LTS: Thực tế tại nhiều địa phương ở vùng ven đô, ngoại thành Hà Nội cho thấy, nếu đảng viên phát huy vai trò "đầu tàu" thì ở đó kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, công tác xây dựng Đảng... đạt nhiều kết quả tốt. Theo đó, PV NTNN/Dân Việt thực hiện loạt bài viết về những bí thư chi bộ gương mẫu ở một số vùng ngoại thành ven đô Hà Nội tiên phong cho phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế có hiệu quả cao, đồng thời luôn xây dựng, ươm mầm những Đảng viên, những công dân "điển hình tiên tiến" của địa phương. Họ cũng là những cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, khiến cho dân ngày càng tin vào Đảng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tin vào các Đảng viên.
Xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội – vùng quê truyền thống cách mạng, là Chi bộ Cộng sản đầu tiên vùng ngoại thành Hà Nội ngày nay đã "thay da đổi thịt" nhờ có hàng loạt mô hình trang trại kinh tế trong việc chuyển đổi, kết hợp nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả và dịch vụ du lịch sinh thái. Trong đó, điển hình là những bí thư chi bộ, cán bộ của xã Đông Mỹ là những người tiên phong nhờ đó hàng loạt trang trại kinh tế ra đời giúp đời sống của nhân dân trong xã ngày càng khởi sắc.
Những ngày đầu tháng 8/2020, tiếp chúng tôi tại Trụ sở UBND phường Đông Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội), ông Lê Mạnh Chiến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đông Mỹ không giấu được vẻ tự hào khi giới thiệu về "Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội".
Clip: Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ Lê Mạnh Chiến: "Chúng tôi cũng luôn động viên cán bộ trong xã phát huy truyền thống lịch sử của quê hương".
Thành lập tháng 5/1930, Chi bộ hoạt động theo sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, xây dựng cơ sở hoạt động của T.Ư Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ. Đây là chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Hà Đông trước đây, cũng là chi bộ ở nông thôn sớm nhất trong Đảng bộ TP.Hà Nội ngày nay.
Theo Bí thư Đảng ủy Lê Mạnh Chiến, Đông Mỹ ngày nay có diện tích 273 ha, trong những năm qua, xã luôn đi đầu trong phát triển nông thôn mới và được chọn là đơn vị điểm của huyện Thanh Trì trong phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2014, TP.Hà Nội đã công nhận Đông Mỹ trở thành xã nông thôn mới.
Dạo quanh xã, một bức tranh nông thôn mới ở Đông Mỹ đã thay đổi rõ nét với nhiều gam màu tươi mới được vẽ lên bởi các thế hệ. Đường làng, ngõ xóm đều được bê tông hóa gần như toàn bộ; những tuyến đường chính rộng thênh thang rợp bóng cây hai bên đường; các công trình phúc lợi được sửa chữa, xây mới khang trang phục vụ cho đời sống nhân dân.
Khu trang trại 110ha được chuyển đổi từ năm 2000 là vùng đồng trũng với ao, hồ, nay đã trở thành "nơi làm giàu" của nhân dân bởi những mô hình nuôi trồng thủy sản. Nhờ bước chuyển biến mạnh mẽ trong làm kinh tế đã đưa thu nhập bình quân đạt gần 55 triệu đồng/người/năm.
Với những đóng góp lớn lao, Đảng bộ và Nhân dân xã Đông Mỹ vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ chống pháp và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Từ Chi bộ đầu tiên của vùng ngoại thành với 6 đảng viên, đến nay Đảng bộ đã có 12 Chi bộ với gần 500 đảng viên đang sinh hoạt.
"Về cơ bản các đảng viên đoàn kết, thống nhất. Các cấp ủy chi bộ hoạt động rất năng nổ, hiệu quả. Có rất nhiều tấm gương Bí thư chi bộ như đồng chí Bí thư chi bộ 4 vừa công tác vừa phát triển kinh tế, nuôi trồng thủy sản; đồng chí Phó chủ tịch Hội Nông dân, Phó bí thư Đoàn Thanh niên; hay như đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cũng tham gia hoạt động phát triển kinh tế ở địa phương và là những tấm gương điển hình của xã về vừa làm công tác xã hội vừa phát triển kinh tế trên địa bàn", ông Chiến hồ hởi giới thiệu.
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng mô hình phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản của gia đình, ông Nguyễn Văn Phương – Bí thư Chi bộ thôn 4 giới thiệu, trước năm 1997, toàn bộ đất khu vực này là đất cấy lúa nhưng điều kiện không thuận lợi, hay bị mất mùa. Sau khi dồn điền đổi thửa và thực hiện nuôi trồng thủy sản, gia đình ông đã vận động bà con cho thuê lại đất, đào ao bắt đầu nuôi tôm càng xanh.
Đến năm 2005, nhận thấy thị trường tôm càng xanh ít mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình ông Phương bắt đầu chuyển sang mô hình trang trại nuôi cá kết hợp trồng cây ăn quả. Và, từ đây, đời sống kinh tế của gia đình "phất" lên trông thấy.
