Dân Việt

Vaccine Covid-19: Liều thuốc cứu cánh cho nền kinh tế?

Quang Dân 13/08/2020 13:59 GMT+7
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Chính phủ và người dân chỉ nên đón nhận thông tin về vaccine chống Covid-19 như một tin vui, chưa vội vàng đưa ra kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế dựa trên việc nó được ra đời sắp tới, cũng như triển khai trước khi tác dụng của Vaccine được kiểm chứng là công hiệu.

Nga đã công bố quốc gia này là nước đầu tiên điều chế thành công vaccine cho Covid-19, đây là tin vui cho nền kinh tế thế giới khi kỳ vọng dịch bệnh Covid-19 được khống chế trong thời gian sắp tới. Rất nhiều nước đã đặt mua vaccine của Nga và lô hàng đầu tiên dự kiến sẽ có sau 2 tuần nữa.

Ngoài ra, hàng trăm các viện nghiên cứu của các công ty dược phẩm, Chính phủ các nước tìm cách sản xuất ra những loại vaccine Covid-19 khác, dự kiến sang đầu năm sau sẽ hoàn thiện. Lúc này vaccine Covid-19 được sản xuất đại trà, phổ biến. Điều này đồng nghĩa với việc dịch bệnh Covid-19 được khống chề, các quốc gia bắt đầu giai đoạn hồi phục nền kinh tế vốn đang bị kệt quệ bởi dịch gây ra.

Sự ra đời của "Vaccine Covid-19" có là liều thuốc cứu cho nền kinh tế? - Ảnh 1.

Nga đã bắt đầu sản xuất vaccine Covid-19 hàng loạt.

Vaccine Covid-19 là cứu cánh cho nền kinh tế?

Trao đổi với với Dân Việt về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hầu hết, thế giới đang ngóng theo cuộc đua sản xuất vaccine chống dịch Covid-19, đất nước điều chế thành công không chỉ là quốc gia đầu tiên khống chế đại dịch, khẳng định được năng lực y học của nước mình mà còn có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc bán vaccine cho những nước khác.

Trong thời điểm hiện tại, về mặt y học tác dụng của vaccine Covid-19 còn là dấu hỏi khi hiệu quả của nó vẫn chưa được công bố và chứng minh trong thực tiễn. Vaccine Covid-19 chỉ mới tạo ra tâm lý cho đầu tư, chính sách, phản ứng tích cực từ đó nhiều sự kiện được triển khai một cách cụ thể, rõ ràng, giúp nhiều nền kinh tế trong đó có Việt Nam hồi phục trong ngắn hạn.

"Về mặt thực chất, đến giờ này chưa ai biết Vaccine Covid-19 đã hiệu quả để đưa vào sử dụng hay chưa? Và thời điểm chính xác nào được phổ cập trên toàn thế giới? Nhưng tác động tích cực về mặt tâm lý đã có, nó đang gián tiếp ảnh hưởng đến quyết định của nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực", ông Hiếu nhận định. 

Tuy nhiên, một điểm cần lưu tâm đến là trường hợp Vaccine Covid-19 không có hiệu quả. Ví dụ như loại vaccine Covid-19 của Nga vừa công bố và bán cho những quốc gia khác phản tác dụng, vẫn có bệnh nhân chết vì virus Corona dù cho được tiêm ngừa. Bấy giờ, sẽ tạo ra nỗi thất vọng, dẫn đến những biến động về mặt tâm lý trên toàn thế giới, đẩy chúng ta vào một cuộc khủng hoảng toàn diện khác.

"Trông chờ vào vaccine Covid-19 đang là con dao hai lưỡi cho các nhà đầu tư. Chính vì thế, tôi luôn khuyến cáo Chính phủ và người dân rằng chỉ nên đón nhận thông tin về điều đó như một tin vui, chưa vội vàng đưa ra kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế dựa trên việc vaccine Covid-19 ra đời sắp tới, cũng như triển khai nó trước khi tác dụng của nó được kiểm chứng là công hiệu", ông Hiếu cho hay.

