Dân Việt

Chuyện lạ Ninh Thuận: Cứu sống vườn dâu tây chỉ bằng 1 lon sữa uống dở vứt đi của đứa cháu

Phan Bình 10/08/2020 13:49 GMT+7
Chuyện cho dâu tây uống sữa tươi nghe có vẻ kỳ lạ nhưng lại mang đến những thành quả bất ngờ. Đến thăm vườn dâu sạch Trúc Hương của bà Võ Thị Hương (57 tuổi) là nông dân ở thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) áp dụng mô hình chăm sóc rất lạ: cho cây dâu tây “uống sữa”

Vườn dâu sạch được uống sữa mang tên Trúc Hương của bà Võ Thị Hương (57 tuổi) ở thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) gần đây đang thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Chuyện lạ Ninh Thuận: Cứu cả vườn dâu tây chỉ bằng 1 lon sữa uổng dở vứt đi của đứa cháu - Ảnh 1.

Bà Võ Thị Hương, thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) chủ vườn dâu sạch được uống sữa mang tên Trúc Hương chăm sóc vườn dâu tây.

Những ngày này, gia đình bà Hương vẫn đang tất bật thu hoạch dâu tây bán cho du khách. Bà Hương là hộ dân trồng dâu tây đầu tiên trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. 

Bà Hương cho biết đầu năm 2019, vợ chồng xây dựng một nhà kính trên diện tích 600 m2, dự tính để sản xuất các loại rau sạch. Tuy nhiên, sau khi đi tham khảo mô hình trồng dâu tây ở các tỉnh Lâm Đồng, Tây Ninh..., gia đình bà quyết định mua giống về trồng thử ở vùng đất nắng Ninh Thuận, với suy nghĩ nếu có thất bại thì mất tiền giống, còn nhà kính thì vẫn còn đó. 

Bà Võ Thị Hương, chủ vườn dâu sạch Trúc Hương, chia sẻ: Ninh Thuận mình có cây nho, cây táo được trồng nhiều rồi, nên tôi lên Đà Lạt thì thấy họ làm giàu bằng cây dâu, về tôi làm theo xem có phát triển được không. Nếu thành công thì mở ra hướng đi mới cho nông dân trong vùng.

Theo bà Hương, sau khi ươm được 200 chậu cây dâu tây và đưa vào nhà kính để chăm sóc theo đúng quy trình, kỹ thuật được hướng dẫn nhưng cây dâu không phát triển, lá có chiều hướng bị úa vàng. Đang trong tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, tình cờ bà nhặt được hộp sữa uống còn dư của đứa cháu ngoại vứt bỏ, bà thấy tiếc nên tưới vào cây dâu. 

Thật bất ngờ, sáng hôm sau cây dâu trở nên tươi tốt lại, nhưng khi quan sát kỹ thì thấy rất nhiều kiến bò dưới gốc cây do có vị sữa, bà Hương sợ kiến ăn mất rễ cây, nên nảy ra ý tưởng lên men sữa tươi rồi tưới cho cây dâu. 

Từ hôm đó, bà tìm mua sữa tươi hết hạn sử dụng với giá rẻ về ủ lên men và tưới cho cây dâu đều đặn mỗi tuần 1 lần. Thật kỳ diệu, với khí hậu nắng nóng như Ninh Thuận nhưng cây dâu vẫn phát triển xanh tốt, rồi ra hoa đậu quả. 

Quả dâu chín có vỏ căng bóng, ăn ngọt và có vị thơm của sữa rất thu hút, một đặc điểm rất nổi bật khác là dâu tây canh tác không theo mùa vụ, thu hoạch được quanh năm, khi hái hết quả này thì tiếp tục ra hoa và quả khác, không bị ngắt lứa. 

Nhận thấy việc trồng dâu tây cho “uống sữa” đạt năng suất cao lại nhàn hơn trồng các loại cây ăn quả khác, gia đình bà Hương tiếp tục nhân rộng mô hình cho dâu “uống sữa” thêm diện tích 2.000 m2 và được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng con đường đến trang trại để phục vụ du khách đến tham quan, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế và thu hút du lịch tại tỉnh nhà

Hiện tại vườn dâu tây của bà Hương có hơn 4.000 chậu đang được chăm sóc theo “công thức” tưới hợp chất sữa lên men hòa với nước giếng và không dùng bất cứ loại phân nào để chăm sóc cây dâu. 

Đây là mô hình đầu tiên tại Ninh Thuận khi người dân dùng sữa tươi tưới cho cây dâu, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

“Ở vườn hiện có hơn 2.000 chậu đã có trái, bình quân thu hoạch dâu tây 3 ngày được khoảng 36 kg, bán với giá 300.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho người dân địa phương. Trong thời gian đến, tôi sẽ phát triển thêm nhiều loại cây khác như mô hình rau sạch, rau trồng trong ống nước để du khách tham quan, trải nghiệm” - bà Hương chia sẻ thêm.

Bà Hương, thôn Bình Quý, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) tin tưởng khu vườn dâu tây “uống sữa” của gia đình sẽ tiếp tục cho thêm những mùa quả ngọt và bà mong muốn được nhân rộng mô hình cho nhiều hộ dân khác trên địa bàn tỉnh để có nguồn thu ổn định, giúp các hộ nông dân như bà hoàn toàn có thể làm giàu trên đất quê hương.