Phi điệp đột biến tiền tỷ: Thế giới ai chơi?
Ngày 18/8/2020, trao đổi với phóng viên về thú chơi hoa lan trên thế giới, anh Nguyễn Tuấn Anh (45 tuổi, một người chuyên nghiên cứu về nông nghiệp tại Mỹ) nhận xét, đa phần ở Việt Nam việc định hình một bông hoa lan đẹp dựa vào giá thành mua về, không những thế việc chơi hoa lan của đa phần người Việt Nam chạy theo xu thế nên không ổn định.
Điều này khác biệt hoàn toàn với người dân ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan...
"Ở Mỹ, người dân chủ yếu chơi lan hài. Không chỉ bởi đây là loài hoa có nhiều màu sắc khác nhau mà còn bởi dễ trồng mà được mua với giá thành rất rẻ, rất dễ mua. Còn với dòng Phi điệp thì người Mỹ chủ yếu trồng loại Phi điệp tím.
Để định lượng một bông hoa lan đẹp, thì người nhận xét phải trải qua trường lớp đào tạo, được cấp chứng chỉ đàng hoàng từ những tổ chức chuyên nghiệp. Một bông hoa lan hài đẹp trước tiên phải đảm bảo tiêu chuẩn mà các tổ chức đưa ra, sau đó mới xét đến màu sắc và độ đặc biện của bông hoa.
Đối với người Mỹ, chơi hoa là một nghệ thuật. Họ không dựa vào giá trị của cây hoa mà dựa vào góc độ nghệ thuật của cây, của mặt hoa hoa và giá thể trồng. Điều này đều được quy định một cách cụ thể" - anh Tuấn Anh cho biết.
Theo anh Tuấn Anh, nhiều người đam mê hoa lan ở Mỹ hoàn toàn có đủ điều kiện bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu những cây hoa lan Phi điệp đột biến ở Việt Nam nhưng họ không chơi.
Một phần đến từ điều kiện khí hậu không phù hợp, phần nữa vì cho rằng mỗi loài hoa đều có vẻ đẹp khác nhau, trong khi với số tiền hàng tỷ đồng bỏ ra mua 1 kei lan Phi điệp đột đột biến thì họ có thể sở hữu cả một vườn lan hài rực rỡ.
Hay như tại Nhật Bản, người chơi hoa lan cũng không mặn mà với dòng Phi điệp chứ đừng nói đến Phi điệp đột biến 5 cánh trắng. Loài hoa lan mà người Nhật Bản thường chơi là lan Hồ điệp, Denro, lan hài... bởi đây là loài hoa đẹp, hoa bền và có thể ra hoa quanh năm.
Giống như ở Mỹ, tại Nhật Bản, để định hình một cây lan đẹp cũng cần phải có đơn vị thẩm định chuyên nghiệp, người thẩm định được đào tạo bài bản và phải được cấp chứng chỉ mới có thể được làm giám khảo tại những hội thi hoa lan.
Hay như tại Thái Lan, một đất nước có khí hậu nhiệt đới tương đồng với Việt Nam thì loài hoa lan thường xuất hiện trong các nhà vườn là lan Denro. Bởi dòng hoa này có hoa quanh năm và dễ trồng, người dân có thể mua ở bất cứ đâu với giá thành chỉ tương đương vài chục nghìn đồng.
"Từ thú chơi hoa lan, người Thái Lan còn biến loài cây này trở thành mặt hàng xuất khẩu, đem về nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia.
Còn tại Việt Nam thì không như thế, những cây hoa lan đột biến có giá đắt hơn cả vàng cho đến nay chưa thấy xuất khẩu được cây nào mà chỉ những người dân trong nước thổi giá bán cho nhau.
Các nhà vườn ở Việt Nam cứ cho rằng Phi điệp đột biến là loài lan quý hiếm nên giá đắt đỏ nhưng cần phải đặt câu hỏi, thú chơi ấy đem lại lợi ích như thế nào cho quốc gia? Những nhà vườn và người chơi cứ mua đi bán lại với nhau thì chỉ trong một thời gian ngắn thị trường sẽ bão hòa, dù quý hiếm đến mấy thì cũng trở thành đại trà.
Mỗi loài hoa lan có vẻ đẹp khác nhau, cứ dựa vào độ quý hiếm để định giá quá cao mà quên mất rằng lan là loài hoa dễ nhân giống, sinh trưởng nhanh. Đến một thời điểm nào đó, những kei lan Phi điệp đột biến có giá cả tỷ đồng cũng sẽ bạt ngàn và xuống giá thê thảm" - anh Tuấn Anh bày tỏ.
Làm sao để tránh hệ lụy
Trao đổi với Đất Việt, nhiều nghệ nhân trong giới sinh vật cảnh ở Việt Nam cho rằng, thời gian qua có nhiều người đầu tư vào lan Phi điệp đột biến nhưng đã phải ngậm trái đắng. Bởi, một là bị lừa đảo, hai là giá lan Phi điệp xuống giá nhanh khiến toàn bộ tài sản đầu tư có nguy cơ mất trắng.
"Chỉ khoảng 1 - 2 tháng nữa thị trường lan Phi điệp đột biến có thể sẽ vỡ mạnh hơn khi giá cây rớt thê thảm. Hiện nay có nhiều trường hợp bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư vào lan đột biến nhưng không bán được.
Để có số tiền đầu tư, đa phần các nhà vườn vay người thân, ngân hàng, thậm chí vay nặng lãi (tín dụng đen). Đến khi các nhà vườn không bán được hàng thì ngân hàng có nguy cơ dính nợ xấu, tín dụng đen không thu hồi được vốn... người vay thì phải trốn nợ.
Từ đó dẫn tới hệ lụy rất lớn. Kể cả những người không đầu tư vào lan nhưng cho người thân vay tiền cũng có thể dẫn tới hệ lụy này" - một nghệ nhân sinh vật cảnh ở Phú Thọ nhận định.
Với những người mua lan đột biến mà người bán gửi đúng cây, kể cả có giấy bảo hành mặt hoa cũng chưa chắc chắn. Bởi đây là giao dịch dân sự, khi đưa ra cơ quan pháp lý cũng khó giải quyết. Hơn nữa, lan trồng trung bình 2 - 3 năm mới ra hoa, lúc đó biết đúng - sai đã muộn.
"Tôi cho rằng, những người trong trường hợp này cần phải mời cơ quan chức năng đến làm việc 3 bên và lập vi bằng để có bằng chứng xác thực, bảo vệ mình trước cơ quan chức năng khi có hệ lụy xảy ra" - nghệ nhân này cho biết.
Dưới góc độ quản lý của cơ quan chức năng, nghệ nhân này cũng thừa nhận, hiện nay theo quy định pháp luật thì những giao dịch về cây cảnh, thú chơi cũng rất khó kiểm soát.
Chỉ khi nào Bộ NN&PTNT yêu cầu những nhà vườn buôn bán cây phải đăng ký hồ sơ với Sở NN&PTNT các tỉnh thành, đảm bảo nguồn gốc cây giống, chủng loại, số lượng và giá thành cây nhập vào, bán ra... thì khi đó mới có thể quản lý được triệt để.
Tổng cục Thuế sẽ giám sát giao dịch lan đột biến
Trao đổi với báo chí ngày 17/8/2020, đại diện Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính cho biết, qua báo cáo từ một số cục thuế, đến nay chưa có người bán lan đột biến nào đăng ký, kê khai và nộp thuế. Thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục theo dõi và phối hợp với các cơ quan chức năng khác như công an, đăng ký kinh doanh… để giám sát hoạt động kinh doanh lan đột biến.
Trường hợp phát hiện các cá nhân, tổ chức bán lan đột biến mà chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế thì ngành thuế sẽ xử lý theo quy định.
Đại diện Tổng cục Thuế cho hay cá nhân kinh doanh lan đột biến phải nộp thuế thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng, còn nông dân bán sản phẩm mà họ trồng được không phải nộp hai khoản thuế này.
Còn ông Nguyễn Như Cường - cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, tình trạng thổi giá, quảng cáo quá mức để bán lan đột biến đã giảm sau các thông tin cảnh báo trên báo chí. T
Theo Luật trồng trọt mới ban hành, phải đến 1/1/2023, tức hơn 2 năm nữa, tất cả các giống cây trồng trước khi đưa ra thị trường phải được các chủ cơ sở kinh doanh tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Cơ sở kinh doanh giống cây trồng cũng phải được đăng ký với sở NN&PTNT các địa phương mới được buôn bán.
Khi quy định này có hiệu lực sẽ giảm tình trạng thuê nhà để bán lan kiểu lừa đảo như thời gian qua.