Phú Yên: Chủ tịch Hội Yến sào nói gì trước nạn bắt chim tiền tỷ ăn thịt?

Thứ hai, ngày 24/08/2020 10:10 AM (GMT+7)
Thời gian qua, nghề nuôi chim yến được người dân trong tỉnh Phú Yên đầu tư phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, tình trạng giăng bẫy bắt chim yến để bán thịt ngày càng diễn ra phức tạp, làm suy giảm đáng kể đàn yến, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi.
Bình luận 0

Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh việc bảo tồn, phát triển loài chim quý giá này, ông Phạm Duy Khiêm, Chủ tịch Hội Yến sào Phú Yên cho biết:

 - Nghề nuôi chim yến hình thành tại Phú Yên từ năm 2005 và từ năm 2010 đến nay thì nghề này phát triển khá mạnh. Hiện toàn tỉnh có khoảng 700 nhà nuôi chim yến, tập trung chủ yếu ở TP Tuy Hòa, các huyện Phú Hòa, huyện Tuy An, TX Đông Hòa và gần đây nhất phát triển về các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa. Qua thống kê, đàn chim yến toàn tỉnh hiện có khoảng 60.000 con (bao gồm cả chim con). 

Quần thể chim yến đang phát triển tại tỉnh Phú Yên là loài yến hàng có nguồn gốc từ các đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa di cư vào. Vì vậy, chất lượng tổ yến có giá trị dinh dưỡng rất cao, cao hơn hẳn so với giống yến nguồn gốc từ Indonesia hay Malaysia. Bình quân mỗi năm, tổng sản lượng tổ yến thu hoạch của toàn tỉnh gần 1,5 tấn, mang lại nguồn lợi khoảng 206 tỉ đồng.

Phú Yên: Chủ tịch Hội Yến sào nói gì trước nạn bắt chim tiền tỷ ăn thịt? - Ảnh 1.

Một người giăng bẫy bắt chim yến tại khu đồng phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ảnh: CTV

 * Thời gian qua, vấn nạn giăng bẫy bắt chim yến xảy ra ở nhiều địa phương. Ông có thể cho biết rõ hơn về thực trạng này?

 - Từ năm 2005-2015, nghề nuôi chim yến phát triển khá mạnh, nhiều nhà nuôi yến được xây dựng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để dẫn dụ chim yến. 

Thêm vào đó, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh chưa cao, còn nhiều khu đồng ruộng, rẫy, rừng..., quần thể côn trùng bay dồi dào - là nguồn thức ăn chính của chim yến nên đàn yến di cư vào đông. 

Đặc biệt, trong thời gian này, tình trạng giăng bẫy bắt chim chưa xảy ra rầm rộ nên đàn yến được bảo tồn. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, việc giăng bẫy bắt chim xảy ra khá nhiều, nhất là 2 năm gần đây khi đàn chim sẻ suy giảm mạnh, nhiều người chuyển sang bắt chim yến làm thịt rồi bán vào các nhà hàng, quán nhậu với danh chim sẻ, số ít mang bán sống tại các chợ. 

Những người bắt chim thường giăng bẫy ở các khu đồng, bầu soi... nơi có nhiều chim yến tìm tới ăn. Công cụ bắt chim là loại lưới tàng hình dài 4-5m, rộng khoảng 1m, có mắt lưới nhỏ, sợi mỏng khi giăng lên chim khó nhận thấy và rất dễ dính bẫy. 

Tại TP Tuy Hòa, những khu vực thường có bẫy giăng như khu đồng ở phường 9, xung quanh chùa Hồ Sơn, lò mổ gia súc phường 8, các thôn Thượng Phú, Phú Liên (xã An Phú), phường Phú Lâm... Ở huyện Phú Hòa, TX Đông Hòa cũng thường xuất hiện bẫy giăng ở những khu đồng lúa.

 

Phú Yên: Chủ tịch Hội Yến sào nói gì trước nạn bắt chim tiền tỷ ăn thịt? - Ảnh 3.

Ông Phạm Duy Khiêm

* Việc này có ảnh hưởng như thế nào đến đàn chim yến, thưa ông?

 - Chim yến là loài chim có tập tính chung thủy, sống theo cặp. Vì vậy, khi 1 con bị bắt mất thì con còn lại không bắt cặp với con khác mà sẽ chết theo hoặc sống đơn độc cho đến hết vòng đời (vòng đời chim yến là 12 năm); vì vậy, chim yến sẽ không sinh con và làm tổ nữa. 

Cùng với đó, nếu chim bố, mẹ bị bắt mất thì chim non trong tổ không được nuôi cũng sẽ chết theo. Vì vậy, trên thực tế, khi một con chim yến bị bắt thì giá trị bị mất theo là rất nhiều.

 Nạn giăng bẫy bắt chim yến đã trực tiếp làm suy giảm đáng kể số lượng đàn yến. Qua theo dõi và báo cáo từ các chủ nhà yến thì sản lượng tổ yến và bầy đàn yến đến ở trong nhà nuôi hiện nay đã giảm khoảng 40% so với 5 năm trước. 

Cụ thể, trước đây 1 nhà yến có diện tích 200m2 sẽ có khoảng 20.000 con (đầy nhà) nhưng nay, mật độ yến làm tổ trong nhà nuôi giảm gần nửa, tương đương đàn yến chỉ còn khoảng 10.000-12.000 con; kéo theo đó là giá trị kinh tế cũng giảm 40%. 

Còn về lâu dài, nếu khu vực đi ăn không còn an toàn, chim yến có khả năng sẽ di cư tìm vùng đất mới, khi đó thiệt hại sẽ còn cao hơn. Hậu quả lớn hơn nữa là khi chim bị bẫy bắt nhiều, tức thiên địch của sâu bệnh giảm sút thì côn trùng gây hại sẽ tăng nhanh hơn bình thường, mùa màng cũng bị ảnh hưởng.

 * Hội Yến sào Phú Yên đã có những biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

 - Cuối năm 2019, Hội Yến sào Phú Yên chính thức thành lập Ban Bảo vệ chim yến tỉnh với 5 thành viên. Hội có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin, trực tiếp kiểm tra, ngăn chặn và tháo gỡ các bẫy bắt chim; tuyên truyền, vận động đừng bắt chim yến. 

Tính đến nay, hội đã trực tiếp tham gia vận động, ngăn chặn và tháo gỡ hơn 30 trường hợp bẫy bắt chim, trong đó có chim yến. Ngoài ra, hội còn mua và phóng sinh nhiều chim yến bị bắt bán tại các chợ khi phát hiện. Trong quá trình làm việc, chúng tôi gặp rất nhiều trường hợp không phối hợp, chống đối. 

Ở cấp độ hội thì chúng tôi chủ yếu đi tháo gỡ các bẫy giăng khi phát hiện, nhưng sau đó người bắt chim vẫn tiếp tục giăng bắt ở những vị trí, khu vực khác nên không mang tính triệt để, hiệu quả mang lại chưa cao.

 Xin cảm ơn ông!

Để bảo tồn và phát triển nghề nuôi chim yến bền vững, hội đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan có biện pháp xử lý, xử phạt những đối tượng bẫy chim yến trái pháp luật. Ngoài ra, hội đã có công văn tham vấn cho Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) về chế tài xử phạt hành vi bắt chim yến.

Thủy Tiên (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem