Dân Việt

Các lãnh đạo bệnh viện Hà Nội nói gì về nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch Covid-19?

Thành An 22/08/2020 18:08 GMT+7
"Chúng tôi như đang đi trên dây. Bệnh nhân đến khai báo y tế, có thể họ khai không thật, mà nhiều khi họ lại không có triệu chứng. Dùng lý thuyết để nói thì rất khó", lãnh đạo Bệnh viện 108 nhấn mạnh.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội, ngày 22/8, đại diện cơ quan chức năng của Hà Nội đánh giá, bệnh viện là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh Covid-19 cao nhất trên địa bàn Hà Nội hiện nay.

"Chúng tôi như đang đi trên dây..."

TS. BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, bệnh viện có nhiều bệnh nhân với bệnh lý nền, chạy thận nhân tạo, người cao tuổi…nếu dịch bệnh xảy ra sẽ rất nghiêm trọng. Do đó, công tác phòng chống dịch rất được quan tâm, từ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà, những người bảo vệ, làm dịch vụ trông xe.

"Nhiều người đến khám nhưng khai báo không trung thực, nếu chỉ dựa vào triệu chứng thì không được. Chúng tôi có máy X quang lưu động, có thể chụp phổi ngay lập tức để rà soát. Như vừa qua, dù những người về từ Đà Nẵng đã xét nghiệm nhanh âm tính, chúng tôi vẫn chụp X quang phổi để đề phòng, vì nếu lọt vào ở nội trú thì rất nguy hiểm", TS.BS Phan Hướng Dương nói.

Các lãnh đạo bệnh viện ở Hà Nội nói gì về nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch Covid-19? - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị về thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng bày tỏ thực trạng, quanh bệnh viện có rất nhiều dịch vụ ăn uống, xe ôm… người nhà bệnh nhân thường xuyên ra vào, nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì thế, cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe những người kinh doanh, buôn bán ở quanh bệnh viện, xét nghiệm sàng lọc Covid-19 để loại trừ nguy cơ lây nhiễm.

Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho rằng, nếu các bệnh viện chủ quan trong phòng chống dịch thì sẽ rất vất vả trong việc dập dịch Covid-19.

"Một bệnh nhân trong 8-9 ngày đi khắp các khoa trong viện, sao xét nghiệm SASR-CoV-2 lại không biết? Vì vậy, tôi rất khắt khe ở khu sàng lọc, nên rất nhiều người khó chịu. Chống dịch như chống giặc mà để giặc vào nhà thì chết dở, nên phải nghiêm túc", GS.TS Trần Danh Cường nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bệnh viện E cho biết, các bệnh viện hiện đang gặp khó khăn trong xét nghiệm, vì có rất nhiều trường hợp nghi ngờ. Vì thế, cần tăng cường năng lực cho CDC Hà Nội để các bệnh viện có thể gửi nhiều mẫu lên xét nghiệm, loại trừ nguy cơ. Vị này cũng cho rằng, cần có kiểm soát các dịch vụ xung quanh bệnh viện để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Bệnh viện 108 Lê Hữu Sang băn khoăn về việc hiện nay Bảo hiểm chỉ chi trả cho một mẫu xét nghiệm Covid-19 là hơn 700 nghìn, trong khi giá thực tế xét nghiệm là khoảng 2 triệu, việc này gây khó khăn cho các cơ sở y tế.

Lãnh đạo Bệnh viện 108 cũng bày tỏ, truyền thông nên chia sẻ với khó khăn của nhân viên y tế, vì các trường hợp đến khám ở bệnh viện nếu sốt cũng có thể có nhiều nguyên nhân, không thể cứ thấy sốt là nghĩ đến Covid-19.

"Nhiều trường hợp đau bụng khám xong cũng không thể giữ lại viện mà phải cho về nhà. Nếu cứ nói cán bộ y tế không sâu sát, không khám kỹ thì rất áp lực vì hiện nay, 60 – 70% người mắc Covid-19 là không có triệu chứng thì rất khó chẩn đoán ngay", ông Sang nói.

"Chúng tôi như đang đi trên dây. Bệnh nhân đến khai báo y tế, có thể họ khai không thật, mà nhiều khi họ lại không có triệu chứng. Dùng lý thuyết để nói thì rất khó", ông Sang nói thêm, đồng thời cho rằng, nên sơ kết hơn 1.000 trường hợp đã mắc để xem cơ chế lây nhiễm thế nào… từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để xử lý.

Tại phiên họp, nhiều bệnh viện cũng bày tỏ mong muốn Chính quyền Hà Nội phối hợp trong việc kiểm soát nguồn lây nhiễm đối với những người kinh doanh hàng quán, dịch vụ, cò mồi … xung quanh bệnh viện. Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hỗ trợ CDC Hà Nội xét nghiệm tại những cơ sở chưa đủ khả năng xét nghiệm …

Tiếp tục kiểm tra công tác an toàn tại các bệnh viện 

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, thời gian qua, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên còn có những nơi có trường hợp dương tính, thậm chí có nơi có nguy cơ lây nhiễm như Bệnh viện Hồng Ngọc, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện E và Bệnh viện Thanh Nhàn…

"Khi có ca nhiễm trong bệnh viện, sẽ có hàng nghìn người liên quan đến các ca bệnh", Phó Chủ tịch UBND Hà Nội lưu ý và nhắc lại bài học tại Bệnh viện Đà Nẵng đã lây lan ra 15 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Các lãnh đạo bệnh viện ở Hà Nội nói gì về nguy cơ lây nhiễm, phát tán dịch Covid-19? - Ảnh 4.

Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP.Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Vừa rồi qua kiểm tra 46 bệnh viện trên địa bàn TP, Sở Y tế đã phát hiện 34 bệnh viện an toàn, 9 bệnh viện an toàn ở mức thấp, 3 bệnh viện không an toàn, thiếu tiêu chí trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đối với các bệnh viện này, Sở Y tế Hà Nội đều kiến nghị dừng hoạt động.

"Mặc dù mới kiểm tra 46/80 bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn TP mà đã phát hiện các trường hợp còn chủ quan, chưa thực hiện đúng các quy định của Trung ương và Thành phố", ông Quý nói.

Lưu ý công tác chuẩn bị tại bệnh viện là hết sức quan trọng, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu các bệnh viện thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, xây dựng phương án khi có trường hợp dương tính xảy ra; chuẩn bị đẩy đủ vật tư, trang thiết bị; tập huấn cho cán bộ, y bác sĩ; chuẩn bị phòng cách ly, phòng sàng lọc, khu vực cách ly cho nhân viên y tế...

"Mỗi đơn vị đều phải có những quy định cụ thể về công tác phòng chống dịch tại đơn vị mình" – Phó Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu. Đồng thời yêu cầu cần áp dụng công nghệ thông tin trong hội chẩn, xử lý các chất thải trong bệnh viện...

Về tình trạng còn hàng quán buôn bán "nhếch nhác" tại các cổng bệnh viện tạo ra nguy cơ lây nhiễm bệnh và ảnh hưởng đến an toàn trật tự, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị các quận huyện phối hợp với các cơ sở y tế cho kiểm tra, xử lý ngay.

Đối với các kiến nghị của bệnh viện về cơ chế giá còn thấp, mua sắm vật tư y tế, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng điều này sẽ gây khó khăn trong các Bệnh viện và sẽ có báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương.