Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 – 27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3 – 4 năm.
Hiệp hội cũng nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không.
Đánh giá về việc mở lại đường bay quốc tế, trao đổi với PV Dân Việt, Trưởng ban Truyền thông thương Việt Nam Airlines Đặng Anh Tuấn cho biết: "Thời điểm này khó có thể mở lại các chuyến bay quốc tế".
"Sau khi Việt Nam kiểm soát tốt đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, đã có những ưu tiến mở đường bay đến các nước như: Nhật Bản, Đài Loan.. Hãng đã tập chung chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng khi được cơ quan chức năng cho phép. Tuy nhiên, làn sóng Covid -19 thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng thì các kế hoạch coi như "xếp xó", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, có thể mở lại đường bay sau khi Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh kiểm soát tốt dịch bệnh. Đến nay, Hiệp hội đã đề nghị mở lại đường bay, tuy nhiên thời điểm này là khó thực hiện...
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, hãng đã có các phương án mở lại đường bay quốc tế từ khi Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19 lần 1, nhưng kể từ khi dịch bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và một số các địa phương nên kế hoạch mở lại đường bay quốc tế của Bamboo Airways dừng tạm thời. Hãng luôn luôn sẵn sàng các kế hoạch mở lại đường bay quốc tế và chờ quyết định của Thủ tướng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và Bộ GTVT.
Về đề xuất mở lại đường bay quốc tế đến các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 giúp các hãng hàng không cải thiện dòng tiền, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho kinh tế thế giới lao dốc, suy thoái đứt đoạn. Trong đó, ngành hàng không có thể coi là thiệt hại lớn nhất cùng với đó là các ngành dịch vụ, du lịch.
"Trong một môi trường chung của thế giới thì không thể nói khoanh vùng này tốt, vùng kia xấu vì diễn biến chủng Covid-19 mới đang diễn biến phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng...", TS Long nói.
Đồng thời, TS. Long cho rằng, bài học dịch Covid-19 bùng phát từ TP Đà Nẵng vừa qua khi trong nước đã kiểm soát tốt. Trong nước bắt đầu phát triển du lịch nội địa và mở cửa một số nước kiểm soát được. Khôi phục lại kinh tế là quan trọng, nhưng dịch Covid-19 tái phát trở lại tại Đà Nẵng gây hậu quả nghiêm trọng.
Bởi vậy, những tổn thất lớn từ ngành hàng không mà mở cửa đường bay đến các nước kiểm soát tốt, trên thế giới không có gì gọi là tuyệt đối. Như vậy, bắt đầu mở các đường bay quốc tế trở lại nguy cơ hậu quả gây ra là rất lớn không nên nhìn trước mắt mà ảnh hưởng tác động đến khó lường. Lợi ích không thể bù đắp được hậu quả gây ra...", TS. Long bày tỏ.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, Cục đã làm việc với nhà chức trách một số quốc gia kiểm soát được dịch Covid-19 và bàn thảo một số quy định để phòng ngừa và được một số nước đồng thuận mở đường bay đến Việt Nam.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, các nước thống nhất hành khách nhập cảnh vẫn phải cách ly và xét nghiệm Covid-19. Do đó, việc này phụ thuộc vào năng lực tiếp nhận của các cơ sở cách ly cũng như năng lực của ngành y tế trong nước. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch sẽ quyết định thời điểm mở đường bay quốc tế và đưa ra quy định như thu phí cách ly, quy trình kiểm soát dịch với khách du lịch.
Đối với đề xuất miễn phí giảm các loại thuế phí cho các hãng hàng không, ông Thắng cho rằng, hiện nay các hãng đã được miễn, giảm phí nhiều dịch vụ hàng không đến hết năm 2020. Đến cuối năm nay, các cơ quan sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh để có các phương án hỗ trợ tiếp theo cho các hãng hàng không.