"Luôn đeo khẩu trang kể cả ở trong nhà", "ai ở đâu ngồi yên ở đấy"..., những slogan với cường độ mạnh như thế xuất hiện ngay từ đầu cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần thứ nhất, rồi đến lần thứ 2. Và cho đến bây giờ, những biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách, ngồi yên không đi lung tung, rửa tay sát khuẩn vẫn là kim chỉ nam hàng đầu để phòng chống và tránh con virus không hình hài mang tên SARS-CoV-2. Nhưng có lẽ, trước khi chờ những nhà khoa học hàng đầu thế giới tìm ra vaccine diệt Covid-19, chúng ta cần phải xem lại một chút về nó, để đối mặt và tìm cách sống chung?
Đến trưa nay (20/8), theo số liệu cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có 215 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với gần 22,6 triệu người, có hơn 15 triệu người được chữa khỏi và con số tử vong là gần 800 nghìn người.
Hoa Kỳ hiện tại vẫn đứng đầu với 5,7 triệu người nhiễm và và hơn 176 nghìn người tử vong. Người Mỹ lúc đầu vẫn thờ ơ, chủ quan không đeo khẩu trang, nhưng đến thời điểm này, trên các phương tiện truyền thông của thế giới, hình ảnh đeo khẩu trang của dân Mỹ đã trở nên quá quen thuộc. Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump vốn từ chối quyết liệt và nghi ngờ công dụng của chiếc khẩu trang, giờ cũng chịu đeo rồi.
Sáng nay, trò chuyện với tôi qua mạng xã hội, anh Minh, một người anh đồng nghiệp cũ, giờ sống ở Massachusetts cho biết, anh có thể cảm nhận rõ ràng, người Mỹ giờ đây họ không còn sợ hãi khi nói về Covid-19. "Phải bơ đi để mà sống" - anh nói, chất giọng xứ Quảng vẫn không thể lẫn vào đâu được sau gần 15 năm qua Mỹ.
Giờ trò chuyện là 10h sáng giờ Việt Nam, còn tại Massachusetts, anh Minh trở về nhà sau một ngày làm việc tại công ty. Vừa đỗ xe vào gara bước vào nhà, vẫn còn nguyên đồng phục của công ty, anh nói: "Vẫn được đi làm là hạnh phúc và may mắn trong thời điểm này". Theo anh, thời điểm hiện tại, nỗi sợ hãi nhất đối không chỉ đối với người nhập cư mà kể cả người Mỹ là thất nghiệp chứ không phải Covid-19.
Tiền nhà, tiền điện, xăng xe, sinh hoạt phí..., tất tật đều trông cả vào tài khoản của những người đi làm. Vì thế, thất nghiệp trong thời điểm này đúng nghĩa với 2 từ "bi kịch". Anh Minh cho hay, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, rất nhiều công ty, doanh nghiệp tuyên bố đóng cửa, nhiều người mất việc làm. Anh là một trong những người may mắn đến giờ này vẫn còn có việc. "Người ta sợ không sợ Covid mà sợ những điều nó gây ra, vì thế, nỗi sợ khiến đa số người Mỹ xung quanh mình đang sống buộc phải thích nghi".
Anh Minh cho hay, thời gian trước, khi Covid bắt đầu hoành hành ở Mỹ, chủ đề chính, câu cửa miệng của mọi người là bàn về con virus này. Bàn nhiều đến nỗi có người bị ám ảnh. Nhưng bây giờ, họ coi đó là chuyện bình thường. "Tất nhiên cuộc sống, nếp sinh hoạt phải khác đôi chút. Vào cửa hàng, lớp học, công ty, bắt buộc phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, nhưng đến thời điểm này, người ta chấp nhận sống chung với nó"
Anh kể, tại công ty anh hiện có mấy người đang mắc Covid-19, tuy nhiên không ai được phép biết đó là ai. Mọi thông tin đều được bảo mật, và những người này tự nghỉ làm, tự cách ly cho đến khi nào có giấy chứng nhận khỏi bệnh của cơ quan y tế.
