Hành trình lên đỉnh chốt chống dịch
Đại úy Nguyễn Thế Tùng được Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Cao Bằng cử đi tác nghiệp cùng phóng viên Dân Việt trên các cung đường ngăn chặn hiểm họa Covid-19 từ dòng người xuất nhập cảnh trái phép.
Hơn 40 tuổi, già dặn kinh nghiệm đồn trú nhiều nơi, rồi tham gia quay dựng phim, viết tin bài cho Phòng Chính trị, đang phát sóng trên khắp đài báo trung ương và tỉnh Cao Bằng, Tùng bảo: Nếu muốn hiểu được câu chuyện lập chốt giữa nơi lưng chừng trời chặn làn “sóng dữ” xuất nhập cảnh trái phép “mùa dịch" Covid-19 ra sao, các anh phải vào Bảo Lạc. Đó là các đồn, chốt biên phòng gian khó bậc nhất của tuyến biên giới hơn 300km này.
Sau hành trình ám ảnh, 1 giờ sáng 8/8, lếch thếch, ướt sũng, bùn đất lem nhem, luồn núi vượt thác về được đến Đồn Biên phòng Cô Ba, nhìn thấy ánh sáng điện của “cuộc sống văn minh”, tôi đã thêm một lần lặng đi vì xúc động. Sau gần trọn vẹn một ngày đêm ba cùng với các chốt 566 và 567, rồi Tổ Công tác Bản Chang, nhiều chuyện, đến câu hỏi của chính mình, bật máy quay, vừa cất lời ướm hỏi, chưa nghe hồi đáp, chính người hỏi và những người còn lại đã cùng thấy rưng rưng…
Đêm về khuya, núi dựng thành quách án ngữ hết đường chân trời. Tất cả đều lẩm bẩm, cầu trời không tiếp tục mưa xuống như cả cái tuần vừa qua. Mưa là chắc chắn không ai có thể di chuyển về đồn, về chốt hay về Hà Nội được. Bởi đường trơn, vực sâu, những chiếc xe máy truồi đi trên đá, trên các vũng bùn và dòng nước chảy thao thiết… như muốn xé đôi các con đường nham nhở.
Bỏ ô tô hai cầu dã chiến dưới thung, mượn xe máy đi thêm 3 tiếng đồng hồ theo cái cách vừa đi vừa đẩy, người lái và người ngồi sau đều căng như dây đàn, thì chốt chống dịch của đồn Cô Ba mới hiện ra. Đủ các lực lượng: Cán bộ biên phòng, công an viên rồi thôn đội trưởng, y tế xóm bản, tất cả đều tham gia chốt chặn dọc biên giới.
Chốt phòng dịch do Thiếu tá Hoa Văn Quyết, nhân viên vận động quần chúng của Đồn Cô Ba phụ trách được dựng bằng lam nham tre nứa và bạt dã chiến. Cờ đỏ tung bay, nải chuối dân bản cho treo vàng ươm ở cửa chốt. Ngay kế bên là cột mốc, bên tiếng Việt, bên tiếng Trung. Bờ tường, rồi cuồn cuộn dây thép gai ánh lên trong nắng. Vài người phía bạn vẫy tay chào khi chúng tôi mỉm cười ra hiệu.
Lại quan sát không thấy nhà tắm, chẳng thấy… nhà vệ sinh. Bèn xin lỗi hỏi, khi đồng hồ đã báo 21 giờ đêm. Anh Hoa Văn Quyết thật thà: Chúng tôi đi khiêng các can nước về, mùa đông thì khỏi cần tắm. Chỉ chia nhau đi kiếm củi, đun nước ấm lên, đổ vào cái chậu, ra bìa núi rửa ráy, gội đầu. Mỗi tuần gội đầu một lần là tốt rồi. Tắm thì… khỏi cần. Nhà vệ sinh thì đào hố ngoài gốc cây trên núi. Lấy tro bếp lấp lại. Đầy thì lấp hủy cho tốt cây, đi đào hó khác.
Anh Quyết bảo, đi lấy nước cách chốt khoảng 1,5 km đường cuốc bộ. Hễ mưa là hết đường hạ sơn hay thượng sơn bằng xe máy, tất cả đều nhất tề cuốc bộ đi làm nhiệm vụ. Con gái thi hết lớp 12, về tỉnh, rồi con được mời đi thăm trường quốc tế dưới Hà Nội để dự kiến có thể sẽ được học bổng du học, đành để hai mẹ con đi với nhau thôi, bố Quyết vẫn phải bám trụ biên thùy khi nước sôi lửa bỏng chống dịch.
“Non sông cần chúng tôi, nhiệm vụ thiêng liêng nơi tuyến đầu để ngăn làn sóng nhập cảnh trái phép đem hiểm họa dịch bệnh Covid-19 vào nội địa. Bảo vệ đồng bào, cũng là bảo vệ chính gia đình mình”, anh Quyết nói.
“Dù vất vả thế nào, chúng tôi vẫn thấy rất tự hào và không bao giờ nản chí”, khi được hỏi, anh Quyết, rồi Thiếu tá Nguyễn Duy Đông, Chính trị viên đồn Cô Ba, ngồi đêm trong lều bạt muỗi bay như vãi chấu trả lời thế. Giữa bối cảnh ấy, các câu kia không khiến bất cứ ai dám thoáng nghĩ là là họ đang “hô khẩu hiệu”. Mà đó là suy nghĩ tự đáy lòng.
Sáu tháng đồn trú gian khổ ở các chốt heo hút giữa lưng trời, chịu nhiều thiệt thòi phía sau các vách núi biên cương cao như bức tường thành khổng lồ kia, vất vả lắm chứ. “Con người chứ có phải gỗ đá hay máy móc đâu!”, tôi bảo. Tiếng côn trùng rỉ rả, có lúc chúng nhất tề ồn lên như ai đó cất tiếng hát đến khan giọng, đến “gầy xác ve” cho cho khỏi cô đơn.
Không điện thắp sáng, xa nguồn nước, sóng điện thoại chập chờn, tay lái biên phòng lão luyện, ngày không mưa thì cũng phải mất 2 tiếng nhảy chồm chồm trên xe máy dã chiến mới về đến đồn. Mỗi tuần có khi gửi bà con xuống chợ mua đồ tiếp tế được một lần. Lúc đường xá cô lập thì mì tôm là món phổ biến nhất.
Tôi hỏi Hồ Văn U, một học viên trẻ măng người Vân Kiều (tỉnh Quảng Trị) của Học viện Biên phòng lên chốt “thực tập”. Cậu nói: “Điều cháu bất ngờ nhất là lên đây không có nước sinh hoạt, phải đi gùi rất xa. Không giống ở... trường. Mưa đến, ở núi cao chon von nhìn xuống vực, vậy mà chốt vẫn bị ngập lầy nhầy bùn”.
Mùa đông sương mù đặc quánh, nhiệm vụ tuần tra rất vất vả vì đường cực trơn, tầm nhìn giảm rất thấp. Lúc ấy, chăn bông, lều bạt ướt lép nhép. Chăn nặng như cục bông sũng nước. Mưa gõ bồm bộp đinh tai vào mái và vách lều dã chiến, không tài nào ngủ được. Mùa nóng thì… anh em tìm các gốc cây có bóng mát để trú ngụ. Chứ trong lều bạt, không có điện thì không ai chịu được đâu.
Ở chốt phòng dịch phía dưới, mưa ngập nước mênh mông như hồ câu, con chó của đồn mang ra mới được 1 tháng đã bị ốm nặng. Mõm chúi xuống bùn đất, bùn khô trắng toát, cứng quèo. Nó nằm thiêm thiếp, mắt nhắm tịt mấy ngày nay, chốc chốc cái mõm tưởng như là cục bùn khô của nó lại phát ra các chuỗi tiếng tru thảm thiết. Quân y đã tiêm thuốc, đã nấu cả trứng gà bón cho nó ăn. Song chắc là khó qua khỏi.
Thượng úy Hoàng Văn Sỳ, nhân viên Trinh sát cắm chốt đã mấy tháng ròng, rồi Hồ Văn U, ai cũng trả lời thẳng vào các câu hỏi về sự gian khó quá thể, song ai cũng lạc quan về những ngày tháng không thể nào quên này sẽ là hành trang quý giá cho sự nghiệp của mình.
Tiền hỗ trợ ăn uống cho cán bộ chiến sỹ chỉ 25.000 đồng/người/ngày giữa thời buổi gạo châu củi quế lại sống giữa mây mù chon von thế kia, chỉ ngần ấy thôi, đã đủ hiểu tất cả các cam khó mà các anh em đang hằng ngày phải vượt qua.
Chiều đến, tôi, Thiếu tá Nguyễn Duy Đông, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cô Ba cùng các chiến sỹ đi hái rau rừng, đi bẻ hoa chuối về nấu cơm.
Các sàn gỗ chon von mép vực làm mâm, làm thớt, làm sàn nấu nướng. Mấy quả chuối gác lên nhánh cây mục, quay ra đã thấy bướm đen bướm trắng dập dờn bay về bu kín. Mấy đàn quạ bay đen kịt một góc trời.
Phía bên kia, các bạn ở tổ chốt biên giới cũng hò nhau đi nấu cơm chiều. Chỉ cách nhau một hàng rào sắt. Con chó của chốt vẫn sang bên kia ăn trực cơm.
Suốt nhiều giờ đồng hồ căng mình bò trên các mép vực sâu, tiếng thác nước gào réo như các bức màn trắng hai bên đường đi, lúc ban ngày, lúc khuya khoắt ngã dúi dụi vào mép bùn nước lõng bõng, tôi đã không tin mình lành lặn trở về đến nơi ngủ trọ - đồn Cô Ba!
Lần đầu tiên đón một nhà báo vào thăm, cậu công an viên của xã Thượng Hà đang cắm chốt cùng các đồng chí biên phòng ở chốt 567 tỏ ra rất xúc động.
