Bài 3: Giữ gìn hồn cốt, "ngọn lửa" truyền thống của làng quê Việt

Thanh Hà (thực hiện) Chủ nhật, ngày 09/08/2020 13:00 PM (GMT+7)
“Cách giữ gìn càng trân trọng bao nhiêu thì “ngọn lửa” truyền thống của làng càng “bùng cháy” lên, con cháu nhìn đấy để thấy cha ông đã bảo vệ bản sắc làng mình như thế nào, để rồi sẽ tiếp nối việc gìn giữ bảo vệ đó", TS Trần Hữu Sơn - nguyên Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian VN chia sẻ với Báo NTNN.
Bình luận 0

Từ người nông dân thuần tuý sang người nông dân nghệ sĩ

Gần đây nhiều làng quê ở Hà Nội đã ý thức gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống tốt, ví dụ ở Đan Phượng, Phú Xuyên, Gia Lâm, những người nông dân đã tham gia vẽ những bức hoạ dọc con đường làng, tạo nên một không gian nghệ thuật. Họ được ví là "hoạ sĩ chân đất" làm nên vẻ đẹp của làng quê. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

- Trước đây việc đóng góp cho cộng đồng như chạm khắc ở đình làng, cổng làng… đã có từ rất lâu, tất nhiên những người chạm khác đó cũng gần như là những người chuyên nghiệp. Vài năm trở lại đây, khi thực hiện nếp sống văn minh, nông thôn mới, giữ gìn truyền thống làng quê Việt Nam, một vài làng quê đã vẽ những bức tranh trên những trục đường chính. Trước hết tôi cho đó là sự tham gia nhiệt tình của người nông dân và sự đóng góp của họ mang nhiều ý nghĩa và giá trị, đặc biệt tạo dựng không gian sống xanh - sạch - đẹp ấn tượng tại làng quê.

Giữ gìn hồn cốt, ngọn lửa của làng quê Việt - Ảnh 1.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn – nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.

Ở Đan Phượng là những bức vẽ với ao sen xanh ngăn ngắt chạy dài xen lẫn những bông sen đang nở rộ khoe sắc, những câu chuyện ngộ nghĩnh, những hàng cây xanh mát… khiến cả con đường mang màu sắc rực rỡ, bắt mắt và rất đẹp.

Hay như tại thôn Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) là những bức hoạ với cánh đồng lúa chín vàng chạy dài hút mắt, bên cạnh những bức vẽ đặc tả cảnh làng quê gắn liền với nông nghiệp, cảnh sinh hoạt cộng đồng tại Bắc Bộ, tạo nên không gian làng quê thanh bình, yên ả.

Tôi nghĩ đây là sự sáng tạo của những người nông dân, họ đã tạo nên một sắc thái, thông điệp về việc gìn giữ văn hoá truyền thống, sắc thái riêng của chính làng quê của mình. Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý tới các địa phương là nên có sự định hướng để những hoạ sĩ "chân đất" đó khi vẽ sẽ tạo được đặc sắc, nét văn hoá đặc trưng riêng của làng quê mình, để khi du khách, người làng khác đến làng mình sẽ trầm trồ và nhận ra đây là văn hoá của làng đó.

Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của những người nông dân này?

- Tôi đánh giá cao sự đóng góp của họ với cộng đồng. Sự sáng tạo đó là rất quan trọng, thậm chí rất đáng để nêu gương cho các làng khác. Người nông dân nói riêng và người Việt Nam nói chung đều có tư duy, thẩm mỹ tốt, luôn có tố chất sáng tạo. Những hoạt động cộng đồng như vậy là nơi để người nông dân được thoả sức sáng tạo, được làm những điều mình thích về nghệ thuật.

Người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, thì bây giờ có thời gian để họ thư giãn, để thể hiện khao khát nghệ thuật của họ. Đó là điều đáng mừng từ người nông dân thuần tuý sang người nông dân nghệ sĩ. Ban đầu làm ra củ sắn, củ khoai, cấy lúa, hạt gạo… thì giờ đây họ tạo nên những bức hoạ, những tác phẩm nghệ thuật, để từ những tác phẩm này họ có thể nói được những khát khao nghệ thuật, phản ánh đời sống của chính họ, làng quê của họ. Tôi cho đó là điều đáng mừng và nên khích lệ.

Giữ gìn hồn cốt, ngọn lửa của làng quê Việt - Ảnh 2.

Những người nông dân Sài Sơn trên sân khấu vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ".

Như ông chia sẻ, người nông dân nên có ý thức trong việc gìn giữ văn hoá truyền thống, đặc biệt là nét đặc trưng văn hoá riêng của làng mình. Gần đây, tại thôn Đa Phúc, (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có vở diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" với sự tham gia của hàng trăm nông dân. Ông nghĩ gì về việc những người nông dân thuần tuý bước lên sân khấu mỗi đêm, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống làng quê theo cách khá mới mẻ và đặc biệt này?

- Tôi nghĩ đó là vinh dự cho những người nông dân ở đây. Họ những người đã ý thức gìn giữ nét văn hoá truyền thống với việc phát triển kinh tế xã hội. Ban ngày họ là những người nông dân, chỉ biết tới cái cày, cái bừa hay đồng ruộng, nhưng đêm xuống họ trở thành những nghệ sĩ không chuyên, họ được sống với khát khao nghệ thuật của họ. Họ được tham gia gìn giữ nét văn hoá của chính làng họ. Đó là niềm tự hào đối với họ, đồng thời cũng một cách để họ có thêm thu nhập, kiếm thêm kinh tế về cho chính gia đình mình.

Tuy nhiên, một điều tôi muốn nêu thêm trong việc gìn giữ văn hoá truyền thống của làng quê, đó là nên bắt đầu từ những việc nhỏ, từ câu nói, lời thưa, câu chuyện… Tất cả những ứng xử tuy nho nhỏ đó nhưng mang dáng dấp của làng, và nếp sống của làng được trân trọng, phát huy trong xã hội chuyển đổi bây giờ.

Gìn giữ hồn cốt, ngọn lửa của làng quê Việt

Ngoài những người nông dân được ví như là "hoạ sĩ chân đất" tạo nên không gian nghệ thuật cho làng quê thì một số người luôn tâm huyết muốn lưu giữ những nét văn hoá truyền thống, di sản văn hoá phi vật thể như hát Xoan, hát Dô, Ca trù… Vậy ông đánh giá như thế nào về những người nông dân này?

- Tôi cho họ là những người có tầm nhìn xa, trông rộng chứ không phải là những người bảo thủ. Tôi cho đó là một điều rất hay, nên làm. Ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc họ luôn ý thức giữ gìn và quý trọng di sản của cha ông, những gì thuộc về di sản họ đều giữ lại.

Ở Việt Nam nhiều làng quê cũng vẫn giữ được những di sản của cha ông để lại. Những di sản đó được giữ lại thì có nghĩa là hồn cốt của làng, "ngọn lửa" truyền thống của ngôi làng vẫn còn được lưu giữ. Tất cả những điều đó tôi cho là bản sắc của làng, văn hoá của làng sẽ mãi trường tồn. Cách giữ gìn càng trân trọng bao nhiêu thì "ngọn lửa" truyền thống của làng càng "bùng cháy" lên, và con cháu nhìn đấy để thấy cha ông mình đã bảo vệ bản sắc làng mình như thế nào. Để rồi chính con cháu sẽ tiếp nối việc gìn giữ bảo vệ đó. Tôi cho đấy sẽ là một làng văn hiến, phải như vậy để chúng ta không lo bị mất bản sắc, mất văn hoá.

Giữ gìn hồn cốt, ngọn lửa của làng quê Việt - Ảnh 3.

Làng Cổ Đô (huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) duy trì lớp học vẽ miễn phí cho thiếu nhi hàng chục năm qua.

Nhắc đến việc gìn giữ truyền thống văn hóa làng quê bắt đầu từ những ứng xử, câu chuyện nhỏ, bằng việc gìn giữ nét đặc sắc văn hoá riêng của làng, thì gần đây một vài làng vì nóng vội muốn phát triển kinh tế đã để xây dựng tự phát, biến kiến trúc làng quê trở nên méo mó, lôm nhôm, mỗi nhà xây một kiểu. Đình làng, giếng nướccũng bị phá bỏ, làng quê bị bêtông hoá. Ông nghĩ sao về những điều này?

