Dân Việt

Vì sao nói: Nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam mới chỉ là manh nha?

Nguyễn Vy 11/08/2020 06:00 GMT+7
* Bài 1: Không thiết tha với nông nghiệp hữu cơ vì dễ... uổng công.

LTS: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đứng trước muôn vàn thách thức từ thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp trong quy trình giám sát cho đến nhận thức của người dùng. NNHC muốn phát triển phải phụ thuộc nhiều yếu tố, trên hết là đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Với vai trò là tổ chức vận động, tập hợp và bảo vệ lợi ích của nông dân, Hội Nông dân nhiều năm qua đã trở thành cầu nối cần thiết để thúc đẩy sản xuất hữu cơ phát triển.

Sản xuất hữu cơ không chỉ đảm bảo quy trình khắc khe mà chi phí đầu tư rất lớn. Đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sản xuất hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết.

Nhờ thương lái tiêu thụ bưởi sạch

“Điểm tựa” cho nông nghiệp hữu cơ bứt phá - Ảnh 1.

Đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân tham quan mô hình sản xuất hữu cơ của ông Lầu Sỹ Nịp. Ảnh: P.V

"Vì thế, nhận thức và tính kiên trì của những người nông dân sản xuất hữu cơ chưa cao, chưa thật sự quyết tâm làm hữu cơ".

Bà Đào Thị Lanh

Nói đến người trồng bưởi da xanh đầu tiên và thành công nhất trên địa bàn tỉnh Bình Phước phải kể đến ông Lầu Sỹ Nịp (ngụ xã Long Bình, Phú Riềng). Từ 1ha trồng thử nghiệm năm 2005, đến nay, diện tích bưởi da xanh của ông được mở rộng đến 40ha.

Theo ông Nịp, trái cây ở miền Đông từ lâu nổi tiếng bởi chất lượng nên ngay cả các thương lái dưới miền Tây cũng rất chuộng. Từ 2 năm nay, ông Nịp đã chuyển đổi 2/3 diện tích vườn từ tiêu chuẩn VietGAP lên mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.

Với năng suất toàn vườn lên đến 400-500 tấn/năm, ông Nịp thu về tiền tỷ mỗi năm là bình thường. Tuy nhiên để khuyến khích nông dân khác tham gia theo mô hình, ông Nịp đề nghị phải suy tính kỹ từ vốn tới kỹ thuật để khỏi rơi vào cảnh thua lỗ.

Thực tế, sản xuất sạch giúp đảm bảo vườn cây phát triển bền vững. Nhưng để đạt năng suất 40 tấn/ha là cả một quá trình khó nhọc. Chưa kể, chính trái bưởi hữu cơ của ông vẫn đang phải bán theo giá thị trường.

“Điểm tựa” cho nông nghiệp hữu cơ bứt phá - Ảnh 3.

Ông Lầu Sỹ Nịp bên vườn bưởi da xanh của mình. Ảnh: Nguyễn Vy

"Người dùng và thương lái vẫn còn lẫn lộn giữa bưởi sạch với bưởi không sạch, bưởi hữu cơ với bưởi không hữu cơ. So với bưởi thường, giá bán bưởi hữu cơ vẫn không hơn là bao"- ông Nịp nói. Với số lượng thu hoạch hiện nay của ông Nịp, đã có 1 số ít vào được siêu thị. Phần lớn còn lại thường đi thẳng xuống Bến Tre. Ông Nịp kể, tại khu vực của mình chỉ mới có vài ba hộ trồng đơn lẻ. Bình quân, 20 tấn bưởi thu hoạch mới tuyển được 2-3 tấn hàng tuyển, phần còn lại phải nhở thương lái tiêu thụ trong nội địa.

Đây cũng là thực tế đang diễn ra với nhiều loại trái cây sạch khác ở Bình Phước. Hiện nhiều loại trái cây của tỉnh đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP nhưng chủ yếu vẫn bán cho thương lái hoặc trộn lẫn với trái cây ở nơi khác. Đó cũng là nguyên nhân khiến bưởi da xanh Bình Phước nổi tiếng về chất lượng nhưng đến nay vẫn chưa được thị trường nhận diện thương hiệu.

Khó thu hút

Ông Võ Thành Dũng - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Trường Thịnh (TP.HCM) cho biết, làm NNHC thì người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ. Khâu phòng trừ dịch hại phải làm thủ công hoặc bằng thuốc sinh học nên mất nhiều công sức và khó thực hiện trên diện rộng.

Cũng vì sản xuất bằng biện pháp thủ công nên công suất lao động nhiều, giá thành sản phẩm hữu cơ cao gấp 2-3 lần bình thường. Việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ gặp nhiều khó khăn vì người tiêu dùng không nhận biết được đâu là sản phẩm hữu cơ, đâu là sản phẩm thường.

Hiện nay, để sản xuất hữu cơ thì nông dân phải xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới... "Việc đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn do phần lớn đất sản xuất của nông dân là đất nông nghiệp nên không thể tiến hành xây dựng được"- ông Dũng kể.

Ông Ngô Thanh Tuyền - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An thừa nhận, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ đã được chú trọng từ lâu nhưng việc duy trì gặp nhiều khó khăn. Do chi phí đầu tư quá lớn nhưng giá thành chưa có sự khác biệt nên khó khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư NNHC.

Nhiều nông sản hiện nay vẫn xuất sang thị trường dễ tính nên nông dân còn chủ quan trong việc áp dụng quy trình sản xuất tốt. Như mặt hàng thanh long hiện nay chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Thị trường Nhật Bản và châu Âu chỉ cần vài chục ha và không thường xuyên nên khó tạo động lực chuyển đổi phương thức sản xuất.

Bà Đào Thị Lanh - Chủ tịch Hội ND Bình Phước đánh giá, NNHC đang dần là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp thế giới. Thế nhưng ở Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng, NNHC chỉ mới bắt đầu manh nha.

Để sản xuất NNHC đòi hỏi chi phí bỏ ra phải cao hơn sản xuất thông thường nhưng năng suất ban đầu lại thấp hơn. Vấn đề mấu chốt là khác biệt về thu nhập của sản xuất hữu cơ và sản xuất thông thường không rõ ràng.