Do mưa lũ diễn biến phức tạp, đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc liên tục phải hứng chịu các đợt lũ. Hiện, con đập này đang phải trải qua thử thách ngặt nghèo nhất từ khi đi vào hoạt động năm 2003 khi lượng nước về hồ cao kỷ lục.
Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, lưu lượng nước vào hồ chứa của đập Tam Hiệp bắt đầu đạt 72.000 mét khối/giây từ trưa ngày thứ Tư (19/8) và tăng lên tới 75.000 mét khối mỗi giây trong ngày thứ Năm 20/8.
Tình hình diễn biến khẩn cấp khiến hệ thống ứng phó khẩn cấp chống lũ lụt đã được nâng lên cấp II, cấp cao thứ hai trong hệ thống 4 cấp của Trung Quốc.
Một số hồ chứa khác ở thượng nguồn sông Dương Tử như Ertan và Xiangjiaba cũng được chỉ đạo tích nước để giúp giảm lưu lượng dòng chảy vào hồ chứa của đập Tam Hiệp.
Đập Tam Hiệp cũng đã phải mở 10 cửa xả lũ với lưu lượng nước lũ lên tới 49.200 mét khối/giây. Dự báo, đập Tam Hiệp sẽ còn tiếp tục phải gánh chịu lượng nước lũ trên 50.000 mét khối/giây liên tiếp trong khoảng 5 ngày tới.
Trong khi đó, mực nước sông Dương Tử ở thành phố Trùng Khánh đã vượt qua mức lịch sử vào sáng thứ Năm (20/8), gây ra mối đe dọa chưa từng có đối với đô thị ở tây nam Trung Quốc.
Vào khoảng 8 giờ sáng thứ Năm, mực nước tại trạm thủy văn Cuntan ở Trùng Khánh đạt mức 191,55 mét, cao hơn 0,14 mét so với kỷ lục năm 1981 và vẫn đang tăng lên.
Thành phố Trùng Khánh, nằm ở thượng nguồn của con sông lớn nhất Trung Quốc, đã nâng cấp mức ứng phó kiểm soát lũ lụt lên cấp I vào thứ Ba, bậc cao nhất trong hệ thống ứng phó khẩn cấp bốn cấp về lũ lụt. Ít nhất 250.000 người dân Trùng Khánh đã được di dời đến địa điểm an toàn.
Tỉnh Tứ Xuyên cũng là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt mưa lũ hiện nay với hơn 100.000 người được sơ tán những ngày qua.
Theo Tân Hoa Xã, trời mưa không ngớt khiến mức nước 22 sông lớn tại tỉnh này vượt mức cảnh báo lũ.
Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên cũng đã nâng mức phản ứng khẩn cấp lên mức cao nhất vào ngày 18/8 để ứng phó với thiên tai. Mưa lũ thậm chí còn mấp mé chân pho tượng Di Lặc Đại Phật cao 71 m - được công nhận là di sản thế giới - ở huyện Lạc Sơn.
Đây là lần đầu tiên nước lũ dâng cao hơn các ngón chân của tượng Phật kể từ năm 1949.
Tại tỉnh Vân Nam, mưa lớn gây ra lũ lụt và lở đất, khiến 14 người thiệt mạng và 20 người khác mất tích.
Theo Sở tài nguyên nước Vân Nam, tính đến ngày 18/8, đã có 34.900 người dân Vân Nam được di dời sau khi thiên tai ảnh hưởng đến 1,1 triệu người. Cơ quan này cho biết thiệt hại kinh tế trực tiếp lên tới 3,14 tỷ nhân dân tệ (khoảng 453,7 triệu đô la Mỹ).
Cho đến nay, lượng mưa trung bình trong tỉnh đạt 688,3mm trong năm 2020, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ chỉ huy phòng chống lũ lụt và hạn hán Vân Nam hôm 18/8 đã nâng mức ứng phó khẩn cấp về phòng chống lũ lụt từ cấp IV lên cấp III.
Trung Quốc đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do mưa lũ trong vài tháng qua. Theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc (MEM), chính phủ nước này đã phân bổ 460 triệu nhân dân tệ cho các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây, Cam Túc và TP Trùng Khánh để chi tiêu cho nỗ lực kiểm soát lũ lụt, cứu hộ khẩn cấp và tái thiết những vùng bị thiên tai tàn phá.
Giới chức Trung Quốc cho biết lũ lụt đã khiến hơn 200 người thiệt mạng hoặc mất tích kể từ đầu năm đến giờ, ảnh hưởng đến cuộc sống hơn 60 triệu người và gây thiệt hại đến 179 tỉ nhân dân tệ.