Ý tưởng… trở thành bác sĩ cứu cho dân làng
Đến thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh thì hầu như ai cũng biết về bác sĩ Mấu Văn Phi, bởi đôi chân của ông đi khắp các buôn làng, quanh các đồi núi để thực hiện công tác khám, tư vấn, chữa bệnh miễn phí cho những người nghèo. Không những thế, ông còn tuyên truyền cho người dân bỏ những phong tục lạc hậu trước đây.
Bác sĩ Mấu Văn Phi tâm sự: "Tôi là con trai đầu trong gia đình có 5 anh em. Bố tôi mất sớm, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu. Mẹ tôi muốn cho tôi nghỉ học để đi làm rẫy phụ nuôi em. Tôi rất thương mẹ, thương em nhưng không thể nào bỏ giấc mơ trở thành bác sĩ. Vào thời điểm ấy, tôi tận mắt chứng kiến lần lượt nhiều trẻ em, người già ra đi vì những căn bệnh rất đơn giản; nhìn thấy mà xót xa. Tôi nung nấu ý chí phải chăm học để trở thành một bác sĩ cứu chữa người dân địa phương.
Để thực hiện ước mơ đó, hàng ngày tôi chăm chỉ học tập. Đến năm 1997, tôi tốt nghiệp trường Đại học Y Tây Nguyên. Sau đó, tôi tiếp tục ra Huế học chuyên sâu khoa 1 Nội Nhi. Trở về địa phương, tôi được nhận vào công tác tại Trung tâm y tế huyện Khánh Vĩnh. Sau đó, tôi chuyển sang làm Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Bí thư Huyện ủy. Dù có công tác ở vị trí nào, tôi vẫn dành tình cảm đặc biệt cho người dân nghèo".
Chữa trị miễn phí cho hàng ngàn người nghèo
Ngay những ngày mới đi làm việc, ông Phi quyết thực hiện ước mơ chữa bệnh cho người nghèo khó. Ông bị vợ phản đối, bởi lương lúc ấy không đủ nuôi vợ con. Sau thấy công việc này có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng nên vợ ông đồng thuận ủng hộ.
Cứ sau những giờ hành chính hoặc ngày nghỉ, ông Phi lại lặng lẽ rong ruổi về các xã để khám, tư vấn, chữa bệnh cho bà con. Những đồng tiền ăn sáng và tiết kiệm hàng ngày, ông dùng để đổ xăng đi khám chữa bệnh cho bà con. Công việc của ông không kể trời nắng, trời mưa, bất kể thời gian mỗi khi bà con trực tiếp điện thoại hoặc nghe thông tin là bác sĩ Phi nhanh chân tìm đến nơi. Mỗi tháng, ông khám, tư vấn, chữa trị từ 150 - 300 trường hợp.
Theo ông Phi, cuộc đời mang cho ông rất nhiều niềm vui: Kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 15 tuổi; Trúng tuyển vào trường Đại học Y Tây Nguyên. Đặc biệt là được tận tay chăm sóc những người bệnh và hướng dẫn người dân bỏ các phong tục lạc hậu, khi có bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám, chữa trị.
Bà Cao Thị Cà Thánh (thôn Chà Liên, xã Liêng Sang) kể: "Trước đây, tôi cùng chồng đi làm rẫy để kiếm tiền nuôi con cái. Thu nhập của gia đình bấp bênh, lại thuộc hộ nghèo của địa phương. Năm 2016, bệnh tật ập đến khiến tinh thần tôi bị suy sụp hoàn toàn, sức khỏe yếu ớt, bụng chướng, đầy hơi,… Lúc đó tôi chỉ còn 38kg. Rất may mắn tôi được bác sĩ Phi tư vấn, khám miễn phí và hỗ trợ thuốc nên đến nay bệnh đã giảm trên 90%. Hiện tại, sức khỏe đã ổn định, đã tăng lên 42kg và có thể làm việc nội trợ. Nhân đây, tôi chân thành cảm ơn bác sĩ đã tận tình giúp đỡ trong thời gian qua. Mặc dù con đường từ nhà bác sĩ lên đây khá xa, nhưng tôi gọi là bác sĩ Phi có mặt kịp thời".
Cụ Mang Liên (90 tuổi, trú cùng địa phương) vui mừng cho hay: "Lúc trước, cả hai chân của tôi có triệu chứng ngứa, đau, xưng to, khi màng đêm buông xuống là trằn trọc không ngủ được, nhiều tháng phải nằm một chỗ. Mọi người vận động đi khám, tuy nhiên tôi không chịu ra viện vì nghĩ tuổi già không cần điều trị. Bệnh tình của tôi diễn biến ngày càng xấu nguy cơ phải cắt đôi chân. Mọi người trong làng thông tin về vị bác sĩ Phi khám, điều trị rất hiệu quả nên tôi đến để ông chữa trị. Chỉ một tháng sau, bệnh đã khỏi hẳn. Bác sĩ Phi được dân gọi là thần y của buôn làng".