Dân Việt

Nông sản lao đao vì Covid-19: Nhà nông cứu mình cách nào?

Nguyễn Vy 25/08/2020 18:20 GMT+7
Chỉ trong vòng 3 tháng gần đây nhất, giá thanh long Bình Thuận cũng 3 lần tăng giảm muốn chóng mặt. Đầu tháng 6, thanh long đỏ cành cùng lúc Trung Quốc đang thu hoạch thanh long. Trong nước, trái cây cũng chín rộ khắp nơi. Thanh long Bình Thuận được mùa nhưng giá chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.
Liên kết tiêu thụ với DN để tự cứu mình - Ảnh 1.

Nông dân thu hái thanh long tại Long An. Ảnh: Nguyễn Vy

Không có lãi nên nhiều nông dân đã chặt cành, cắt bỏ búp thanh long để cây hồi phục sau đợt nắng hạn. Đến đầu tháng 7, sản lượng thanh long sụt giảm. Doanh nghiệp không đủ nguồn hàng để giao nên đẩy giá thu mua. Thanh long được giá, từ 15.000 - 20.000 đồng/kg nhưng thiếu hàng.

Đến đầu tháng 8, dịch Covid-19 tái xuất, thị trường Trung Quốc giảm lượng nhập khẩu. Giá thanh long loại quay đầu giảm còn 3.500 đồng/kg, hàng đạt chỉ có 200 đồng/kg. Không chỉ thanh long ruột trắng, vùng trồng thanh long ruột đỏ ở Đồng Nai, Long An, Tiền Giang cũng thê thảm tương tự.

Phòng NNPTNT huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, toàn huyện có khoảng 7.500ha thanh long. Vừa qua, những vườn thanh long cho trái đẹp được thương lái thu mua với giá khoảng 3.000 đồng/kg, loại đạt chỉ mua với giá vài trăm đồng, thậm chí là không mua.

Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ trái thanh long bị ùn ứ do không xuất khẩu được, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh tức tốc phối hợp các ngành chức năng tổ chức bán 1,5 tấn thanh long với giá 5.000 đồng/kg. Đây là lần thứ hai trong năm, Tiền Giang phát động cuộc "giải cứu" với loại trái cây này.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Trâm - Trường ĐH Tài chính Marketing, chính sự gia tăng quá nhanh về diện tích nhưng mất cân đối về tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường đã đẩy trái thanh long vào thế bị động, dễ bị ép giá và đầy rủi ro.

Thạc sĩ Minh Trâm cho rằng, đây là thời điểm cần thiết để trái thanh long cấu trúc thị trường xuất khẩu. Nhất là giảm dần tỷ lệ xuất sang Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm mở rộng sang thị trường mới. Để làm được điều này, các doanh nghiệp có vai trò rất lớn trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đi kèm với đó là một chuẩn giá trị cao hơn để chinh phục những thị trường khó tính.

Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận cho rằng, để nông dân bước ra khỏi câu chuyện giá thấp, chỉ còn con đường duy nhất là liên kết, và sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Nhưng GAP lần này phải là Gap minh bạch và trung thực chứ không phải làm theo kiểu đối phó.

Ngay tại xã An Lục Long, gần 80 thành viên trong Hội quán Cầu Đôi vẫn bán được thanh long với giá ổn định giữa mùa Covid-19. Thành lập giữa năm 2019, Hội quán Cầu Đôi đang canh tác gần 52ha cây thanh long. Đây là tổ chức tự nguyện lập ra để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường.

Được Công ty xuất nhập khẩu rau quả Cần Thơ hướng dẫn sản xuất thanh long GlobalGAP, sau khi đã đạt chuẩn, công ty sẽ ký hợp đồng thu mua bao tiêu cho thành viên. Theo đó, thanh long ruột trắng bán với giá 19.500 đồng/kg; còn thanh long ruột đỏ có giá 30.000 đồng/kg. Từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty rau quả Cần Thơ đã thu mua của 30 hộ thành viên hội quán Cầu Đôi gần 100 tấn trái thanh long.

Theo Sở NNPTNT Long An, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thời gian tới xuất khẩu thanh long sản sang thị Trường Trung Quốc có thể giảm mạnh. Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở cho rằng: "Việc xây dựng những chuỗi giá trị thanh long như ở huyện Châu Thành và toàn tỉnh Long An là rất quan trọng và cần thiết".

Mới đây, Hiệp hội Thanh long Long An cũng xuất bán lô hàng đầu tiên cho Công ty TNHH LaviAgri. Đây là bước đầu trong kế hoạch doanh nghiệp ký kết hợp tác thu mua và tiêu thụ 100ha của nhà vườn trên địa bàn huyện Châu Thành và Tân Trụ.