Theo anh Nguyễn Hữu Hiếu (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), so với các loại cây ăn trái khác, mít Thái siêu sớm là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp, năng suất, lợi nhuận cao. Mít Thái siêu sớm được nhiều người ưa chuộng bởi múi mít giòn, không ướt, vị ngọt đậm và thơm.
Cây mít Thái siêu sớm từ khi trồng đến khi được 14-16 tháng bắt đầu cho trái, từ năm thứ 2 về sau, mỗi cây mít có thể đạt năng suất khoảng 100kg trái/năm. Trung bình trái mít từ lúc mới ra đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng, nên mỗi năm cây mít cho thu hoạch khoảng 2-3 vụ, tùy thuộc điều kiện chăm sóc.
Hiện tại, với khoảng 4.500 gốc mít Thái siêu sớm, bán cho thương lái thu mua tại vườn giá từ 4.000-40.000 đồng/kg tùy theo màu và cân nặng của trái mít, trung bình mỗi năm gia đình anh Nguyễn Hữu Hiếu thu nhập khoảng vài trăm triệu đồng.
Tương tự như anh Hiếu, nông dân Nguyễn Văn Thông (xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) chuyển đổi 12 công đất trồng lúa sang trồng mít Thái siêu sớm. Ông Thông cho biết, do mít nhẹ công chăm sóc, ít tốn chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thường chỉ phun 1 lần duy nhất thuốc ngừa sâu hại tấn công trên mít lúc trái còn nhỏ và dùng túi bao trái đến khi thu hoạch.
So các loại cây trồng khác, cây mít Thái sẽ cho thu nhập cao hơn gấp vài lần, bởi cây mít cho trái quanh năm, cứ nối tiếp nhau hết đợt này đến đợt trái kế tiếp.
Tuần nào vườn mít Thái siêu sớm của ông Thông cũng có trái thu hoạch. Hiện tại, vườn mít của gia đình ông Thông đã thu nhập ổn định, với 1.000 cây mít Thái siêu sớm, gia đình ông thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.
Nông dân Trần Văn Dẻo (phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) trồng 7 công mít Thái siêu sớm gần 2 năm tuổi cho biết, giống mít này phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương.
Cộng với việc bón phân chăm sóc tốt nên vườn mít Thái của gia đình anh có trái quanh năm, múi to, ngọt đậm, thời điểm nào vườn nhà anh cũng có mít bán nên cạnh tranh được về giá.
Theo anh Dẻo, giống mít Thái siêu sớm có nhiều ưu điểm so với giống mít truyền thống, nhưng tuổi thọ của mít Thái siêu sớm rất ngắn, vì thế muốn cây phát triển tốt nên tỉa bớt trái non và không để rong xanh bám vào cây, thường xuyên kiểm tra cắt tỉa cành hư và chà rửa những vết rong bám vào thân cây.
Vì cây mít Thái siêu sớm không chịu nước nên phải đắp mô cao để dễ dàng thoát nước mùa mưa. Đối với các loại dịch hại, nên phòng ngừa sâu đục thân, đục trái, rệp sáp. Ngoài ra, thường xuyên tỉa cành, tỉa lá cho mít thông thoáng, tránh bị lây nhiễm nấm bệnh và phát triển tốt.
Anh Dẻo chia sẻ thêm, trong quá trình chăm sóc, mỗi cây mít Thái chỉ nên giữ lại 4-5 trái ôm thân và gần gốc để tập trung dinh dưỡng nuôi trái to, đạt chất lượng, còn lại phải tỉa bỏ khi còn nhỏ.
Nếu để quá nhiều trái sẽ hại sức cây mít làm cho trái nhỏ, chất lượng kém và cây sẽ chậm ra lứa khác. Khi trái mít Thái bắt đầu tạo cám khoảng 1kg, nên dùng bọc lưới bao lại tránh sâu rầy, côn trùng tấn công sẽ có được trái đẹp, chất lượng tốt.
Mít Thái siêu sớm đang là loại cây trồng phổ biến, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân tỉnh An Giang. Tuy nhiên, các ngành chức năng khuyến cáo các hộ trồng mít Thái nên chủ động đầu ra, phát triển cây một cách khoa học, tăng cường liên kết khâu sản xuất với tiêu thụ.
Bên cạnh đó, cần quy trình sản xuất sạch, chú trọng kỹ thuật chăm sóc cây mít Thái nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng, có truy xuất nguồn gốc để dễ dàng phát triển nông sản mít ở nhiều thị trường khác nhau trong tương lai.
Mít Thái siêu sớm là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, cho năng suất cao, trái to, dày cơm, ít xơ, vị ngọt, thơm giòn, được thị trường ưa chuộng. Những năm gần đây, cây mít Thái siêu sớm được xem là một trong những lựa chọn ưu tiên để thay thế những cây trồng kém hiệu quả của rất nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh An Giang.