Hỗ trợ hội viên kiến thức, vốn
Ông Nguyễn Trường Phong – Chủ tịch Hội ND huyện Yên Phong cho biết: Hàng năm, các cấp Hội từ huyện đến cơ sở chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng gia đình hội viên, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, động viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mới...
Hội viên, nông dân đã đưa những giống cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Từ đó, nâng cao thu nhập trên 1ha canh tác đạt 99,7 triệu đồng, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, góp phần đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hưởng ứng phong trào nông dân tỉnh Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội ND huyện Yên Phong vận động hội viên, nông dân tự nguyện hiến 1.365m2 đất, đóng góp 6,3 tỷ đồng, 4.385 ngày công lao động tham gia làm đường giao thông nông thôn. Hàng năm có hơn 87% hộ gia đình hội viên nông dân đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Ngoài ra, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng Sacombank làm thủ tục giải ngân vốn vay với tổng dư nợ hiện tại là 89 tỷ đồng; cung ứng 600 tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân phục vụ sản xuất.
Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, 5 năm qua, các cấp Hội ND trên địa bàn huyện Yên Phong đã phối hợp các ban, ngành tổ chức 870 buổi tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 82.042 lượt hội viên nông dân tham gia.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh theo hướng tập trung; thành lập mới tổ hợp tác, HTX. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 67 HTX, trong đó 55 HTX trong lĩnh vực nông nghiệp và 12 HTX ngành nghề.
Thông qua việc tạo vốn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật đã tạo điều kiện cho hội viên, nông dân đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Cụ thể: Trong 5 năm qua, toàn huyện có 46.150 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tương đương 80% số hộ đăng ký. Trong đó đạt cấp Trung ương 415 lượt hộ, cấp tỉnh 2.446 lượt hộ.
Hộ giàu giúp đỡ hộ khó thoát nghèo
Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề, nhiều mô hình mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như mô hình chăn nuôi gia cầm và sản xuất giống gia cầm của hội viên Nguyễn Văn Ái (xã Hòa Tiến). Từ nhiều năm nay, cơ sở chăn nuôi, sản xuất gà giống của ông Ái địa chỉ tin cậy cho nhiều nông dân trên địa bàn và các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Ông Ái chia sẻ: Năm 1992, nhận thấy nhu cầu nuôi gà của bà con ngày càng tăng nhưng con giống lại khan hiếm, ông bàn bạc với gia đình về mô hình sản xuất gà con giống. Với số vốn tích góp nhiều năm và vay mượn từ bạn bè, người thân, ông đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 2.000 con gà mẹ về nuôi.
Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn KHKT chăn nuôi gà do các cấp Hội ND tổ chức nên mô hình của gia đình đạt hiệu quả kinh tế cao ngay từ năm đầu tiên thực hiện. Từ thành công bước đầu, vợ chồng ông có thêm vốn liếng, động lực để đầu tư các lứa tiếp theo.
Hiện nay, gia đình ông đang nuôi 50.000 gà mẹ trên mảnh vườn 5.000m2 và thuê thêm diện tích 20.000 m2 ở Vĩnh Phúc để mở rộng diện tích chăn nuôi gà giống của thị trường.
Hàng ngày, ông Ái thường có 4 chiếc xe tải chuyên chở gà giống và thức ăn cho gà lưu thông trên đường, nhưng ông rất yên tâm, vì đã lắp camera định vị cho cả 4 chiếc xe từ Nam ra Bắc. Với công nghệ 4.0 này, ông có thể kiểm soát và điều hành đội ngũ công nhân từ xa mà không hề vất vả. Mặt khác, ông cũng đang chuẩn bị thành lập công ty, để việc phát triển đàn gà giống bền vững trên toàn quốc.
Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi gà, ông Ái cho biết: "Bí quyết để có đàn gà giống sạch bệnh, an toàn nằm ở khâu thức ăn, phải đảm bảo đủ dinh dưỡng; hệ thống chuồng trại sạch sẽ, thoáng đãng, đông ấm, hè mát. Hiện, trừ chi phí, gia đình thu lãi 500 - 600 triệu đồng/năm".
Không chỉ vươn lên làm kinh tế giỏi, ông còn tích cực hưởng ứng các phong trào do các cấp Hội ND phát động. Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ kỹ thuật chăn nuôi cho hàng trăm hộ nông dân nghèo về cách chăm sóc, phòng và điều trị bệnh cho gia cầm, hỗ trợ trên 10.000 gà con giống theo phương thức trả chậm. Mô hình của gia đình ông đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Cùng với mô hình chăn nuôi, sản xuất gà giống của hội viên nông dân giỏi Nguyễn Văn Ái, trên địa bàn huyện Yên Phong còn có hàng nghìn hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với nhiều mô hình đặc sắc như mô hình chăn nuôi bò của hội viên Nguyễn Văn Tho (xã Trung Nghĩa), Nguyễn Văn Giáo (xã Đông Phong); trồng rau an toàn của Nguyễn Chí Sơn (xã Tam Giang); mô hình chuyển đổi sang trồng cây ăn quả ở xã Tam Đa, Dũng Liệt; sản xuất mì gạo, bánh đa nem ở xã Yên Phụ; đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Trung Nghĩa, Đông Thọ, Văn Môn…