Sự ra đời của "Vaccine Covid-19" có là liều thuốc cứu cho nền kinh tế? - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, kinh tế thế giới hiện đang tồn tại song song 2 bất ổn là đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong đó, nếu như bệnh dịch là nguyên nhân tác động trực tiếp thì xung đột giữa hai quốc gia này chính là nền đẩy khủng hoảng kinh tế toàn cầu lên cao.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dẫn đến việc tái cơ cấu kinh tế toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu sản xuất của các nền kinh tế lớn trên thế giới theo hướng ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn, đẩy phía lợi ích về những nước đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ… và tất cả những chuyển dịch này đang bị chậm lại bởi đại dịch Covid-19.

"Do vậy, không sai khi cho rằng vaccine Covid-19 là tiền đề cho việc hồi phục kinh tế thế giới, sau đó, cần ít nhất 2,3 năm tiếp theo để nền kinh tế từng khu vực định hình cơ cấu mới trước khi phát triển trở lại", ông Hiển cho hay.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, ông Hiển cho rằng, cả 2 bất ổn kể trên khi được khống chế đều sẽ đưa lại bàn đạp tích cực. Khi Covid-19 được loại bỏ, nền kinh tế nội địa sẽ hoàn toàn bình thường; xuất nhập khẩu qua các nước Châu Âu, Mỹ từ Hiệp định EVFTA được đẩy mạnh và sự dịch chuyển cơ sở xản xuất sẽ thu hút được nhiều nguồn vốn FDI, tăng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất.

Sau dịch Covid-19 là lạm phát?

Theo ông Hiển, một mặt lợi ích nữa của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế thế giới đó là việc các nước nới lỏng chính sách tiền tệ để cứu vãn nền kinh tế sẽ dẫn đến sự lạm phát nhẹ, điều mà một số quốc gia phát triển cần để kích thích sâu thêm cho kinh tế.

Ông Hiển phân tích, lạm phát chỉ xảy ra khi Chính phủ chi tiêu đầu tư không kiểm soát, thậm chí là có tư túi. Tuy nhiên đối với Mỹ, Nhật, Anh.. đều là những kiểm soát rất chặt chẽ về ngân sách. Các gói kích thích đưa ra có tác dụng quay vòng tạo kích cầu nội địa tiêu dùng chứ không phải hoạt động đầu tư cá nhân.

"Đặc biệt sức sản xuất của những nước này rất mạnh, cân bằng giữa tiền vệ và hàng hóa nên khả năng xảy ra lạm phát cao trong giai đoạn tới trên thế giới là không có. Đổi lại nếu lạm phát xảy ra ở mức vừa phải sẽ kích thích cho kinh tế tạo ra sự tăng trưởng, điều mà mấy năm nay những quốc gia này chưa làm được", ông Hiển nhấn mạnh.

Trong khi đó, đối với Việt Nam, chính sách của chúng ta vẫn cân đối giữa đầu tư hạ tầng, đầu tư công và kiểm soát tiền tệ nên không lo quá nhiều việc lạm phát xảy ra như nhiều năm trước.

Ông Hiển khuyến nghị, điều Chính phủ cần làm bây giờ là tập trung cứu doanh nghiệp, tạo tiền đề cho phục hồi kinh tế giai đoạn sau, đặc biệt là những doanh nghiệp trong ngành nghề thương mại, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu bằng chính sách, các gói cứu trợ cụ thể, thiết thực.

Song song với đó, bản thân doanh nghiệp phải cắt giảm tiết kiệm, tồn tại qua những tháng khó khăn này. Đồng thời, luôn luôn sẵn sàng khi Vaccine được điều chế, kinh tế mở cửa nhanh chóng tái sản xuất trở lại.

"Chủ động ở đây là thay đổi hành vi, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, tham gia vào những chuỗi cung ứng kết nối nhau, hợp tác dịch vụ giữa nhiều ngành nghề khác nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí vận hành. Đừng để đến khi Vaccine được điều chế, dịch được kiểm soát, chính bản thân chúng ta lại không đủ năng lực để tham gia vào giai đoạn phục hồi", ông Hiển phân tích.