Đó là lão nông dân Vũ Văn Chắc, bản Co Súc, (xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) nuôi bò vỗ theo kiểu nhốt chuồng. Vào thời điểm cao nhất trong chuồng của gia đình ông Chắc nuôi tới 28 con bò.
Ông Chắc gắn bó với nghề nuôi bò vỗ béo được gần 15 năm nay. Ông được người dân trong vùng biết đến là người chịu khó, ham học hỏi và từ tốn.
Cũng nhờ tính chịu khó, khiêm nhường đó đã giúp ông gặt hái được nhiều thành công với nghề nuôi bò vỗ béo.
Ông Vũ Văn Chắc cho biết, trước đây ngoài việc trồng chè, trồng ngô gia đình ông còn nuôi thêm 3 - 4 con bò vỗ béo để bán thịt, mỗi năm thu nhập từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng. Nhận thấy tại địa phương có nhiều cỏ mọc xanh ngát và rơm rạ của người dân thu hoạch sau mỗi vụ lúa thừa thái, hoang phí, ông nghĩ đến việc nuôi bò vỗ béo.
Sau đó ông Chắc dồn hết vốn liếng tiết kiệm bấy lâu nay, sang mấy bản lân cận mua 10 con bò gầy trưởng thành về nuôi vỗ béo.
Đang thoăn thoắt vận hành chiếc máy thái cỏ công suất lớn, ông Chắc kể với chúng tôi: "Tôi nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng phát triển kinh tế được khoảng gần 15 năm nay, nên cũng có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng dịch cho đàn bò.
Mỗi con bò ăn khoảng 25kg cỏ/ngày. Để chủ động nguồn thức ăn hàng ngày cho đàn bò, tôi trồng thêm 4ha cỏ voi và xin thêm rơm rạ của người dân về tích trữ trong kho. Vì vậy nguồn thức ăn cho đàn bò luôn được bảo đảm, không lo thiếu".
Công việc hàng ngày của ông Chắc ở trang trại mỗi ngày là cắt, thái cỏ cho bò ăn. Khu vực chuồng trại được xây dựng kiên cố với hệ thống xử lý chất thải phù hợp, vệ sinh mỗi ngày 3 lần, tạo môi trường sạch sẽ để đàn bò phát triển khỏe mạnh.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng, ông Vũ Văn Chắc, bản Co Súc cho hay: "Để nuôi bò vỗ béo thành công thì người nuôi phải có hiểu biết nhất định về cách chăm sóc và phòng chống dịch bệnh như vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ, tiêm phòng vacxin…
Nên tìm mua và vỗ béo các loại bò đực có độ tuổi dưới 3 năm, vì nếu nuôi vỗ béo bò già sẽ cho hiệu quả kinh tế thấp.
Ngoài ra, người nuôi cần phải biết con bò nào có hiện tượng bị nhiễm giun sán để có biện pháp tẩy giun sán kịp thời, bò mới lớn nhanh và cho năng suất thịt cao.
Trước khi bán ra ngoài thị trường từ 4 tháng đến 5 tháng, ngoài thức ăn thô xanh cần cho bò ăn bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo có pha thêm nước muối loãng…".
Nuôi bò vỗ béo hiện đang là hướng đi mới đem lại lợi nhuận khá ổn định cho bà con nông dân xã Song Khủa, huyện Vân Hồ. Lợi ích thứ hai từ việc nuôi bò vỗ béo mang lại, đó là người nông dân có thể tận thu được nguồn phân bò bón cho vườn cây ăn qủa, giảm chi phí mua phân bón tưới tiêu.
Đây có thể nói là lợi ích kép trong việc nuôi bò vỗ béo. Ngoài cách thức nuôi bò vỗ béo nhốt chuồng, trong 1 tuần ông Chắc cho đàn bò ra vườn đồi 3 lần để chúng tự kiếm ăn. Cách làm này để cho bò tự vận động nhằm giảm thiểu bệnh tật và tăng sức đề kháng.
Với kỹ thuật nuôi bò vỗ béo khoa học nên đàn bò của ông Chắc lớn nhanh, cho năng suất thịt cao và bán được giá, có con bán trên 14 triệu đồng. Trong một năm, ông Chắc bán bò thành nhiều đợt và mua bò đực gầy yếu về nuôi vỗ béo bổ sung liên tục.
Ông Chắc cho biết: "Một năm tôi bán ra thị trường từ 14 con bò đến 18 con bò. Bình quân mỗi con bán được từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng và tổng thu nhập đạt gần 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 160 triệu đồng...".
"Tôi nhận thấy rất may mắn khi chọn nghề nuôi bò vỗ béo bán thịt. Từ khi nuôi bò đến giờ hầu như tôi chưa bao giờ lỗ vốn, bởi thị trường tiêu thụ bò thịt khá lớn và giá thu mua rất cao và ổn định. Cơ ngơi khang trang tôi đang có trong tay ngày hôm nay là nhờ nuôi bò vỗ béo", ông Vũ Văn Chắc.