“Nếu ngại khó mà không chốt ở điểm này thì nguy hiểm lắm”. Các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép trong mùa dịch Covid-19 có nhiều thủ đoạn rất tinh vi, khó lường. Lúc mình chặn ở đây thì họ không qua, họ trốn lên các lối mòn hay cắt núi lớn kia mà luồn rừng bí mật. Đừng thấy vắng người mà chủ quan vì nếu mình “rút” là họ thông tin cho nhau và ào ra ngay.
Có hôm, núi rừng yên ắng, không thấy ai qua, nhưng “vòng ngoài” nghe tiếng xe máy gào rú. 9 chốt và 2 điểm tuần trao lưu động của đồn đã kịp thời chốt chặn ở các vị trí khác, phát hiện và xử lý những kẻ nhập cảnh trái phép đang bôn tẩu cắt núi, quyết trốn cách ly 14 ngày.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng kể: có người quê ở tít dưới xuôi, cách ly, giúp ăn ở khỏe mạnh xong, mua vé cho về tận bến xe Mỹ Đình dưới Hà Nội, liên lạc với tỉnh phía Nam đề nghị họ hỗ trợ bà con tỉnh họ "hồ hương" an toàn. Dạ dạ vâng vâng. Ít lâu sau lại thấy họ quay đầu lên đúng biên giới Cao Bằng để vượt biên tiếp!
Hỏi: Trong số rất nhiều “nhân vật” vượt biên, các anh nhớ nhất trường hợp nào? Cả mấy chiến sỹ, mấy lực lượng chốt chặn đều đồng thanh nhắc tới cái tên Già Thị Mẩy, người ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Sau khoảng vài giờ luồn núi, về đến huyện Bảo Lạc, chỉ đi qua thêm huyện Bảo Lâm là sang đến Mèo Vạc thôi. Già Thị Mẩy đi “làm ăn xa” rồi chắc là ăn ở như vợ chồng, có con với một người bên kia biên giới. Cùng có người kể, lúc đầu Mẩy bị bọn buôn người lừa bán, rồi có một ông phải lòng Mẩy đem về làm vợ...
Vừa rồi, đang lúc dịch nóng bỏng, bị kiểm tra giấy tờ gắt gao, vì vượt biên trái phép sang lưu trú vật vạ ở đó, Mẩy buộc phải… trốn về. Qua chốt của đồn Cô Ba thì Mẩy bị giữ lại, đưa về huyện cách ly đủ 14 ngày. Cán bộ còn trao đổi, mời phía huyện Mèo Vạc tiếp nhận, động viên không để Mẩy trốn đi tiếp.
Ai ngờ chỉ ít lâu sau, tuần tra lại bắt được Mẩy đang đi “thăm chồng”. “Lúc trước tao cãi nhau với nó mới bỏ về, giờ hết tức nó rồi, tao lại sang”. Cái lý của người Mông là thế, tuyên truyền vận động mãi về hiểm họa dịch bệnh, Mẩy mới thôi trốn đi.
Thiếu tá Trần Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cô Ba thì dở khóc dở cười với cái lý của mấy người Dao sống trên núi. Họ đi chặt mía thuê, ở bên kia biên giới dài ngày, lúc dịch dã hành hoành, phía bạn kiểm tra gắt gao, không ai thuê nữa nên bèn trốn về bằng đường nhập cảnh trái phép. Cán bộ xã, đồn vận động đi cách ly bắt buộc 14 ngày, hai bố con ông người Dao phản đối kịch liệt.
Đi lại mãi, báo cáo cả lãnh đạo huyện, lực lượng chức năng tính kế, mời ông ra xã rồi cưỡng chế đi cách ly, hoặc ít ra ông ta phải ký cam kết cách ly tại nhà. Kẻo nguy hiểm quá. Ông này (mà không chỉ ông này) mới xuống nước.
“Cho con ta đi cách ly cũng được, nể cán bộ lắm đấy. Nhưng phải trả nó 200.000 đồng một ngày “tiền lương” thì mới đồng ý được. Không thì thôi”.
Ông khác lại ra "tối hậu thư": Bây giờ mùa màng bận rộn, cái cán bộ đi tuyên truyền ta không có thời gian đi nghe. Nếu cách ly con trai ta vì nhập cảnh trái phép cũng được, nhưng mà chỉ đi cách ly buổi tối thôi nhé. Còn ban ngày cho về nhà để nó còn đi nương.
Một cán bộ ở chốt thở dài, nhiều bà con thậm chí còn hồn nhiên khoét cả hố rãnh xuyên qua phần chân móng của bức tường rào biên giới hai quốc gia để vận chuyển các bao tải đạm, xi măng hay ngô lúa sang bên kia. Cũng có người đòi mở khóa để đi thăm thân, vì xưa nay ta vẫn đi mà. Có người vượt biên rồi, bị bắt giữ, bảo ta ốm, đi lấy thuốc lá, cán bộ chặn không cho đi chữa trị, ta ăn lá độc chết cho mà xem.
Khi mà dịch Covid-19 đang hành hoành, đốt cháy tâm can đồng bào cả nước thì những"cái lý" kia quả là thêm một lần khiến cán bộ chiến sỹ biên phòng chỉ biết "dở khóc dở cười".
(Còn nữa)