Dân Việt

Điểm danh 5 DN được người nước ngoài lựa chọn mua nhà nhiều nhất Việt Nam

Minh Khôi 18/08/2020 13:51 GMT+7
Theo thống kê HoREA, 5 doanh nghiệp lớn như: Vingroup, Novaland, Phú Mỹ Hưng, CBRE, Hưng Thịnh được nhiều người nước ngoài lựa chọn mua nhà, với 10.571 căn, chiếm 85,7% tổng số nhà đã bán cho người nước ngoài.

Người nước ngoài mua nhà nhiều nhất ở TP.HCM

Trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng về việc "Nên hay không nên nới giới hạn "trần" sở hữu nhà trong dự án nhà ở thương mại cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và việc mua căn hộ du lịch", Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã nêu ra những nhận xét, đánh giá về chính sách, thị trường cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà.

Về thực trạng thị trường, HoREA đã thống kê sơ bộ về tình hình bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong 05 năm qua (2015-2020) của 17 Tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản lớn. Khách hàng mua nhà tại Việt Nam chủ yếu gồm người Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore.

Điểm danh 5 doanh nghiệp được người nước ngoài lựa chọn mua nhà nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Theo HoREA, TP.HCM là địa phương có người nước ngoài mua nhà nhiều nhất cả nước.

Đáng chú ý, theo danh sách HoREA thống kê, có 5 doanh nghiệp được nhiều người nước ngoài lựa chọn mua nhà, với 10.571 căn, chiếm 85,7% tổng số nhà đã bán cho người nước ngoài, riêng Tập đoàn Vingroup chiếm tỷ lệ 40%, cao nhất. Cụ thể: Tập đoàn Vingroup là gần 5.000 căn nhà; Tập đoàn Novaland là 1.825 căn nhà; Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng là 1.600 căn nhà, trong đó có 7,32% khách hàng trong tổng số 21.845 căn nhà của 114 dự án; CBRE bán 1.300 căn nhà; Tập đoàn Hưng Thịnh bán 928 căn nhà.

Theo HoREA giả định, nếu 17 Tập đoàn và doanh nghiệp lớn chiếm khoảng 70-80% thị phần nhà ở bán cho các cá nhân nước ngoài, thì có thể ước số lượng căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 05 năm qua trên phạm vi cả nước chỉ vào khoảng 14.800 - 16.000 căn.

Đối chiếu với số liệu báo cáo thị trường bất động sản cả nước trong 10 năm (2009-2019) của Bộ Xây dựng, thì đã có 5.000 dự án nhà ở với 3.774.000 căn nhà, bình quân mỗi 05 năm phát triển được khoảng 787.000 căn nhà. Nếu so sánh với số lượng 16.000 căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 05 năm qua, thì chỉ chiếm tỷ lệ 2% tổng số nhà ở.  

Không có làn sóng người nước ngoài mua nhà

Theo HoREA, thực tế thị trường cho thấy, không có "làn sóng" người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 05 năm qua. Nhưng, đã cho thấy những dự án khu đô thị, khu dân cư, khu nhà chung cư cao cấp, hiện đại, có đầy đủ dịch vụ, tiện ích, an ninh an toàn, giao thông thuận tiện, thì mới thu hút được người nước ngoài lựa chọn cư trú hoặc mua nhà. 

Điểm danh 5 doanh nghiệp được người nước ngoài lựa chọn mua nhà nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Theo HoREA, số nhà bán cho người nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ 2% tổng số nhà ở.

Cũng theo HoREA, sau khi nước ta bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và gia nhập Asean năm 1995 và trở thành thành viên chính thức của WTO năm 2007, thì đã ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Hệ thống pháp luật dần được hoàn thiện, trong đó, Luật Nhà ở 2014 cho phép cá nhân nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào nước ta, được mua và sở hữu 1 căn nhà trong dự án nhà ở thương mại, trừ khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh, trong thời hạn 50 năm và có thể được gia hạn thêm. Chính sách này đã khẳng định nước ta "mở cửa" và tương đồng với pháp luật của các nước khác.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2014, Hiệp hội đã nhận định, không nên "ảo tưởng" sẽ có một "làn sóng" người nước ngoài ồ ạt mua nhà tại nước ta và thực tế tình hình người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 05 năm qua đã chứng minh cho nhận định này.

Qua tìm hiểu của Hiệp hội, thì phần lớn người Châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, Nhật Bản… thường lựa chọn thuê nhà. Người nước ngoài có xu hướng mua nhà thường đến từ một số nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, Singapore.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã cảnh báo về tình trạng một số người nước ngoài "mua chui" bất động sản, kể cả dùng thủ đoạn "nhờ" doanh nghiệp hoặc cá nhân người Việt đứng tên mua nhà tại một số địa điểm "nhạy cảm", có ảnh hưởng đến quốc phòng và an ninh.

Đặc biệt, kinh tế quốc tế, có một số nước đang điều chỉnh chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà theo hướng thắt chặt hơn, để chống tình trạng đầu cơ (như Hàn Quốc), hoặc tình trạng người nước ngoài mua quá nhiều nhà, dẫn đến giá nhà tăng cao, làm cho người bản địa có thu nhập trung bình và có thu nhập thấp khó tạo lập nhà (như Australia).