Với gần 1 ha đất trồng cây ăn quả và nuôi cá mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khoảng 250-300 triệu/năm, trừ các chi phí mỗi năm gia đình ông cũng dành dụm được khoảng 70-80 triệu đồng. Từ đây, ông bắt đầu giới thiệu mô hình nuôi trồng thủy sản của mình và nhân rộng ra trên địa bàn thôn, xã.
Clip: Bí thư Chi bộ điển hình ở xã Đông Mỹ tiên phong làm kinh tế.
Với những đóng góp cho địa phương, gia đình ông đã vinh dự được Hội Nông dân huyện Thanh Trì tặng giấy khen tuyên dương hộ gia đình tiêu biểu phát triển kinh tế. Năm 2017, một ngôi nhà 4 tầng khang trang đã được ông xây dựng trên mảnh đất của cha ông để lại, ông cũng đã "dựng vợ" cho người con trai cả, còn con trai thứ đang chuẩn bị tốt nghiệp năm cuối đại học. "Cũng nhờ chuyển sang mô hình nuôi cá và trồng cây ăn quả gia đình tôi mới lo được việc học hành cho các con cũng như trang trải trong cuộc sống hàng ngày không phải cơ cực…", ông Phương bộc bạch.
Ông Phương, trước khi được nhân dân trong thôn 4 tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ đầu năm 2020, người đàn ông sinh năm 1972 này có hơn 20 năm làm công an xã với 19 năm làm Phó Trưởng Công an xã Đông Mỹ. Công việc thường xuyên phải xuống cơ sở nắm bắt tình hình trong nhân dân, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội. Bởi vậy, mọi tâm tư, nguyện vọng của người dân, ông Phương dường như đều tường tỏ... khi được bầu làm Bí thư chi bộ thôn, ông luôn tâm niệm mình phải làm với tinh thần trách nhiệm và cái tâm cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Ông bảo, thôn 4 là địa bàn khó khăn nhất trong xã, vì nằm xa trung tâm xã; do chưa thể đưa được nguồn nước từ sông Hồng vào phục vụ công tác nuôi trồng thủy sản nên bà con còn gặp nhiều khó khăn…điều này khiến ông trăn trở rất nhiều.
Ngoài ông Phương, tại xã Đông Mỹ, nhiều cán bộ trẻ, ngoài tham gia công tác của Đảng ủy, HĐND, UBND xã cũng cùng gia đình phát triển mô hình trang trại kết hợp trồng cây ăn quả, điển hình như Phạm Ngọc Dũng – Phó bí thư Đoàn Thanh niên, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Đông Mỹ.
Xuất thân trong một gia đình thuần nông, năm 2013 gia đình Dũng mạnh dạn chuyển đổi hơn 5.000m2 từ đất cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang mô hình nuôi trồng thủy sản là trồng cây ăn quả và đào ao nuôi cá.
"Từ khi chuyển sang mô hình này, đời sống kinh tế của gia đình tôi được cải thiện hơn trước rất nhiều, hàng năm tổng thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 150-200 triệu đồng/năm. Từ khoản thu nhập này, tôi cũng chia sẻ, giúp đỡ các hội viên trên địa bàn xã chuyển đổi được 1 số mô hình cải thiện đời sống tốt hơn so với trước đây…", anh Dũng nói và cho biết, "hiện tại trên địa bàn có vài chục người trẻ đang tham gia chuyển đổi mô hình trang trại kết hợp trồng cây ăn quả mang lại nguồn thu nhập ổn định".
Bí thư Đảng ủy xã Đông Mỹ Lê Mạnh Chiến cho hay, hàng năm, chính quyền địa phương giao cho các ban ngành đoàn thể phối hợp với các thôn kết hợp với các ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển nông thôn tạo điều kiện để bà con vay vốn, phát triển kinh tế trên địa bàn.
Clip: Cán bộ điển hình ở xã Đông Mỹ tiên phong làm kinh tế.
Đồng thời phối hợp với phòng kinh tế của huyện thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng tôm càng xanh, hàng năm Hội nông dân cũng thường xuyên phối hợp với huyện thực hiện các mô hình, nếu mô hình nào mang lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
"Đông Mỹ cũng tự hào là chi bộ đầu tiên của vùng ngoại thành Hà Nội, với bề dày lịch sử cách mạng như vậy chúng tôi cũng luôn động viên cán bộ trong xã phát huy truyền thống lịch sử của quê hương thi đua phát triển kinh tế, xây dựng xã văn hóa để xứng đáng với truyền thống lịch sử bề dày cách mạng của xã Đông Mỹ", ông Chiến nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường khẳng định: Đông Mỹ là đơn vị lá cờ đầu của huyện trong phong trào làm kinh tế. Năm 2014 Đông Mỹ là xã đầu tiên của huyện được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Những thành tựu của Đảng bộ, nhân dân xã Đông Mỹ có được ngày nay là chặng đường từ khi có Đảng lãnh đạo, là tiền đề, cơ sở để Đảng bộ và Nhân dân nơi đây tiếp tục thực hiện tốt công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng quê hương thành vùng quê có môi trường thiên nhiên, xã hội hài hòa, trong lành, giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, vững về an ninh - quốc phòng, góp phần xứng đáng vào thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.