Cụ thể, theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ, giá bán điện quy định cho nhiều đối tượng khách hàng sử dụng khác nhau, bao gồm sản xuất, hành chính sự nghiệp, kinh doanh và sinh hoạt.
Qua đó, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng này được xác định trên cơ sở cơ cấu sản lượng điện thương phẩm của các nhóm khách hàng.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ phía Bộ Công Thương, trong quá trình thực hiện, giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện phát sinh nhiều vấn đề. Trong đó, nổi bật là việc thực hiện áp giá sản xuất và kinh doanh đối với nhiều trường hợp ranh giới giữa các loại không rõ ràng.
"Một số khách hàng sử dụng điện và một số tổ chức quốc tế có ý kiến nên xem xét lại về sự chênh lệch giá kinh doanh với các nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt khác. Bên cạnh đó có nhiều ý kiến của các khách hàng sử dụng điện, các tổ chức quốc tế đề nghị xem xét đơn giản hóa biểu giá bán lẻ điện", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương bổ sung phương án gộp khách hàng sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp thành 01 nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt. Theo đó, việc sửa đổi vẫn đảm bảo nguyên tắc giá bán lẻ điện bình quân hiện hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2020 không thay đổi.
"Phương án này có ưu điểm, giảm bớt chênh lệch giá bán lẻ điện giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt. Đơn giản trong thực hiện do cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích ngoài sinh hoạt chỉ có 1 biểu giá. Giảm thiểu các sai sót trong việc áp giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện khác nhau.
Ngoài ra, biểu giá điện mới cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh tiệm cận giá bán điện bình quân. Chi phí mua điện của nhóm khách hàng kinh doanh giảm 35% so với việc áp dụng giá hiện hành. Việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thống nhất của các ngành sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp sẽ tạo cho các khách hàng sử dụng điện trong việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ phía Bộ Công Thương, phương án sửa đổi biểu giá điện này vẫn tồn tại nhiều nhược điểm. Nổi bật là về chi phí mua điện đối với nhóm khách hàng sản xuất.
"Chi phí mua điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng so với việc áp dụng giá hiện hành. Khi áp dụng biểu giá cho khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt, các đơn vị bán lẻ điện phải trang bị công tơ đo đếm theo giờ cao thấp điểm (công tơ 3 giá)", đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm.
Mới đây, Bộ Công Thương công bố dự thảo Quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện của Chính phủ, trong đó, nội dung gây tranh cãi trong dư luận xã hội là đề xuất cách tính điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân.
Theo số liệu từ phía Bộ Công Thương, hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân hiện ở mức 1.864,44 đồng một kWh. Như vậy, điện một giá tương đương 2.704 - 2.890 đồng mỗi kWh, chưa gồm 10% thuế VAT.
Khách hàng dùng điện có thể chọn giữa phương án điện một giá và 5 bậc thang, thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang điện một giá (hoặc ngược lại) là một năm (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Ngay lập tức, thông tin này nhận được nhiều phản hồi trái chiều từ dư luận. Các chuyên gia, người dân đều cho rằng, các tính mức điện một giá bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân là quá cao.