- Tôi cho đây thực sự là vấn đề lớn, quan trọng. Thời kỳ đương nhiệm Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai, tôi có ước mơ khi về hưu sẽ được làm trưởng thôn. Với nhiệm vụ của người trưởng thôn nghĩ làm sao quy hoạch đường làng, ngõ xóm được rộng hơn. Các ngôi nhà phải được quy hoạch có vườn, tạo được khoảng cách, không gian với những ngôi nhà khác. Đặc biệt không gian công cộng như đình làng, giếng làng, miếu… phải được xây dựng, quy hoạch thật thoáng rộng, chứ không nên san sát nhà như ở thành phố.

Tôi nghĩ chúng ta cần quy hoạch nông thôn giống như quy hoạch thành phố, cần phải được coi trọng.

Ngoài ra, theo tôi chúng ta cần có kế hoạch giữ lại những ngôi nhà cổ hay những ngôi nhà thập niên 60-70 của thế kỷ trước, những ngôi nhà một gian hai chái, ba gian hai chái luôn gắn với vườn, một không gian thoáng, đằng trước có cây cau, đằng sau có cây khế giống như ở Đường Lâm. Những ngôi nhà như vậy không chỉ thể hiện bản sắc, kiến trúc của làng, mà còn thể hiện tầm nhìn xa, trí tuệ của làng đó khi lưu giữ những giá trị cổ, lịch sử. Đồng thời các ngôi nhà cổ đó cũng là nơi để thu hút khách du lịch, cũng là một trong những cách để phát triển kinh tế của làng.

Theo ông, có giải pháp nào cho bản tồn văn hoá truyền thống tại làng quê?

- Tôi nghĩ để bảo tồn di sản văn hoá chúng ta phải nghiên cứu thiết chế của làng, trong truyền thống hàng nghìn năm, họ bảo vệ như thế nào, và sức mạnh bảo vệ đó đã chống chọi được cả thời Bắc thuộc như thế nào, để đến hôm nay ta vẫn còn giữ được. Chúng ta nghiên cứu sau đó mới ứng dụng xã hội hiện đại hôm nay như thế sẽ hiệu quả hơn.

Tôi ví dụ trong thiết chế của làng xã, dù ở Tây Nguyên, Tây Bắc, hay làng Việt cổ truyền, trong cơ cấu làng xã bao giờ cũng có 3 lớp hạt nhân. Đó là ông trưởng làng hay còn gọi là ông trưởng thôn, người già hay còn gọi là già làng và phiên họp của cả làng. Mỗi một trưởng thôn điều hành làng nhưng đều phải hỏi người già, nhất là về mặt phong tục tập quán. Những người già đó được thể chế hoá bằng vị trí Mặt trận Tổ quốc, Bí thư Chi bộ… Đó là những người mang định hướng cho trưởng thôn thực hiện.

Điều thứ hai trong điều hành làng, hiện nay ngoài việc chúng ta đều thông qua pháp luật, chủ trương, chính sách, còn có một mạch ngầm là thông qua hương ước, thể chế, chuẩn mực, phong tục của làng. Tôi ví dụ Tết thì họp họ ra sao, hội đồng hương, khuyến học, tiệc cưới thế nào… Rồi không gian công cộng được bảo vệ ra sao, như đình làng, giếng làng, cổng làng, thậm chí nghĩa địa để ở đâu. Hay như cách bố trí dân cư trong làng cũng rất đặc biệt. Ví dụ người có vị trí như thế nào thì sẽ được ở gần trung tâm làng, còn với những người ngụ cư đến làng ở thì luôn được sắp xếp ở hướng tây, ở rìa làng chứ không được ở trong làng, thậm chí ở trại cánh đồng.

Toàn bộ thể chế để quản lý, điều hành làng được thông qua các cuộc họp, thông qua các nhóm hội phụ lão, câu lạc bộ của người già, chứ không chỉ có bài học chi bộ, đoàn thể phụ nữ. Và những tổ chức phi quân phương đó rất quan trọng, tạo xen cách quản lý văn hoá, lựa chọn những gì cần bảo tồn, ví dụ như họ sẽ lựa chọn đình làng, giếng, cổng làng, nhà cổ, ngõ, kiến trúc… và di sản văn hoá phi vật thể.

Xin cảm ơn Tiến sĩ Trần Hữu Sơn!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem