Phương án điện một giá, 18,7 triệu khách hàng phải trả thêm 39.000 tỷ đồng: Bộ Công Thương nói gì?

Thanh Phong Thứ năm, ngày 13/08/2020 09:05 AM (GMT+7)
Theo đại diện Bộ Công Thương cho hay, nếu thực hiện phương án điện một giá thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh (trên 18,7 triệu khách hàng, chiếm tỷ lệ khoảng 75%) sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000 - 39.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ Công Thương công bố dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ, đề xuất cách tính điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân.

Theo số liệu từ phía Bộ Công Thương, hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng một kWh. Như vậy, điện một giá tương đương 2.704 - 2.890 đồng mỗi kWh, chưa gồm 10% thuế VAT.

Khách hàng dùng điện có thể chọn giữa phương án điện một giá và 5 bậc thang, thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Lùm xùm cách tính điện một giá, Bộ Công Thương nói gì? - Ảnh 1.

Trên 18,7 triệu khách hàng (chiếm tỷ lệ khoảng 75%) sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000 - 39.000 tỷ đồng nếu áp dụng điện một giá.

Ngay lập tức, thông tin này nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ dư luận. Các chuyên gia, người dân đều cho rằng, các tính mức điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân là quá cao.

Trả lời về vấn đề này đại diện Bộ Công Thương cho hay, hiện nay, biểu giá bán lẻ điện đang thực hiện theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019. Cơ cấu tiêu thụ điện của các đối tượng khách hàng như sau: sản xuất chiếm 59,1%, kinh doanh chiếm 6,6%, hành chính sự nghiệp chiếm 3,8%. sinh hoạt chiếm 28%.

Do đây không phải là lần điều chỉnh giá điện chỉnh giá điện nên các phương án đưa ra phải đảm bảo mức giá bán lẻ điện bình quân cho tất cả các nhóm khách hàng phải giữ nguyên mức giá 1.864,44 đồng/kWh đã được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT.

"Trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và đưa ra phương án 1 giá áp dụng cho tất cả các khách hàng sử dụng điện. Phương án này có ưu điểm là đơn giản, dễ thực hiện, khắc phục được một số nhược điểm của cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bậc thang hiện hành.

Tuy nhiên nếu thực hiện phương án này thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh với số lượng là khoảng trên 18,7 triệu khách hàng chiếm tỷ lệ xấp xỉ 75% tổng số khách hàng hiện nay sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000 - 39.000 tỷ đồng. 

Số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội cũng phải tăng từ khoảng trên 1.000 tỷ đồng/năm lên 1.240 tỷ đồng/năm do giá điện cao hơn bậc 1 hiện hành. Đồng thời việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả", đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Theo đó, để vẫn đảm bảo mục tiêu sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, ngân sách nhà nước hỗ trợ hộ nghèo, chính sách xã hội không thay đổi. Ngoài ra, đảm bảo giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân không thay đổi, trên cơ sở ý kiến các Bộ, ngành thì Bộ Công Thương đã đề xuất 2 phương án lấy ý kiến như sau, phương án 1: Áp dụng biểu giá 5 bậc thang.

Phương án 2: Khách hàng áp dụng biểu giá 5 bậc thang hoặc lựa chọn áp dụng biểu giá một giá. Ở phương án này, vẫn duy trì được các ưu điểm của phương án 1 như khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, số tiền ngân sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách xã hội không thay đổi.

"Các phương án đưa ra đều có giá điện 4 bậc đầu giống nhau. Do vậy, dù phương án nào được áp dụng thì các khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 700kWh (hiện chiếm trên 98% tổng số khách hàng) đều có chi phí tiền điện bằng nhau. 

Đối với tất cả các phương án, các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh (97,36 % tổng số khách hàng) chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng), ngoại trừ các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh thì số tiền điện phải trả tăng thêm là 7.100 đồng.

Nếu áp giá điện một giá ở mức bằng mức giá bình quân thì để đảm bảo giá điện sinh hoạt bình quân không đổi sẽ phải điều chỉnh tăng mức giá bán lẻ ở các mức dưới 700 kWh/tháng. Phương án này có lợi cho các khách hàng sử dụng điện nhiều nhưng sẽ ảnh hưởng tới trên 98% khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội", đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem