Tuyên Quang: Mối tình đẫm nước mắt, thương đau ngờ đâu lại gắn với thứ mắm muối từ cá chép nuôi ruộng lúa
Tuyên Quang: Mối tình đẫm nước mắt, thương đau ngờ đâu lại gắn với thứ mắm muối từ cá chép nuôi ruộng lúa
Thứ năm, ngày 13/08/2020 13:52 PM (GMT+7)
Chuyện về một mối tình tuyệt vời của cô gái Côn Lôn với chàng trai Bảo Lạc (thuộc đất Tuyên Quang thời nhà Nguyễn). Chàng bị cha của nàng ham tiền ngăn cản nhưng chàng vẫn vượt qua. Đến hôm thách cưới, cha nàng thách 100 món sơn hào, hải vị, chàng trai bên Bảo Lạc vẫn sắm đủ, cả món mắm cá ruộng ngon...
Nằm lại Côn Lôn, tôi chợt nhớ ra rằng sử nhà Nguyễn không viết Thượng Lâm mà là Thượng Lãm, nghe như lên vùng này thưởng thức một thứ gì đó. Mơ màng tôi bật tỉnh dậy vì nghe ông chủ nhà kể chuyện cổ tích Pù Lòong Nào.
Chuyện về một mối tình tuyệt vời của cô gái Côn Lôn với chàng trai Bảo Lạc (thuộc đất Tuyên Quang thời nhà Nguyễn) chàng bị cha của nàng ham tiền ngăn cản nhưng chàng vẫn vượt qua. Đến hôm thách cưới, cha nàng thách 100 món sơn hào, hải vị, chàng trai bên Bảo Lạc vẫn sắm đủ, cả món mắm cá ruộng ngon mà cha nàng thích cũng có.
Đó là thứ cá chép nuôi ở các ruộng lúa của làng Côn Lôn, nó béo nục, mỡ béo ngậy, trắng phau, hết mùa gặt bà con người Tày ở đây bắt về đem mổ rồi ướp muối và hạt Dổi, hạt Mắc Kén và gạo rang thơm lừng rồi đem ủ.
Đến khi cá chép ngấm mắm muối, bà con đem ra ăn, con cá đã nục xương mà vẫn nguyên hình con cá, thơm phức cả bữa cỗ, ai được ăn một lần cũng nhớ mãi không quên...
Nhưng đến hôm cưới, trước khi diễn ra bữa cỗ cưới cha nàng đem giấu hết đi, thế là đám cưới không thành. Nàng khóc, nước mắt nhỏ thành giếng, rồi nàng tự vẫn, chiếc khăn thành một áng mây hồng nàng biến thành ngọn núi đá ở Côn Lôn.
Chàng trai quay về Bảo Lạc, nhưng lên đến đỉnh một ngọn núi Thượng Lâm, đám mây hồng từ đâu sà xuống che kín vùng trời trên đầu chàng, chàng quyết quay lại Côn Lôn tìm nàng để đưa xác nàng về, nhưng nàng đã hóa đá.
Chàng khắc tấm bia đá để lại rồi ôm lấy tảng đá mà tự vẫn. Cái chiêng chàng dùng để đánh gọi nàng bay mất núm cũng hóa thành một ngọn núi đá.
Ngày nay ở xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có một dãy núi người ta gọi là núi Pù Pao, có một quả núi nằm trên đường sang Thượng Giáp bà con gọi là núi Pù Lòong Nào, núi múa chiêng.
Tôi không sinh ra, không lớn lên ở Na Hang, nhưng tôi nghe tên Na Hang từ những năm 60 của thế kỷ 20. Mọi chuyện, nhất là những câu chuyện cổ về Na Hang như chuyện về đèo Cổ Yểng, đèo Ái Au, về 99 ngọn núi của Thượng Lâm tôi đều được nghe qua lời anh rể tôi là Trịnh Văn Đạm, một giáo viên đã từng dạy học ở huyện Chiêm Hóa kể lại.
Những câu chuyện cổ huyền thoại về mảnh đất Na Hang đi vào giấc ngủ của tôi lúc thiếu thời, đi vào những đêm trăng sao không ngủ để thay nhau gác trên cánh rừng đại ngàn Quảng Nam. Tôi cứ mong hết chiến tranh về Na Hang của Tuyên Quang quê tôi để xuống sông Gâm tìm con Ngựa đá thần đã dạy cho người anh tham lam một bài học.
Hết chiến tranh, tôi theo công ty cầu đường Lâm nghiệp Tuyên Quang với kỹ sư Trần Đức bạn học Tân Trào mở đường lên Tát Kẻ. Chênh vênh núi, chênh vênh đá, sương núi mù mịt, lạnh thấu xương, nhưng tôi nghĩ có lẽ vẫn chưa bằng Thượng Lâm? Và nghĩ phải đến Thượng Lâm.
Ao ước đến Thượng Lâm được thực hiện khi đã 70 tuổi. Cái tuổi chân không còn cứng nữa, khớp đã mòn. Và ao ước ấy trở nên mãnh liệt khi đọc bộ lịch sử Đại Nam thực lục mới hiểu rằng: Tại sao Trần Nhật Duật, vị Tổng trấn đầu tiên của Tuyên Quang năm 1284 lại lấy vợ người Na Hang.
Không biết ngoài câu "Chè Hồng Thái gái Thượng Lâm" ra, có phải vượt qua Thượng Lâm là sang Bảo Lạc, mảnh đất địa đầu Tuyên Quang này giáp giới với nước Tống hay không?
Và tại sao khi vua Minh Mạng từ năm 1837 đến năm 1841 luôn cho cánh quân thứ hai của triều đình do Tham tán Nguyễn Công Trứ, quan văn đi diệt khởi nghĩa Nùng Văn Vân lại chọn con đường đi qua Côn Lôn, qua Thượng Lâm sang Vân Trung - Bảo Lạc - Cao Bằng có phải vì từ thành Tuyên Quang theo đường này lên Bảo Lạc chỉ mất nửa tháng không?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.