Đà Lạt, nơi được mệnh danh là xứ sở ngàn hoa, hàng năm có hàng triệu du khách đến tham qua, nghỉ dưỡng. Thế nhưng, có rất ít người biết về lịch sử của các làng hoa tại địa phương.
Đà Lạt có các làng hoa Thái Phiên, Vạn Thành, đặc biệt là làng hoa Hà Đông với 82 năm tuổi. Đây cũng là làng hoa có nhà văn hóa thờ 36 cụ ông, cụ bà đầu tiên từ tỉnh Hà Đông vào Đà Lạt để trồng rau, trồng hoa phục vụ người pháp, người dân địa phương.
Ông Vũ Anh Dũng - Trưởng làng hoa Hà Đông, phường 8, TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, ấp Hà Đông (làng hoa Hà Đông hiện tại) được hình hành theo sáng kiến của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu (sinh năm 1873, quê tỉnh Hà Tĩnh), quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý và thương tá Canh nông Hà Đông Lê Văn Định.
Thời điểm đó, ba cụ này cần tuyển dụng một số người từ tỉnh Hà Đông vào Đà Lạt khai hoang trồng rau, hoa, cung cấp rau, củ, quả thực phẩm và hoa tươi cho người Pháp và người dân địa phương. Chính vì vậy, 36 người đầu tiên đã được chọn để "Nam tiến" vào Đà Lạt".
Tuy nhiên, thời bấy giờ, do khí hậu khắc nghiệt, 15 người không chịu đựng được đã trở về quê cũ. Còn lại, những con người kiên cường, nhẫn nại nhất vẫn ở lại khai hoang, kêu gọi người thân, anh em vào vùng đất mới cùng làm ăn. Cho đến năm 1938, ấp Hà Đông được chính thức công nhận và được ghi nhận trong giao dịch hành chính ở Đà Lạt.
Hiện nay, làng hoa lớn tuổi nhất Đà Lạt mang tên Hà Đông này có 100% người dân làm nghề trồng hoa với khoảng 700 hộ, chủ yếu trồng hoa cúc và hoa hồng. Làng hoa cũng là nơi góp mặt của nhiều nông dân sản xuất giỏi của địa phương, đóng góp nhiều cho các lễ hội Festival hoa Đà Lạt nhiều năm. Đến nay, làng hoa Hà Đông đã có 82 năm tuổi nhưng vẫn đang kế thừa và phát triển những truyền thống tốt đẹp của những người đầu tiên lập ấp.
Ông Dũng cũng cho biết, ông Phan Hữu Giản trước khi về hưu tại làng hoa Hà Đông làm Bí thư Thành ủy Đà Lạt. Chính vì nhận thấy những giá trị về tinh thần cũng như mong muốn lưu giữ truyền thống tốt đẹp của làng, ông Giản đã vận động nhiều nguồn để xây dựng nhà văn hóa.
Đến năm 2010, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, TP Hà Nội đã hỗ trợ người dân làng hoa Hà Đông xây dựng lên nhà văn hóa trị giá gần 1 tỷ đồng. Trong đó, TP Hà Nội hỗ trợ khoảng 60%, còn lại người dân địa phương đóng góp. Đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tập thể của những người dân làng hoa, nơi trưng bày những tác phẩm của làng mỗi dịp Festival hoa Đà Lạt diễn ra.
Sau nhiều năm xây dựng nhà văn hóa, nhiều người tại làng hoa Hà Đông đã tìm hiểu và sưu tập được những bức ảnh của những người đầu tiên lập lên làng hoa Hà Đông. Sau đó, cả làng đã quyết định lập một bàn thờ để thờ cúng 36 cụ ông, cụ bà đã có công khai hoang, lập lên ấp Hà Đông.
3 ông là Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý và thương tá Canh nông Hà Đông Lê Văn Định tuy có nhiều công lao trong việc lập ấp Hà Đông. Tuy nhiên, thời điểm đó, các ông đều làm cho thực dân Pháp nên nhiều người đã không đồng ý đưa 3 cụ lên ban thờ.
Chính vì vậy, hiện tại, di ảnh của 3 ông có công lập lên làng hoa Hà Đông vẫn được treo tại phòng truyền thống của làng. Bên trong phòng này còn trưng bày các nông cụ như cuốc, cào, nĩa đầu tiên được các cụ ông, cụ bà mang từ Hà Đông vào Đà Lạt để canh tác.
Ông Vũ Hữu Xiêm (87 tuổi, phường 8, TP Đà Lạt) là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên theo chân cha mẹ vào Đà Lạt cho hay: những ngày đầu tiên, chỉ có 3 lán trại được dựng lên dọc đường Nguyễn Công Trứ và Xô Viết Nghệ Tĩnh (ngày nay) để bà con sống, làm việc tập thể.
Do thời tiết khắc nghiệt, cứ đêm xuống là trời như lạnh buốt, các ông bà phải đốt lửa xung quanh lán để cho ấm. Thời đó, cọp, beo vẫn còn rất nhiều, vì vậy trẻ nhỏ thường bị cấm lên đồi chơi hoặc đi xa lán trại.
Trước đây, làng hoa Hà Đông có diện tích khoảng 60 – 70ha. Tuy nhiên, do dân số phát triển hiện làng hoa này chỉ còn khoảng 50ha. Người dân không chỉ trồng hoa bán mà còn xây dựng lên các mô hình, tiểu cảnh để phục vụ du khách, tham quan, du lịch.