Thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính hết tháng 7/2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019.
Trong đó bao gồm 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 41,5%), 21.802 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 12,2%), 8.937 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,5%).
Trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. So sánh với số liệu 7 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018, giảm 15,4%, nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Đây cũng là nhân chính gây ra sự nghịch chuyển theo chiều hướng xấu này.
Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực.
Đáng chú ý, trong các lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là kinh doanh bất động sản với 927 doanh nghiệp, tăng 98,5%.
Tiếp theo là ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí với 265 doanh nghiệp, tăng 69,9%; Dịch vụ lưu trú và ăn uống 2.040 doanh nghiệp, tăng 71,4%.
Một số ngành như: Giáo dục và đào tạo, dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác,... cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ tạm ngừng kinh doanh cao. Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.
So sánh với dữ liệu lịch sử cho thấy, tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của 7 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 không có sự đột biến với mức trung bình là 28,1%.
Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn 7 tháng đầu năm 2020 là 32.722 doanh nghiệp, tăng 41,5% với cùng kỳ năm 2019.
Đây là một trong những mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đó, tại báo cáo về nhà ở và thị trường BĐS quý 1/2020, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh, đến tháng 4/2020, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động, làm việc trực tiếp, còn lại làm việc trực tuyến tại nhà, một phần phải cho nghỉ.
Bên cạnh đó, có khoảng 80% sàn giao dịch BĐS đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động hoặc không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới BĐS thất nghiệp. Tính đến thời điểm hết quý 1/2020, cả nước ước tính còn khoảng 200 sàn giao dịch BĐS đang hoạt động cầm chừng. Hầu hết các sàn chỉ duy trì bộ phận gián tiếp điều hành làm việc luân phiên trong thời gian phòng tránh dịch. Các nhân viên môi giới đều tạm ngừng làm việc, chuyển sang công việc khác theo thời vụ.