiểu về Khanh và hoạt động của "Bar" của Khanh, phải vờ biết tập tọng "hút hít", phân biệt các loại cần sa, hiểu rõ về công dụng "gây tranh cãi" của cây lanh, biết phân biệt các loại cần sa: K, Kush, Cam, Xoài, AK47, lanh, "thuốc lào Mông", bơ CBD… Thậm chí phải biết cả cách dùng các từ lóng trong giới "hút hít" như kiểu "cuốn hút" (cuốn gói và hút hít), "hay ho" (hay hút và hay bị ho lụ khụ)...
Chưa kể, khi Khanh cầm chứng minh thư đi đăng ký tạm trú tạm vắng, phóng viên hoàn toàn đứng trước nguy cơ bị lật tẩy khi bị lộ tên tuổi địa chỉ thật. Vì vậy nhóm PV cũng phải sử dụng một số thủ thuật trong tác nghiệp điều tra để giấu thân phận.
"Cây lanh có 3 đến 4 loại. Phổ biến nhất là Canibis sativa và Canabis indica của Ấn Độ. Hai dòng cây này vào Việt Nam lúc đầu chỉ phục vụ cho việc lấy sợi rồi dệt vải nhưng rồi có những nhóm người chuyên săn lùng chúng để kiếm tìm ảo giác. Cây cần sa có một số hoạt chất gây kích thích thần kinh, trong đó có Tetrahydrocannabinol hay còn gọi là THC. Đây là cái có thể được chiết xuất từ cây cần sa hay chúng ta còn gọi là cây lanh hay gai dầu. Chúng đều là một họ.
Nhưng hiểu lầm chết người nhất đó là, nhiều người lại nghĩ rằng cần sa là cây khác, cây lanh rồi gai dầu là khác. Thật ra nó là một loài. Một loài có 2 đến 3 họ nhưng tỷ lệ THC lại tương đương nhau, đều có thể chiết xuất ra hoạt chất THC để phục vụ vừa là cho y tế, vừa trong nghi lễ tôn giáo (trước kia) để tạo ra những ảo giác, hưng phấn nhất định. Và cần sa, lanh hay gai dầu thực chất đều là một và đều cho ra một loại hoạt chất".
TS Lê Trung Tuấn, sáng lập viên, Chủ tịch Hội đồng quản lý viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD)
Số điện thoại “ảo”, tài khoản Facebook, Zalo “ảo”, và đặc biệt, chọn những người vào vai quay phim chụp ảnh lén phải… không bị quen mặt trên Internet.
Khanh khá sắc sảo trong việc chọn vị trí cho Bar của mình. Và khi livestream, Khanh luôn đề nghị các vị khách có mặt phải xuất hiện trong hình (gọi là “hiện hồn”). Những hình đó được lưu hầu như vĩnh viễn trên mạng.
Mạng của Khanh cũng có độ “phổ biến” cao, từ Bar của anh ta tới một quán ăn có tiếng tại Hà Nội anh ta tham gia, đều có các video kể trên được lan truyền như một cách PR kiếm tiền cực khéo. Nếu PV là người “quen mặt” sẽ dễ dàng bị bóc mẽ ngay lập tức, khi Khanh livestream…
Qua giao dịch, Khanh lại yêu cầu mua tour từ Hà Nội, với giá 6 triệu đồng/người, trong 3 ngày đêm. Có “xe đưa đón” (thật ra là xe khách giường nằm) lên đến Hà Giang, từ đó, nhân viên của Khanh dùng xe máy đưa khách đi tham quan các con đèo, danh thắng của Hà Giang, trước khi ghé vào Dong Van Bar Coffee của Khanh. Khách đông, Khanh sẽ thuê ô tô đi từ Hà Nội hoặc từ Hà Giang, trên xe có thể dùng cần sa thả sức, như Khanh và cộng sự vẫn tự hào “quảng bá”.
Theo công an địa phương xác nhận với phóng viên, Khanh từng bị kiểm tra khi có các dấu hiệu tổ chức, sử dụng cần sa tại Dong Van Bar Coffee. Trước Khanh làm công việc dẫn khách du lịch ở khu vực thị trấn Đồng Văn. Sau do công việc làm ăn không xuôi chèo mát mái, Khanh bỏ lên đỉnh đèo mở Dong Van Bar Coffee. Kế ngay bên là “tòa” Panorama đầy tai tiếng, hiện nay đang tháo dỡ một phần để cải tạo lại.
Càng tìm hiểu, mới càng thấy Khanh rất tự tin với vỏ bọc “hút thuốc lào Mông”, “hết tiền nên phải hút cây lanh” (hay còn gọi là cây dầu gai) của mình. Anh ta không ngại ngần “khoe” chuyện từng bị công an huyện Mèo Vạc, rồi công an huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đến kiểm tra theo lời tố cáo tổ chức sử dụng cần sa/ma túy song “không làm gì được”.
Trong livestream, Khanh cũng tự nhận mình là người chơi nhiều thứ cần sa, phê suốt ngày. Khanh cũng là 1 trong số ít người dám livestream chuyện hút cần sa. Khanh tiết lộ cả về việc tổ chức hút hít cần sa và các loại có sức “phê” tương tự.
Các “tay chơi” từng quan hệ với Khanh, mua “hàng” được Khanh chiết xuất từ các cây có chất gây nghiện, từng lên tận đỉnh đèo “trụ sở công ty du lịch 42…” để hút hít nhiều ngày, đều tiết lộ: Khanh và cộng sự có nhiều loại cần sa và các loại khác chiết xuất từ một cây gây nhiều tranh cãi là cây lanh.
Riêng về loại cây này hiện có hai luồng ý kiến đối ngược nhau: Luồng thứ nhất cho rằng về hình dáng cây này giống cây cần sa tới hơn 90%, có hàm lượng “ma túy” cơ bản thấp hơn, nhưng cũng theo kiểu của cần sa và nếu bị lợi dụng chiết xuất thì rất nguy hiểm. Luồng ý kiến thứ 2 khẳng định, lanh chính là cần sa và cách hiểu “1” là một sự nhầm lẫn chết người.
Nhóm PV buộc lòng phải vào vai những tay chơi chính hiệu, am hiểu về Khanh và hoạt động của "Bar" của Khanh, phải vờ biết tập tọng "hút hít", phân biệt các loại cần sa, ma túy, hiểu rõ về công dụng "gây tranh cãi" của cây lanh, biết phân biệt các loại cần sa: K, Kush, Cam, Xoài, AK47, lanh, "thuốc lào Mông", bơ CBD… Thậm chí phải biết cả cách dùng các từ lóng trong giới "hút hít" như kiểu "cuốn hút" (cuốn gói và hút hít), "hay ho" (hay hút và hay bị ho lụ khụ)...