Những nỗi lo công ăn việc làm như vậy cũng đang hằn lên gương mặt hàng triệu người ở Việt Nam này.
Cách "tâm dịch" Covid-19 Đà Nẵng khoảng 500km, nhưng những con số về du lịch mà PV mới cập nhật tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) phải nói là bi đát. 95% lượng khách đến Nha Trang hủy tuor dù đã ký hợp đồng. Toàn ngành du lịch vừa gượng dậy sau Covid đợt 1 giờ tiếp tục gục ngã đợt này và chưa biết đến khi nào thì khôi phục lại. Cách "tâm dịch" những 500km đã như thế, có thể tưởng tượng, kinh tế du lịch Đà Nẵng hiện nay như thế nào.
Mặc dù vẫn đang tiếp tục giãn cách xã hội, tiếp tục phong tỏa một số địa điểm mới, nhưng chiều 19/8, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ ký văn bản về việc triển khai thi công các dự án trên địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.
Chủ tịch Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án, nhà thầu thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của TP, đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cán bộ, công nhân lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống dịch.
Đặc biệt, công văn nêu rõ: "Việc cho thi công trở lại các dự án nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần tăng trưởng kinh tế xã hội của TP trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, có khả năng kéo dài". Rõ ràng, đã đến lúc một số hành động, quyết sách của chính quyền phải "rắn" với Covid, không thể kéo dài thời gian ngưng trệ sản xuất, đời sống khó khăn, kinh tế kiệt quệ chỉ vì nỗi sợ hãi Covid.
Nếu không có gì thay đổi, ngày mai (21/8), Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu rời Đà Nẵng, trở về Hà Nội. Đà Nẵng đã hết dịch? Không phải, ông Nguyễn Trường Sơn đánh giá, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thành phố Đà Nẵng đã bước đầu được kiểm soát, song chính quyền và nhân dân thành phố không được chủ quan, tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch như Chính phủ, địa phương đã ban hành trong thời gian qua.
Đà Nẵng vẫn đang ghi nhân những ca dương tính mới, nhiều tuyến phố tiếp tục bị phong tỏa, song nỗ lực làm sạch Bệnh viên C và sắp tới là BV Đa khoa minh chứng một điều, dù nơi này cách đây vài tuần còn là ổ dịch thì cũng cần nhanh chóng ổn định để đón bệnh nhân khác.
Nói về việc ngưng trệ sản xuất, tôi chợt nhớ đến câu chuyện của một người bạn doanh nghiệp khai khoáng ở Đà Nẵng, trong đợt đầu Covid, dù thời gian cách ly ngắn, nhưng doanh nghiệp của anh lao đao chỉ vì cái... búa đập đá. Đây không phải là cái búa bình thường, với chiếc cán gỗ và cục sắt mà là cái búa nhập từ Vũ Hán (Trung Quốc). Dạo đó ngưng trệ đường bay, việc nhập búa không kịp thời khiến việc khai khoáng đứng bánh vì cả hệ thống máy móc vận hành cho việc đập đá không thể thiếu cái búa. Mà nó hoặc chưa được, hoặc không có bán ở Việt Nam. Anh lúc đó chỉ ước, giá như Việt Nam làm được cái búa cùng hệ thống máy móc đó, anh có thể thở phào, mặc kệ con Covid và "bơ" nó đi, để tiếp tục sản xuất.
Anh Minh kết thúc câu chuyện qua video chat với tôi bằng một nhận xét về cách người Mỹ xung quanh anh sống chung với Covid: Phải có một ý thức cực cao, tuân thủ những quy định đưa ra thì mới có thể không còn lo lắng về nó, dành tâm trí cho những việc khác, hằng ngày vẫn đều đặn diễn ra.