Cây thanh long chấm dứt chuỗi ngày bỏ ruộng hoang trên "đất cảng" Hải Phòng

Thu Thủy Thứ hai, ngày 17/08/2020 13:46 PM (GMT+7)
Mạnh dạn chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long, nhiều hộ nông dân ở xã Bát Trang, huyện An Lão (TP.Hải Phòng) không những có thu nhập cao mà còn chấm dứt chuỗi ngày bỏ ruộng hoang cho cỏ mọc triền miên trước đây.
Bình luận 0

Mạnh dạn chuyển đổi

Ông Hoàng Văn Triệu (ở thôn Trực Trang, xã Bát Trang), cho biết, gia đình ông có 1 mẫu thanh long trồng dưới chân ruộng lúa, đang trong giai đoạn được thu hoạch. Trước đây, vùng đất này chủ yếu là cấy lúa một năm 2 vụ nhưng những năm gần đây sâu bệnh, chuột phá hoại rất nhiều, năng suất lúa ngày càng kém. Thu hoạch lúa không được bao nhiêu nên nhiều hộ chán nản bỏ ruộng không, để cỏ mọc tự do.

Cây thanh long “xóa” ruộng hoang đất Cảng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Hải hiện có 9 sào trồng thanh long. Ảnh: Thu Thủy

Cây thanh long “xóa” ruộng hoang đất Cảng - Ảnh 2.

Một sào thanh long trồng được khoảng 45 trụ, bắt đầu từ năm thứ 2 cây thanh long cho trái.

"Ngành nông nghiệp thành phố cũng cần đặc biệt quan tâm giúp nông dân trong việc đầu tư giống và công nghệ để Bát Trang trở thành vùng nguyên liệu thanh long cho Nhà máy Chế biến rau, củ, quả công nghệ cao Hải Phòng khi nhà máy này đi vào hoạt động".

Ông Phan Việt Hào

Từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thành phố, cho phép chuyển các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác thì gia đình ông Triệu và một số hộ đã chọn trồng cây thanh long, một số diện tích khác trồng cây vải sớm.

"Đi tham quan học hỏi nhiều địa phương, tôi nhận thấy cây thanh long phù hợp với thổ nhưỡng ở đây. Chúng là họ xương rồng, sống được trong mọi điều kiện canh tác khác nhau. Gia đình tôi đã tiến hành trồng thí điểm trước mấy sào, thấy thanh long sinh trưởng rất tốt, cho trái nhiều và nhất là chất lượng không thua kém những nơi khác nên tôi tiếp tục mạnh dạn nhân rộng diện tích, đầu tư chăm sóc kỹ lưỡng hơn" - ông Triệu nói.

Cũng giống như ông Triệu, ông Nguyên Văn Hải có 9 sào thanh long và 5 sào trồng vải được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả năm 2015. 

Trò chuyện với phóng viên, ông Hải cho biết: "Cây thanh long rất dễ sống nhưng trồng thanh long sẽ phải tưới nước, chăm bón nhiều hơn. Trong quá trình chăm sóc, phải thực hiện một số công đoạn như dọn cỏ, cắt tỉa cành, vặt bớt hoa... Cây thanh long có ưu điểm là hầu như không có sâu phá hoại nhưng chúng lại hay bị bệnh nấm sùi thân cây nên trong quá trình chăm sóc, người trồng cần đặc biệt chú ý để chữa trị kịp thời".

Ông Hải cho hay, một sào thanh long trồng được khoảng 45 trụ, bắt đầu từ năm thứ 2 cây thanh long cho trái và hiệu quả cao nhất ở những năm thứ 4 trở đi. Một năm thanh long cho thu hoạch 1 vụ và mỗi vụ khoảng 6 - 7 đợt thu quả.

Cây thanh long “xóa” ruộng hoang đất Cảng - Ảnh 4.

Việc tiêu thụ thanh long vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, bị động. Ảnh: T.T

Trung bình mỗi trụ thanh long cho từ 15 - 17kg trái, với giá bán dao động từ 18.000 - 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi sào thanh long cho nông dân thu về 15 - 20 triệu đồng.

Trung bình mỗi trụ thanh long cho từ 15 - 17kg trái, với giá bán dao động từ 18.000 - 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi sào thanh long cho nông dân thu về 15 - 20 triệu đồng.

Riêng năm nay, do nắng quá nhiều nên quả thanh long bé hơn, giá cũng không được như những năm trước. Tuy nhiên, trồng thanh long vẫn cho thu nhập cao hơn nhiều lần cấy lúa.

Chia sẻ bí quyết cho trái ngọt

Tìm hiểu thêm về kinh nghiệm trồng và chăm sóc thanh long, ông Phạm Văn Tân - một trong những người tiên phong trồng thanh long ở xã Bát Trang cho hay: "Cây thanh long chỉ cần trồng một lần, 2 năm sau cây cho trái và cứ thế thu hoạch trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, mỗi lần hái quả xong, nhà vườn phải bổ sung dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hữu cơ ủ mục như phân gà, phân lợn, rơm rạ phủ quanh gốc, vừa để cải tạo đất, vừa hạn chế cỏ dại mọc. 

Trong quá trình chăm sóc thanh long có 2 giai đoạn cần chú ý, đó là khoảng cuối tháng 3, thanh long bắt đầu nhú hoa, người trồng phải bỏ công bẻ bớt hoa, chỉ nên để mỗi tàu 1 quả. Khi sang tháng 12, thanh long đẻ nhánh thì phải dọn bỏ những nhánh ở dưới, chỉ để lại những nhánh ở trên đỉnh trụ để chúng đón nhận được nhiều ánh sáng hơn, quả sẽ to hơn và đẹp mã hơn".

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Việt Hào - Chủ tịch Hội ND xã Bát Trang cho biết: Hiện nay toàn xã có khoảng trên 200 hộ trồng thanh long với tổng diện tích 50ha, trồng theo hướng VietGAP. Tuy nhiên, người trồng thanh long ở xã Bát Trang vẫn đang bị động trong khâu tiêu thụ, khiến giá bán còn khá bấp bênh. Vì vậy, chúng tôi rất mong ngành nông nghiệp, các sở ngành liên quan chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu cho quả thanh long xã Bát Trang, giúp đầu ra ổn định hơn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem